Aa

Chung cư cứ mưa là ngập, trách nhiệm thuộc về ai?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 12/07/2017 - 06:17

Mỗi khi mùa mưa tới, cư dân ở các chung cư, khu đô thị mặc dù sống trên cao nhưng vẫn nơm nớp lo chuyện từ nhà ra phố thấy ngập chồng ngập. Trong khi trước đó, chủ đầu tư nào cũng quảng cáo hạ tầng với đầy mỹ từ nhưng ngập lên ngập xuống vẫn như... "không liên quan".

Ai gánh trách nhiệm?

"Vấn nạn" ngập lụt ở Hà Nội năm nào cũng được nhắc đến, đặc biệt ở các khu đô thị mới kéo dài, điều này rất khó chấp nhận. Bởi những khu đô thị này mới chỉ được hoàn thiện chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây và đều nằm trong quy hoạch đồng bộ với hạ tầng, hệ thống thoát nước được xây dựng kiên cố.

Lý giải việc hàng loạt các khu đô thị lớn vừa mới đưa vào hoàn thiện nhưng vẫn ngập lụt, TS. Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội) khẳng định: “100% các đô thị của Việt Nam đều có quy hoạch chung, đặc biệt các đô thị lớn sau khi có quy hoạch chung thì đã có quy hoạch ngành như vấn đề thoát nước, kỹ thuật hạ tầng… và chỉ khi nào có quy hoạch đồng bộ đảm bảo kết nối với thành phố Hà Nội thì mới cho triển khai dự án xây dựng. Như vậy, quản lý xây dựng theo quy hoạch còn vấn đề mới để xảy ra tình trạng ngập lụt ở chung cư”.

Cụ thể, ông Nghiêm cho rằng, hiện nay các chủ đầu tư chủ yếu là xây dựng công trình, đặc biệt nhà ở trước chứ không chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật, kể cả giao thông và điện nước. Bên cạnh đó, do thiếu sự kết nối giữa các khu đô thị, đặc biệt các khu có chung cư cao tầng với cùng và khu vực, đây là trách nhiệm của các nhà quản lý. Bởi vì khi cho xây các khu đô thị thì đều gắn kết với quy hoạch vùng nhưng do vốn ngân sách hoặc do các điều kiện khác thì đôi khi chưa kết nối, cho nên có nhiều hiện tượng, các khu đô thị trở thành ốc đảo đi lại khó khăn, không hợp lý về hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, một yếu tố khác chính là thời tiết. Vừa qua có những biến động về môi trường đặc biệt là về mưa cho nên kể cả các đô thị cũ hay mới cũng đều bị ảnh hưởng.

hiện nay các chủ đầu tư chủ yếu là xây dựng công trình, đặc biệt nhà ở trước chứ không chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật

Hiện nay, các chủ đầu tư chủ yếu là xây dựng công trình, đặc biệt nhà ở mà không chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi...

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, người đã có nhiều thời gian nghiên cứu về thoát nước Hà Nội cho hay: “Việc chống úng ngập cho bất kì khu vực nào trong thành phố, trong tất cả các tính huống khác nhau, dù là địa hình trũng hay địa hình cao, dù gần nguồn thoát nước hay xa nguồn thoát nước, gần sông hồ hay gần biển thì đều có giải pháp. Có đến cả hàng ngàn giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Nhưng rất tiếc là trong phát triển đô thị ở Việt Nam, kỹ thuật hạ tầng ít được quan tâm, làm thì chắp vá, thay vì phát triển đô thị lại phát triển BĐS. Tức là phát triển ra các khu không gian có thể bán thu được tiền còn việc định cư ở đó có an toàn hay không, có là bền vững hay không thì cho đến lúc này có thể trả lời ở tất cả các khu ngập úng đó là không”.

Theo ông Ánh, việc xây dựng một thành phố chống úng ngập đã có lịch sử từ thời La Mã, có nghĩa là ngay từ khi xây dựng thành phố, từ thủa bình minh của của văn minh quy hoạch đô thị, con người đã nghĩ đến chuyện tìm nơi khô ráo. Xây dựng một thành phố trong lịch sử đã phải đảm bảo khô ráo, sống an toàn kể cả khi mưa ngập, điều đó nói lên rằng văn minh nhân loại tiến bộ, con người không ngừng tiến hóa để hoàn thiện kỹ thuật. Nhưng một thành phố xây trong thế kỉ 21 mà để ngập lụt thì những nhà quy hoạch, những nhà phát triển đô thị và người quản trị đô thị đã đưa nền văn minh trở lại thời kì đồ đá, thời kì không có văn minh đô thị, không có kỹ thuật đô thị.

Hàng trăm xe máy

Hàng trăm xe máy "bơi" trong hầm chung cư. Ảnh minh họa

Cần giải pháp đồng bộ 

Việt Nam là một trong những điểm mưa, rốn mưa của khu vực, thuộc các nước có mưa ngắn giờ với lưu lượng cao của thế giới. Theo đó, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nếu không có giải pháp đồng bộ lâu dài thì trong tương lai Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn tại Việt Nam vẫn tái ngập.

Trước hết, để chống ngập thì chú trọng nâng cấp cống thoát nước. Để thoát nước nhanh cần quy hoạch các hồ điều hòa nước tại các lưu vực, nơi nào không còn đất làm hồ điều hòa thì có thể nạo vét sâu các kênh rạch để trữ nước và thoát nước. Cần hạn chế bê tông hóa diện tích đất để tăng lượng nước thấm xuống lòng đất, tăng mực nước ngầm và hạn chế lún sụt đất.

Để Hà Nội thoát nước nhanh vào mùa mưa thì cần xây thêm các tuyến ống thoát nước dẫn ra trục chính. Cải tạo và xây thêm các mạng cấp 2, cấp 3 bởi hệ thống thoát nước hiện tại chưa tốt. Nếu hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, hệ thống đó tự động thoát hết nước.

TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Cần phải có quản lý đồng bộ về phát triển các khu đô thị mới. Hiện nay trong các luật có nêu nhưng chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, cần tăng cường xã hội hóa, tìm được sự hài hòa giữa quyền lợi của chủ đầu tư và nhà nước vì mới phần nào giải quyết được vấn đề”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top