Hội nghị Ban chấp hành VNREA lần thứ 3 nhiệm kỳ 4 (2016 - 2021) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngày 27/7, với gần 60 đại biểu tham dự, do Chủ tịch Nguyễn Trần Nam chủ trì.
Đây là Hội nghị giữa kỳ nhằm đánh giá toàn diện các hoạt động theo nghị quyết các kỳ họp trước, trên cơ sở đó đánh giá các hoạt động đã diễn ra cũng như dự báo cho các hoạt động trong nửa cuối năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang diễn biến không được thuận lợi và có phần trầm lắng:
“Việc này đã được dự báo từ cuối năm 2018. Quy hoạch đất đai, thủ tục được siết chặt. Đây là 2 yếu tố quan trọng trong nước tác động đến thị trường. Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các điểm nóng ở Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, kết quả thị trường vẫn khả quan nhưng so với cùng kỳ 2018 là có sự giảm sút. Nhìn chung, thị trường đang đứng trước những thách thức, khó khăn nhất định”.
Tuy nhiên, theo ông Nam, tình hình thị trường hiện nay khác cuộc khủng hoảng năm 2010. Thời điểm đó, khủng hoảng do hàng hoá thừa mà không có người mua, trong khi tiền đổ vào bất động sản nhiều.
“Còn hiện nay, sức mua của người dân rất tốt. Vẫn có nhiều điểm sáng trên thị trường bất động sản. Thứ nhất bất động sản du lịch tăng trưởng đều. Thứ hai, bất động sản công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực”, ông Nam nhận định.
Trước diễn biến của thị trường, Chủ tịch VNREA cho hay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có những hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ như: Phản biện các chính sách, kiến nghị mạnh mẽ về nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam.
Những phản biện của Hiệp hội đã nhận được sự quan tâm và tiếp nhận của Chính phủ. Hiệp hội đã đưa ra các quan điểm một cách thẳng thắn. Nhờ việc tìm hiểu, thâm nhập thực tế, Hiệp hội đã nâng cao vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên.
“Tiếng nói của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ngày càng được coi trọng nhưng chưa phải là quyết định, mới chỉ ở một mức độ nhất định. Chúng ta phải kiên trì đến cùng”, ông Nam khẳng định.
Ngoài ra, theo nhận định của Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, cách nhìn của chính quyền các cấp, giới truyền thông đối với các doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản cũng đã có phần thay đổi. Sự đóng góp của các doanh nghiệp bất động sản đã được ghi nhận.
Tiếp lời ông Nam, tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest cho rằng, các doanh nghiệp như GP Invest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác.
“Chúng tôi đã từng vấp phải dự án mà do khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi, các cơ quan hành pháp đều thay đổi về quy trình, khái niệm, có thủ tục hành chính xong rồi mà giờ thay đổi coi như làm lại từ con số 0. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần có kiến nghị về mặt lập pháp".
Ông Hiệp cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ngoài việc phản biện chính sách, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ hội viên làm đúng hoặc phê phán hội viên làm sai.
“Trong bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án, cho thấy sự căng thẳng như thế nào. Do đó, mong muốn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục có những kiến nghị để giảm bớt sự phức tạp trong các thủ tục hành chính. Những thủ tục này hiện này đang rối như một mớ bòng bong, làm doanh nghiệp mệt mỏi”,ông Hiệp bày tỏ./.