Công ty trong khu vực dễ dàng gọi nguồn vốn rất lớn, gấp hàng chục lần các công ty Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Trong khi startup Việt còn rất nhiều khó khăn dù 2 năm qua được đề cập nhiều với các chương trình hành động lớn.
Ước tính toàn khu vực Đông Nam Á có hơn 7.000 startup, 80% nằm ở Việt Nam, Singapore và Indonesia. Nguồn đầu tư hằng năm vào các startup khu vực khoảng 1 - 1,5 tỷ USD nhưng 80% chảy vào Indonesia và Singapore. Tổng đầu tư vào các startup Việt Nam đến nay tính ra chưa đến 100 triệu USD.
Trong khi các startup Việt Nam vẫn trầy trật gọi các nguồn đầu tư khiêm tốn với vài triệu USD đã là lớn thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, 6 công ty ở Indonesia và Singapore đã nhận tổng cộng gần 5 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Grab với 2,5 tỷ USD, một dự án khác ở Indonesia nhận 2 tỷ USD.
Trong 6 công ty nhận vốn tỷ đô thì 4 công ty đã có mặt ở Việt Nam gồm Garena, Lazada, Grab và Traveloka - là các công ty vận hành thị trường về thương mại điện tử, vận tải, du lịch trực tuyến, giải trí trực tuyến nhưng có khả năng bao quát vào nhiều mảng trực tuyến khác.
4 công ty đang hiện diện tại Việt Nam này đã huy động đến 4,6 tỷ USD. Họ chỉ cần đầu tư 20% số vốn huy động vào Việt Nam thì ít nhất trong năm nay, nguồn vốn để xây dựng thị trường lên đến cả tỷ USD. Đó là điều mà các công ty startup Việt chưa bao giờ dám mơ tới.
Vậy, startup có trở ngại gì trong huy động vốn, có cách gì hợp tác để đi nhanh hơn?
Việt Nam đang là một phần trong thị trường Đông Nam Á đang được đánh giá cực kỳ hấp dẫn, đang được "khám phá" trong 2 năm gần đây và các đại gia trong khu vực cực kỳ quan tâm. Ví dụ Softbank có nguồn vốn đến 100 tỷ USD; Amazon đang tiến vào, hay Alibaba của Trung Quốc trong 2 năm qua rất quyết liệt đầu tư.
Các startup Việt đang ở thế khó, phải đặt ra giá trị cuối cùng mình đem lại cho đối tác là gì, đặc biệt ở thị trường công nghệ, số vốn không còn biên giới. Grab hay Uber đều có mặt tại Việt Nam nhưng họ không cần đối tác, bằng nguồn vốn huy động, họ đầu tư xây dựng doanh nghiệp ngay tại Việt Nam. Nguồn đầu tư của họ bằng vốn hóa thị trường của cả 2 doanh nghiệp taxi lớn nhất Việt Nam.
Giả sử một công ty Việt Nam muốn bắt tay làm đối tác với họ cũng không có giá trị gì, vì mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Đó chính là thách thức cho các startup Việt.
Chẳng hạn, VNG phải định vị mình như một công ty quốc tế để thu hút vốn ở nước ngoài, nếu chỉ định vị là công ty Việt Nam thì rất khó tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế, rất khó huy động vốn.
Chúng tôi cần huy động vài trăm triệu USD đã rất khó khăn, phải qua ý kiến của 5 bộ. Như vậy, Chính phủ cần suy nghĩ về vị trí của Việt Nam với các công ty khu vực như thế nào thì mới có chính sách hấp dẫn nhà đầu tư. Còn cứ nói "thị trường tiềm năng" thì sẽ ngày càng bị tụt hậu so với khu vực.
Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG