Aa

Chủ tịch VNREA tiếp đại diện Ngân hàng thế giới

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 01/10/2018 - 18:47

Sáng nay (ngày 1/10), Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam đã có buổi tiếp xúc, chia sẻ với đại diện Ngân hàng thế giới (WB) về những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam như vay vốn ngân hàng, phát triển nhà ở giá rẻ.

Tham gia tiếp đoàn đại diện Ngân hàng thế giới cùng Chủ tịch Nguyễn Trần Nam có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch VNREA; ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA; ông Trương Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VNREA; ông Lê Văn Thìn, Chánh Văn phòng VNREA. 

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Kachina D’huster, đại diện Ngân hàng thế giới, cho biết: “Mục đích của buổi làm việc hôm nay là chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về thị trường bất động sản Việt Nam để có những thông tin hỗ trợ tích cực nhất cho thị trường, liên quan đến các vấn đề giám sát an toàn vĩ mô của các ngân hàng, các chính sách cho vay, xử lý nợ xấu”.

Theo đó, chủ tịch Nguyễn Trần Nam đã chia sẻ, tốc độ đô thị hóa ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan là 65% còn ở Việt Nam mới có 38%. Chính phủ việt Nam cũng đã có kế hoạch quy hoạch về nhà ở tầm nhìn đến năm 2040. Theo dự báo mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu người từ nông thôn chuyển ra thành thị sinh sống và đa số là dân số trẻ chưa có gia đình.

Chủ tịch tiếp đoàn đại diện ngân hàng thế giới

Chủ tịch VNREA tiếp đoàn đại diện Ngân hàng thế giới

Hiện nay, qua điều tra nhà ở bình mỗi người Việt Nam có khoảng 23m2 nhà ở. Tuy nhiên, gọi là nhà ở nhưng thực tế chưa đạt được như ý, và nhu cầu về nhà ở của người Việt vẫn còn rất lớn. Mặt khác, cơ cấu trên thị trường bất động sản cho thấy, tỷ lệ nhà ở hiện chỉ chiếm 70%, còn lại là dự án văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng. 

Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Vấn đề lớn nhất ở thị trường bất động sản Niệt Nam là mất cân đối loại sản phẩm nhà ở. Các doanh nghiệp bất động sản thiên về phát triển sản phẩm trung cấp và cao cấp mà thiếu vắng dự án nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp có thể ở. Đầu năm 2013, Chính phủ đã dành 30.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay xây nhà giá rẻ và người dân vay vốn mua nhà trong 3 năm. Giai đoạn đó, nhà ở xã hội phát triển rất mạnh mẽ. Tiếp đó, vào năm 2014, Chính phủ, đã xây dựng các quy định, chính sách hỗ trợ xây nhà giá rẻ, cho vay ngân hàng lãi suất thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp vốn để xây dựng nhà ở giá rẻ. Những rất tiếc là từ năm 2016 đến nay, khó khăn về ngân sách, việc phân bổ nguồn vốn cho thị trường này là đình trệ. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị phát triển bền vững, tập trung phát triển nhà giá rẻ nhưng thực sự vẫn chưa có nhiều tín hiệu mới”.

Các đại diện chụp ảnh lưu niệm

Đại diện VNREA và Ngân hàng thế giới chụp ảnh lưu niệm

Ngoài ra, ông Nam cũng chia sẻ, thị trường bất động sản luôn cần nguồn vốn lớn và dài hạn nhưng ở Việt Nam nguồn vốn chủ yếu là vay tín dụng ngân hàng chiếm tới 70%, vốn tự có rất ít và luật pháp cũng có chính sách cho huy động vốn nhưng còn nhiều rào cản.

"Thị trường bất động sản đóng góp lớn vào kinh tế, cũng như phía sau đó là hàng ngàn mặt hàng đi theo nên đây là thị trường cần nuôi dưỡng và quản lý để có thể phát triển bền vững và không bị đổ vỡ. Cũng đáng tiếc hiện nay là cơ quan nhà nước thường thiên về lo lắng cho thị trường, luôn tìm cách giảm dòng tiền vào ngành này. Theo đó, dòng tiền đang bị kiềm chế kèm theo các chính sách để ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, điều này đang làm khó doanh nghiệp", Chủ tịch VNREA phân tích. 

Trước những chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam, bà Kachina D’huster đại diện Ngân hàng thế giới cũng muốn tìm hiểu thêm hoạt động của VNREA, cách các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra tiêu chí để xác định giá bán bất động sản, cách tính giá đất. Đặc biệt, vị đại diện này mong muốn trong thời gian tới có thể nhờ VNREA hỗ trợ trong các hoạt động thông tin về thị trường, xử lý các vấn đề nợ xấu cũng như kết hợp với các công ty định giá.

Thay mặt VNREA, chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với Ngân hàng thế giới. Ông Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nguồn ngân sách yếu kém thì chúng tôi cho rằng cả xã hội, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay làm. Ở Đức họ có ngân hàng tiết kiệm để mua nhà, thì cũng mong muốn ở Việt Nam có, nếu các vị đại diện có làm việc với Ngân hàng nhà nước thì cũng nhắc đến việc này. Nhà ở vừa có tính hàng hóa, vừa có tính an sinh xã hội nên nhà ở là vấn đề quan trọng nên cần phải có ngân hàng tiết kiệm, cũng như cho vay tín dụng tốt để người nghèo cũng có nhà để ở”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top