Chương trình có sự tham dự của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Đỗ Viết Chiến, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI); PGS. TSKH Võ Đại Lược; Ông Nguyễn Trần Bạt; PGS.TS Nguyễn Xuân Phong; Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư; Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư; Nhà văn Nguyễn Thành Phong - điều phối viên Tọa đàm... cùng các chuyên gia - nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, trên 50 phóng viên các cơ quan báo chí - truyền hình.
Phát biểu chào mừng và giới thiệu Dự án truyền thông Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam khẳng định, lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Doanh nhân là lực lượng tiên phong trong các cuộc cách mạng kinh tế, công nghiệp và là "bà đỡ" của sáng tạo, phát triển.
Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm nên sự nghiệp lớn. Tinh thần kinh doanh vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ trong lớp lớp doanh nhân Việt Nam, từ một "tư thương" đầy định kiến dăm bảy thập kỷ trước, hay những "tỷ phú Forbes" bây giờ. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những "con sếu" đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước.
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan nhấn mạnh: Việc nhìn lại hành trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam, từ những thăng - trầm đã bộc lộ bản lĩnh - khát vọng, cho đến những cống hiến - đồng hành cùng vận nước, là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới; Đánh giá khách quan hơn vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng là cách để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, đồng hành cùng nhân loại tiến bộ. Đồng thời, việc nhìn lại và đánh giá đúng sự đồng hành của giới doanh nhân Việt Nam với dân tộc còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, sự nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và đứng trước những thời cơ mới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội.
Từ những lý do trên, nhân dịp tròn 15 năm từ khi Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam", hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945-13/10/2020), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) quyết định thực hiện Dự án Truyền thông: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Dự án nhận được sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế, chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam; sự bảo trợ thông tin của nhiều cơ quan báo chí - truyền hình; với chuỗi các chương trình, sự kiện diễn ra từ ngày 10/10/2019 - 15/10/2020.
Hoan nghênh sáng kiến của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo đều khẳng định, đây là Dự án mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo dựng niềm tin, sự hy vọng vào các doanh nhân Việt Nam; nhất là việc khởi động Dự án bằng Tọa đàm: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ đem lại những góc nhìn khách quan, khoa học và toàn diện về những đóng góp, hoài bão của doanh nhân Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và cơ hội ở tương lai.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: "Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc là việc làm có ý nghĩa đúng thời điểm Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế rất tốt so với tình hình chung của thế giới, đó là nhờ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những sự đóng góp vươn lên khó khăn của giới doanh nhân Việt Nam...
Đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện vai trò là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển ở những lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn".
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Tôi rất ấn tượng với Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc, được tổ chức hướng tới Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ngày 13/10 là ngày Công thương đoàn thành lập, đó là tuyên ngôn đầu tiên của Cách mạng ta về doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng chính là nền công thương thịnh vượng.
Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, như ông Nguyễn Trần Nam nói, doanh nhân Việt Nam vất vả rất nhiều, ngoài những thách thức thương trường thì còn là thách thức ở thể chế. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, hiện giờ chúng ta cần thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo. Luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Phát triển bền vững và chuyển đổi số là nền tảng cho đổi mới và sáng tạo. Đó sẽ là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển.
Trong quá trình phát triển, đô thị hóa chính là động lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Trong quá trình này, chính các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bất động sản phát triển đúng hướng sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ. Để phát triển lành mạnh thì cần có vai trò định hướng quan trọng của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.
Phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nhân Việt Nam phát triển. Thế hệ doanh nhân dũng cảm nhân văn nhưng rất sáng tạo. Các doanh nhân đang hoạt động cũng cần phải đổi mới sáng tạo, bắt đầu khởi nghiệp cho một trào lưu mới.
Để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. 30 năm vừa qua chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp.
VCCI sẵn sàng yểm trợ hợp tác cùng Reatimes, cùng các nhà khoa học, nhà văn. Chúng tôi sẽ xây dựng một cơ chế khởi nghiệp thông minh, bảo tồn và phát triển gene của doanh nhân Việt. Chúng tôi hy vọng khắc hoạ hình ảnh cộng đồng doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt, là động lực phát triển của đất nước, để lại cho muôn đời sau".
Nêu ý kiến trong phần tham luận, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định, nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Reatimes tổ chức Tọa đàm và giới thiệu Dự án Truyền thông Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc rất ấn tượng.
"Làm như thế này, chúng ta sẽ có thể bàn được nhiều điều. Vingroup sẽ đồng hành cùng chương trình này. Về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, theo tôi doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Còn để đồng hành thì đó là câu chuyện lớn. Nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước là những gì cao sang, lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng theo tôi nó đơn giản, nằm ở lúc ngay bắt đầu. Làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội, cho đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: Nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân. Sự đóng góp ở đây không hẳn là đóng bao nhiêu thuế, làm từ thiện bao nhiêu mà là khi bắt đầu làm gì, mình luôn nghĩ rằng làm điều đó thì xã hội được gì, đất nước được gì", ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ quan điểm.
Còn theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhà đầu tư, vai trò của doanh nhân đến giờ đã khá rõ, đỉnh cao là Nghị quyết 10 "Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân, do doanh nhân tạo ra.
"Làm thế nào để doanh nhân đồng hành cùng dân tộc và trở thành động lực phát triển của đất nước, Dự án truyền thông Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nên có câu trả lời cho câu hỏi này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định: Hôm nay chúng ta nói về doanh nhân nhưng không chỉ là doanh nhân mà còn là số phận, vận mệnh của dân tộc, đất nước.
Ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào, việc tạo lập cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân cũng là quan trọng nhất. Dân không giàu thì đất nước không thể mạnh, mà không mạnh thì không thể tự chủ được.
Trong giai đoạn phát triển vừa qua, chúng ta đã thực hiện được sự nghiệp vĩ đại là thống nhất đất nước, thoát nghèo, trở nên giàu có hùng mạnh.
Nhân vật trung tâm trong cuộc chiến vệ quốc của chúng ta là hình ảnh bộ đội cụ Hồ. Trong sự kiện thoát nghèo thì nhân vật trung tâm là doanh nhân. Doanh nhân phải là người bỏ vốn chịu rủi ro, tạo công ăn việc làm cho người dân, đất nước.
Doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản đang là những doanh nhân dẫn đầu. Bất động sản vẫn là bước đi đầu tiên của các doanh nhân lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp bất động sản dẫn dắt sự phát triển của thị trường. Từ đó chúng ta cần yểm trợ, phát triển, coi các doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới trở nên giàu mạnh.
Trong khuôn khổ Dự án, ngoài Tọa đàm Khởi động, sẽ có chuỗi các sự kiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có ý nghĩa sâu sắc như: Chương trình Truyền thông trên Reatimes và lan tỏa trên hệ thống báo chí - truyền thông (dự kiến 2 - 3 bài/tuần); Giao lưu và Tọa đàm trực tuyến: Vai trò của nữ doanh nhân Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước; Phát động cuộc thi ảnh toàn quốc: Doanh nhân Việt Nam và trách nhiệm xã hội; Tọa đàm trực tuyến: Trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam; Seri phim tài liệu 10 Tập: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc; Hội thảo Khoa học Quốc gia: Doanh nhân Việt Nam - 75 năm đồng hành cùng dân tộc; Ra mắt Ấn phẩm in: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc (1.000 trang)…