Aa

Chưa tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng

Thứ Sáu, 20/09/2019 - 06:24

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 với nội dung đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) với thép cuộn cán nóng.

Thay đổi này được cho là tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia từ bản dự thảo đề xuất tăng thuế mặt hàng này từ 0% lên 5% trước đó.

Lý do Bộ Tài chính từng đề xuất tăng thuế là bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm dấy lên lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, Việt Nam hiện nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm và 40% số đó là từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu, mặt hàng này từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường.

Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng.

Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước 3.152 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu thực sẽ thấp hơn con số này bởi doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước khác có thuế ưu đãi 0% như Hàn Quốc, khu vực ASEAN...

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lập tức có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. Đồng thời, VSA kiến nghị Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.

VSA cho rằng, việc tăng thuế gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, nếu thuế nhập khẩu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản phẩm. Từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôn mạ Việt Nam. “Nếu tăng thuế thêm 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8% - 9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng”- VSA nêu quan điểm.

Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế sẽ tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu HRC trên thị trường, tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các đơn vị chưa có dây chuyển sản xuất HRC.

Hơn nữa, nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chỉ với 2 nhà cung cấp có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng trong quyết định giá mua bán trên thị trường nội địa, kéo theo việc thao túng giá nguyên liệu...

Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, bộ này đề nghị không tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Bộ Tài chính cho biết, với những góp ý của các bộ và doanh nghiệp, ban soạn thảo đã thống nhất đưa phương án tăng thuế trên ra khỏi dự thảo nghị định mới nhất chuẩn bị trình Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất chưa tăng thuế nhằm đảm bảo không xáo trộn sản xuất kinh doanh trong nước. Việc tăng thuế trong giai đoạn này sẽ tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top