Aa

Chủ trương đúng, vẫn thấy lo!

Thứ Năm, 24/08/2017 - 06:00

Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ quan, đơn vị, công xưởng, trong đó có các bộ, ngành ra khỏi nội đô. Trước đó, chủ trương này cũng đã được các cơ quan chức năng rục rịch triển khai thực hiện từ những năm 1997. Song đến nay, điều dễ nhận thấy nhất của chủ trương này là sự "dùng dằng" cùng những điều bất cập phía sau câu chuyện đi-ở...!

Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đứng chân trên địa bàn nội thành Hà Nội ra bên ngoài là chủ trương đúng, cần được gấp rút triển khai thực hiện. Hiện nay, Thủ đô của chúng ta đang quá tải về mọi mặt và nếu không có những biện pháp điều chỉnh, rất dễ xảy ra tình trạng "vỡ trận". Có lẽ, rất ít Thủ đô nào lại có kiểu "nồi lẩu thập cẩm", trong đó, chứa hỗn độn đầy đủ các loại cơ sở, đơn vị, dịch vụ của các thành phần như Hà Nội.

Tất nhiên, đó là vấn đề do lịch sử để lại, trong đó, có lỗi thiếu tầm nhìn của những người làm quy hoạch nhiều nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, còn là do sự phát triển quá nhanh của Thủ đô khiến các con số cơ học dồn lên Hà Nội quá dồn dập. Những người làm quy hoạch Hà Nội những năm gần đây đã nhìn nhận ra vấn đề này, có điều, từ ý chí đến khi triển khai là cả một vấn đề. Có những vướng mắc mà chắc rằng, nếu  không tìm hiểu kỹ, sẽ khó nhìn nhận, đánh giá được hết.

Trụ sở Bộ Tư pháp trên đường Trần Phú, Hà Nội.

Trụ sở Bộ Tư pháp trên đường Trần Phú, Hà Nội.

Cái khó mà tôi cho rằng đó là "mấu chốt" của vấn đề chính là việc Hà Nội không được trao quyền quyết định đặc thù trong công tác di dời này. Hoặc, những người đứng đầu Thủ đô vì lý do tế nhị, ngại "va chạm" đã không thực sự cương quyết trong quá trình triển khai. Tiếng là các trụ sở bộ, ban ngành đứng chân trên địa bàn do mình quản lý, nhưng, có lẽ, chúng ta phải ngầm hiểu rằng, Hà Nội chỉ mới dừng lại ở mức "quản lý hành chính" các khối công sản đó.

Các trụ sở nằm trong đối tượng phải di dời hầu hết là những cơ quan "quyền cao chức trọng" của Trung ương, nên dù sao, cấp thành phố muốn triển khai "quyết liệt" cũng khó!?! Chưa kể, Bộ Xây dựng mới là cơ quan thường trực được Chính phủ giao chủ trì trọng trách này. Hà Nội là cơ quan quản lý thật, nhưng việc cơ quan nào trong diện phải di dời, vị trí chuyển đến ở đâu, bố trí diện tích bao nhiêu, lại không hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền Thủ đô? Theo tôi được biết, lãnh đạo Hà Nội đã kiến nghị xin cơ chế đặc thù trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thành phần... Nếu được chấp thuận, chắc chắn công tác di dời sẽ có nhiều thuận lợi, dễ dàng hơn.

Một điều khiến tôi khá băn khoăn về công tác di dời. Đó là, cơ quan chức năng dựa trên tiêu chí nào để quyết định đơn vị trong diện buộc phải di dời? Và việc xác định địa điểm mới để di dời đến đã thật sự hợp lý hay chưa? Theo như tôi được biết, hiện có 9 bộ, ngành và các cơ quan tương đương được bố trí đất để chuyển trụ sở ra nội đô, và có 7 đơn vị được tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý. Khu đất mà Hà Nội dành cho các cơ quan di dời đến rộng khoảng 100ha nằm trên địa bàn Quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.

