Những dự án bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà
Ngày 28/3, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có thông báo về việc xử lý một số công trình xây dựng chưa được cấp phép trên bán đảo Sơn Trà. Trong đó, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu tháo dỡ 40 móng biệt thự được xây dựng khi chưa cấp phép của Công ty CP Biển Tiên Sa.
Hiện tại, trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) còn rất nhiều dự án treo, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chưa xác minh được những dự án này đã được cấp phép hay chưa, nhưng với việc bỏ hoang không thi công nhiều năm nay, những dự án này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan của bán đảo.
Xem chi tiết tại đây.
TP. HCM sắp thanh tra sai phạm xây dựng trên diện rộng
UBND TP. HCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng lập kế hoạch thanh tra đối với công tác quản lý trật tự xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Cụ thể, các xã sẽ bị thanh tra bao gồm Đa Phước, Vĩnh lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, thị trấn Tân Túc. Đây được xem là 5 địa bàn nóng về tình trạng xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh. Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả cho UBND TP trong quý 2/2017.
Trong khi đó, UBND huyện Bình Chánh sẽ chịu trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn, đồng thời phải hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2017.
Xem chi tiết tại đây.
Giá bán căn hộ sẽ tăng 2 - 4% trên diện rộng
Theo nhận định của Jones Lang LaSalle (JLL), thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều này thể hiện qua tăng trưởng ở nguồn vốn FDI đăng ký mới trong quý 1 tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Các nước đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất quý này có Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc.
Thị trường căn hộ để bán phát triển sôi động trong quý I, với 9.174 căn hộ được mở bán, cao hơn 1/4 tổng nguồn căn hộ mở bán năm 2016 ( 35.314 căn). Điều này cho thấy nguồn cung căn hộ trong năm 2017 có thể sẽ cao hơn so với tổng nguồn cung năm 2016, ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại của JLL Việt Nam phân tích.
Lượng bán căn hộ tiếp tục tăng cao ở cả hai thành phố Hà Nội và TP. HCM, tổng lượng căn hộ đã bán ra toàn thị trường trong quý này đạt 8.172 căn. Nếu so với tổng số căn hộ đã bán được trong năm 2016 của toàn thị trường là 33.416 căn thì dự kiến lượng căn hộ bán ra trong năm nay có dấu hiệu tăng trưởng cao hơn.
Xem chi tiết tại đây.
Mua căn hộ ở Hà Nội phải lên Sơn La lấy sổ đỏ
Theo phản ánh của cư dân Tòa nhà CT12 , phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội), gần đây chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Xây dựng Hạ Đình thông báo tới các chủ sở hữu căn hộ về việc bàn giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ đỏ). Theo đó, chủ đầu tư yêu cầu đến ngày 29/3 là hạn cuối để cư dân đến nhận sổ đỏ. Tuy nhiên, địa điểm nhận sổ là số tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Nếu các chủ sở hữu không đến nhận bàn giao sổ tại địa điểm và thời gian trên thì sau 24 tháng (2 năm) công ty mới chỉ tiếp tục bàn giao sổ. Bên cạnh đó, với những khách hàng đến nhận sổ, công ty sẽ thu 20.000 đồng phí quản lý và trông giữ sổ kể từ ngày có thông báo đến từng chủ sở hữu căn hộ.
Ngày 29/3, một số khách hàng đã lên Sơn La và đã được chủ đầu tư bàn giao sổ. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, bên cạnh gia đình cư dân, với những khách hàng vay vốn thì còn phải có đại diện phía ngân hàng cho vay mới được trả sổ.
Một cư dân cho hay, việc bàn giao sổ đỏ cho cư dân là trách nhiệm của chủ đầu tư và đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Việc trả sổ trên tận Sơn La gây khó cho cư dân vì nhiều trường hợp đi công tác chưa về kịp.
Xem chi tiết tại đây.
Người Hà Nội, Sài Gòn đang gánh phí đỗ xe cao hơn Bangkok, Manila
Trong nghiên cứu về giao thông đô thị của Savill Việt Nam mới đây, đơn vị tư vấn này cho biết, mức phí đỗ xe khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội đang ở mức cao hơn nhiều so với các thành phố khu vực như Bangkok, Manila hay Jakarta và đang tiệm cận các TP phát triển như Singapore, Seoul.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang diễn ra. Yêu cầu về tỷ lệ đỗ xe của Việt Nam cao hơn các quốc gia phát triển trong khu vực tuy nhiên thấp hơn các nước đang phát triển. TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong nhóm các TP có giá thuê văn phòng đắt đỏ hơn nhiều so với chỗ đỗ xe.
