Theo ông, giải pháp nào được xem là nổi bật của Chính phủ thời gian qua giúp nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng tốt?
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nội dung quan trọng nhất mà Chính phủ đã làm được là thực hiện quyết liệt cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà cụ thể ở đây là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Chính vì vậy mà đến nay môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao, tốc độ đầu tư trong lĩnh vực phát triển kinh tế từ đầu tư nước ngoài đến hoạt động đầu tư trong nước đều tăng và mang lại hiệu quả.
Kết quả cụ thể là tăng trưởng kinh tế (GDP) của chúng ta liên tục tăng trong 3 năm qua và trong năm 2018 được nhận định sẽ có mức tăng khá cao.
Đạt được thành tựu như vậy phải khẳng định rằng ổn định kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng, trong đó các giải pháp liên quan đến thực hiện chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát được thực hiện khá tốt. Đó là thành công rất lớn để mang lại sự hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp kinh tế vĩ mô ổn định, tạo đà tác động kép để tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững.
Ông có thể nói rõ hơn về sự hiệu quả trong phối điều hành giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ?
Thể hiện rõ nhất là chúng ta đã kiểm soát được vấn đề đầu tư, đặc biệt là kiểm soát vay nợ của Chính phủ, nợ doanh nghiệp nhà nước. Các cán cân lớn báo hiệu sự tích cực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32, thấp hơn mức 6,91 của giai đoạn 2011 - 2015.
Với chính sách tiền tệ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng được điều hành linh hoạt, hiệu quả, việc bơm hút tiền khá lợp lý, thanh khoản hệ thống tích cực nên vừa góp phần tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát. Có thể nói đây là bài toán cực khó nhưng NHNN đã giải được. Tôi nói như vậy, bởi lẽ ra ngân hàng chỉ cung ứng vốn lưu động, cho vay ngắn hạn nhưng thời quan qua hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo cả vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Điểm nữa là mặc dù nền kinh tế đã khá mở nhưng chúng ta vẫn ổn định được giá trị đồng tiền trước nhiều biến động từ quốc tế. NHNN điều hòa linh hoạt tỷ giá, trong đó điều hành tỷ giá trung tâm dựa trên các thông tin tham chiếu, tỷ giá ngoại tệ giữa VND so với các đồng tiền khác trên thế giới, đặc biệt là các đồng tiền mạnh. Trên cơ sở chính sách tỷ giá phù hợp giúp dẫn dắt và điều tiết thị trường tiền tệ tốt hơn vì thế đồng tiền của chúng ta giữ được sự ổn định.
Đặc biệt, NHNN đã trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật các TCTD và ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã tạo hành lang rất tốt, khắc phục được những vướng mắc, bất cập của giai đoạn trước đây và thực tế đã phát huy được tác dụng. Chúng ta đã xử lý được căn bản bước đầu về các TCTD yếu kém, trên cơ sở đó cũng đã cơ cấu được các khoản nợ xấu của TCTD như thu hồi được các tài sản của các khoản nợ xấu.
Một minh chứng rõ ràng nữa là năm 2018, tăng trưởng kinh tế rất tốt dù tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 10 tăng 9,89%, thấp hơn cùng kỳ mọi năm. Kết quả này theo tôi là do chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên cùng với việc ngân hàng cơ cấu lại nguồn tín dụng hiện có bằng cách thu hồi những khoản nợ xấu trước đây, để tăng thêm nguồn vốn cho nền kinh tế, hiệu quả sử dụng đồng vốn tích cực hơn.
Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2019 là tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% có hợp lý, thưa ông?
Tôi cho rằng, Chính phủ đặt ra mục tiêu như vậy là đã tính toán trên rất nhiều phương diện kể cả vấn đề về điều kiện thuận lợi cũng như lường đón những thách thức.
Về thuận lợi, thì nền kinh tế đang theo đà tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh chúng ta đã và tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế dân doanh của chúng ta cũng đang phát triển tốt. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tiếp tục tích cực đầu tư vào Việt Nam. Đó là những điểm tích cực để kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới.
Còn về thách thức thì trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, chính sách bảo hộ thương mại ở các nước lớn ít nhiều tác động đến chúng ta. Nhưng tôi cho rằng Chính phủ đã lường được những khó khăn rồi nên có thể tin tưởng năm 2019 chúng ta đạt được mục tiêu GDP và kiểm soát lạm phát.
Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, theo ông cần lưu ý đến điều gì?
Theo tôi, NHNN cần tiếp tục duy trì điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất. Thời gian qua, ngân hàng cũng đã kiểm soát về cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản nên cần kiểm soát chặt chẽ với tín dụng các lĩnh vực này; Đặc biệt là phải tăng cường tranh tra kiểm tra, giám sát những khoản cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là sử dụng tiền vay mua nhà ở để đầu cơ.
Cùng với đó cần chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở vùng nông thôn.
Vấn đề nữa, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với rất nhiều hình thức kinh doanh qua hệ thống công nghệ thông tin được dự báo diễn biến khá phức tạp, vì vậy để đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn xã hội thì ngành Ngân hàng phải quan tâm hơn trong quản lý, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!