Với thực trạng hạ tầng, giao thông như hiện nay, tôi nghĩ, nếu không có sự quy hoạch, đầu tư xây dựng, rất có thể, chúng ta sẽ bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Di dời để tránh quá tải ở khu vực này, nhưng lại tạo ra sự quá tải, ùn tắc ở khu vực khác. Theo quy định, Cầu Giấy cũng thuộc quận nội đô. Vậy chủ trương di dời trụ sở "ra khỏi nội đô" như mọi người gọi, để chuyển đến các địa bàn của Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, có thực sự đúng với tên gọi và là giải pháp trọn vẹn?

Mật độ phương tiện, dân cư ở Cầu Giấy, Nam Từ Liêm chẳng khác nhiều so với các quận nội thành khác. Nếu không cẩn thận, rất có thể ta giảm tải được ở một số quận trung tâm, nhưng lại làm quá tải ở các địa bàn lân cận. Ví dụ như việc di dời Tổng cục Hải quan, vốn đang tọa lạc tại phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), đứng chân trên quận ngoại thành, đến khu Trung Hòa- Cầu Giấy, tôi nghĩ nếu chỉ vì lý do giảm tải cho hạ tầng, giao thông thì không thật sự hợp lý và cần thiết. Tại sao không tính đến phương án xa hơn, đưa hẳn các trụ sở ra các khu vực ngoại thành, thậm chí là các huyện?

Tâm lý chung của các cán bộ, công chức làm việc trong các bộ, ban, ngành hầu hết đều ngại đi làm xa nhà, nhất là ra xa nội đô, vì họ ngại cảnh "đã xa lại thiếu đủ thứ". Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ dễ tạo ra tâm lý "e ngại", "dùng dằng" không muốn di dời của phần lớn cán bộ, công chức. Nên, theo tôi, trước khi di dời, cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại nơi ở mới, như vậy, mới tạo được sự yên tâm, phấn khởi cho các đối tượng, khiến tiến độ di dời được đẩy nhanh hơn.

Một vấn đề khiến không ít người thắc mắc, lo ngại đó là: Sau khi di dời, trụ sở cũ sẽ được sử dụng như thế nào? Liệu đơn vị cũ có sẵn sàng bàn giao hay lại tiếp tục "lưu luyến", vừa muốn ở chỗ mới, vừa không chịu "buông" chỗ cũ? Nhiều người sẽ nghĩ, nếu đã chuyển đi, trụ sở ấy lại được sử dụng để đơn vị cũ "giữ" dùng vào mục đích khác, như cách mà Tổng cục Hải quan đang dùng trụ sở cũ làm Trường đào tạo cán bộ ngành Hải quan, thì chẳng khác gì việc "đánh bùn sang ao"!?! Hoặc, nếu di dời rồi, mà đơn vị tiếp quản không có phương án sử dụng hợp lý, đúng chủ trương, sẽ dễ dàng tạo ra sự lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Đã có trụ sở mới rộng gấp 12 lần nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa trao trả trụ sở cũ.

Đã có trụ sở mới rộng gấp 12 lần nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa trao trả trụ sở cũ.

Nhưng, đó chưa phải điều đáng ngại nhất. Tôi nghĩ rằng, vấn đề mà người dân lo ngại hơn cả là khi các trụ sở ấy được bàn giao lại, bằng những sự "phù phép" nào đó, hoặc sự lơ là, buông lỏng quản lý, nó lại bị biến thành các tòa chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại cao chọc trời. Lúc đó, mục đích của việc di dời không chỉ bị "phá sản", mà còn gây ra một "bi kịch của tác dụng ngược". Nhìn vào thực trạng một số tòa nhà xây trái phép trong khu vực nội đô, nỗi lo ấy hẳn không phải là không có cơ sở.

Di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị nhà nước ra khỏi nội đô là biện pháp cần thiết, cấp bách, nhưng, chắc chắn không hề đơn giản, dễ dàng. Cần phải có sự đồng tâm, đồng lòng, sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan liên quan, sự giám sát, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, cái chủ trương hợp lý kia mới sớm thành hiện thực...!!!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top