Trong khi đó, tỷ lệ đất giao thông tại 2 TP này khu vực trung tâm hiện ở mức dưới 9%, tỷ lệ tương đương với Jakarta và Bangkok tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với Thượng Hải, Singapore, Seoul và Tokyo. Do thiếu hụt của hệ thống giao thông công cộng, tỷ lệ đất giao thông trở thành một nỗi lo ngại.
Xem chi tiết tại đây.
Chi 1.500 USD/m2 mua nhà Home City, vì sao cư dân vẫn bức xúc?
Lùm xùm tại chung cư Home City do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính, công ty con của Văn Phú - Invest, làm chủ đầu tư bắt đầu từ tháng 2/2017. Tranh chấp xảy ra chỉ 2-3 tháng sau thời điểm người dân nhận nhà.
Cư dân dự án bức xúc về các nội dung liên quan đến lối vào dự án, thu phí trông giữ xe tại bãi gửi xe trên đường vào và các vấn đề quản trị (chất lượng dịch vụ, an ninh, vệ sinh).
Nhiều ngày gần đây, cư dân Home City vẫn liên tiếp tuần hành tố cáo chủ đầu tư. Gần nhất, chiều 28/3, nhiều cư dân có ôtô sống tại Home City đã đậu xe bên ngoài cổng số 177 Trung Kính vì cổng này bị chặn, chỉ có một cổng phụ cho người đi bộ ra vào. Phố Trung Kính ùn tắc gần 2 giờ.
Chiều 29/3, anh Cường, một đại diện cư dân tại Home City, cho Zing.vn biết bảo vệ chung cư đã cho phép một số xe máy đi vào từ cổng 177 Trung Kính. Một số cư dân có ôtô muốn đi cổng này vẫn chưa được chủ đầu tư đồng ý.
"Chính quyền đã yêu cầu chủ đầu tư mở tạm cổng phía Trung Kính để cư dân đi lại trong khi chờ đợi con đường 21 m vào chung cư hoàn thành. Tuy nhiên hiện tại phía Văn Phú - Trung Kính chưa chấp hành", anh Cường chia sẻ.
Xem chi tiết tại đây.
Chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã ép dân về ở: Chủ đầu tư làm liều, cư dân chịu thiệt!
Chiều 27/3, tại sảnh chung cư Golden Silk (Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đang là công trường thi công, trên tường nhà, những công nhân đang hối hả quét sơn. Các phòng tại tầng 1 tòa nhà cũng chất đầy vật liệu xây dựng. Tại lối vào tầng hầm ngập đầy bùn đất, tốp thợ đang đục khoan, gia cố các cột trụ.
Theo ghi nhận của Lao Động, khoảng 2 tuần trở lại đây, nhiều cư dân đã sửa sang nội thất, dọn đồ chuyển về ở. Đáng lo ngại nhất là hệ thống PCCC của công trình chưa được hoàn thiện, chưa diễn tập PCCC. “Nhận bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện như vậy thì nhận làm gì? Chúng tôi không thể đưa gia đình mình vào sống giữa công trường, tiềm ẩn biết bao nguy hiểm” - một người dân tầng 12 cho biết.
Tại chung cư Ellipse Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), vào thời điểm đầu năm 2017 vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong, nhiều cư dân đã vào ở. Một trường hợp khác, chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội) đã thực hiện bàn giao nhà cho khách mua từ tháng 9/2016 nhưng cho đến nay, công trình vẫn đang trong cảnh thi công ngổn ngang nhưng hàng trăm cư dân đã dọn về ở.
Việc mất an toàn phòng chống cháy nổ không chỉ diễn ra với các chung cư đang hoàn thiện mà với các chung cư đi vào hoàn thiện cả chục năm vẫn xảy ra. Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội vừa công bố danh sách 38 nhà cao tầng không đảm bảo điều kiện PCCC.
Trong đó, hầu hết những chung cư này người dân đã chuyển về sinh sống ổn định, có chung cư dân về ở gần chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn không được nghiệm thu về PCCC. Cụ thể, chung cư CT1, CT2, CT3, CT4 Khu đô thị Xa La (Hà Đông), CT11, CT12 Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ. Trong số này, ngày 29.11.2016 đã xảy ra hỏa hoạn tại chung cư CT1 đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân.
Trong khi đó, tại TP. HCM cuối năm 2016, trong đợt kiểm tra các chung cư trên địa bàn quận Tân Phú đã phát hiện 5 chung cư cho dân vào ở khi chưa nghiệm thu. Hiện nay, việc xử lý đối với những chung cư này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản buộc chủ đầu tư ngừng bàn giao căn hộ và di dời người dân ra khỏi chung cư.
Xem chi tiết tại đây.