Aa

"Chưa bao giờ tưởng tượng Việt Nam có nhiều đại doanh nhân như bây giờ"

Thứ Bảy, 12/10/2019 - 07:03

Đó là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại tọa đàm "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc" do Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam tổ chức.

Làng Chùa chúng tôi có câu nói rằng: "Không có ăn không thể bước đi, không biết chữ không nhìn thấy đường". Nếu bỏ đi 1 vế thì con người sẽ thất bại hoàn toàn trong đời sống, từ cá nhân đến cộng đồng rồi quốc gia. Có vật chất mà không có chữ thì cũng không thể làm gì. Hay có ăn rồi không có văn hóa sẽ trở thành kẻ mù lòa và không thể đi được tới đâu. Chúng ta sẽ luẩn quẩn trong cái hang, cái chuồng.

Doanh nhân ở Việt Nam lâu nay vẫn được các chuyên gia kinh tế, văn hóa bàn rất nhiều. Có một điều rằng, lâu nay có giai đoạn chúng ta nhìn nhận người làm kinh doanh là con buôn. Từ này xuất phát trong nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu. Đó là những người kinh doanh buôn bán lươn lẹo.

Tôi từng viết về 2 doanh nhân của năm tháng trước đây mà tôi từng kính trọng. Đó là nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà. Ông làm cho hãng sơn Pháp. Sau đó, chính ông đã sản xuất ra loại sơn đánh bại hoàn toàn các loại sơn ở Đông Dương.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Thứ hai là ông Trịnh Đình Kính, người làm ra thủy tinh màu đầu tiên của Việt Nam. Ông cũng làm thuê cho người Hoa. Sau đó, ông làm ra thủy tinh màu và được giải vàng trong hội chợ Đông Dương trước đây. Ông là người đã nuôi một nửa đại biểu quốc hội ngày xưa trong khóa I.

Họ đã trở thành doanh nhân lớn, hiểu lẽ sống của người Việt. Trong đó, ông Nguyễn Sơn Hà đã cống hiến hàng ngàn lượng vàng cho Chính phủ. Con trai ông cũng tham gia chiến tranh và hy sinh trong ngày đầu kháng chiến. Sau này, ông được cụ Hồ mời làm Bộ trưởng Bộ tài chính. Ông bảo, ông chỉ có khả năng làm kinh doanh đồ nhựa. Ông đã nhận làm sản xuất kinh doanh đồ nhựa, áo nilong... phục vụ cho cuộc chiến kháng chiến.

Những doanh nhân ngày đó đã làm thương hiệu lớn. Mỗi thương hiệu cá nhân làm nên thương hiệu gia đình và tạo ra thương hiệu quốc gia.

Nhưng phải hiểu rằng, thương hiệu là thứ nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh. Giữ được thương hiệu là điều quan trọng. Trong thương hiệu là sự trung thực, là sự chân thành, là vì người tiêu dùng, là văn hóa cá nhân của người chủ thương hiệu.

Trong suy nghĩ các nhà văn 20 năm trước đây cũng chưa bao giờ nghĩ tới Việt Nam có được nhiều doanh nhân giỏi, tầm cỡ quốc tế như bây giờ. Chúng tôi viết nhiều bài, nghĩ ra nhiều điều nhưng chưa bao giờ tưởng tượng Việt Nam lại có đại doanh nhân lớn như vậy. Những doanh nhân đó đã tạo thương hiệu cho đất nước Việt.

Trước đây, chúng ta đã có 1 thương hiệu lớn nhưng nó lại đặt trong lịch sử, đó là cuộc chiến tranh ngoại xâm. Bây giờ, chúng ta phải có một thương hiệu khác là sức mạnh nền kinh tế, tinh hoa trẻ đẹp đầy quyền lực của văn hóa cộng lại.

Tôi hình dung, doanh nhân hay kinh tế là ngôi nhà. Còn văn hóa là đời sống bên trong ngôi nhà đó. Ngôi nhà không có đời sống văn hóa bên trong sẽ giống chuồng gà. 

Tôi xin nhắc lại: "Không có ăn không thể bước đi, không biết chữ không nhìn thấy đường".

Nếu chúng ta không ăn thì không thể sống. Và nếu chúng ta có ăn mà không biết chữ thì không thể cất bước đến nơi mà cái chữ chỉ cho chúng ta về những điều tốt đẹp trên thế giới.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top