Không hiểu tại sao trong chúng tôi, ai cũng ám ảnh về một chiếc lưỡi hái tử thần đang thường trực trên những tòa nhà chung cư cũ nát và đặt câu hỏi: Vì lý do gì mà những khu chung cư đang hấp hối này không được các cấp chính quyền quan tâm, chẳng lẽ để cho nó sập xuống, rồi trả giá bằng nhiều sinh mạng, rồi gửi thư chia buồn chăng?
Trách nhiệm chủ yếu thuộc về ai?
Nói về cả đạo lý và pháp lý, tài sản của ai thì trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và quyền quyết định vô điều kiện về số phận của chúng thuộc về người đó. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ những quyền lợi hợp pháp đó cho người dân.
Thế nhưng, với nhà chung cư lại khác, nhà thì của dân, còn đất là của Nhà nước, nó không thể treo trên lưng chừng trời được. Mặt khác, việc Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản hợp pháp của người dân là một trong những điều tối trọng mà hiến pháp và luật pháp đã ràng buộc. Chính sự “lưỡng tính” về quyền sở hữu và quyền định đoạt số phận này đã khiến những khu chung cư cũ nát kia lâm vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Cách đây ít lâu, tôi nhớ vào khoảng cuối năm 2019, Hà Nội đã giao cho hàng chục nhà đầu tư tham gia khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp cải tạo lại nhiều khu chung cư cũ tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, tất cả các dự án đều lại được cất vào các ngăn tủ huyền bí...
Chẳng hạn, phương án cải tạo khu chung cư Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), Tập đoàn Ecopark đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 không điều chỉnh ranh giới; phương án 2 có điều chỉnh ranh giới.
Các nguồn thông tin cho hay, phương án 1 mà Tập đoàn Ecopark đề xuất là thực hiện theo đúng quy hoạch phân khu và các quy chế, quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì Nhà nước phải hỗ trợ bố trí chợ tạm và bù lỗ cho dự án. Với phương án này, 100% cư dân chung cư được tái định cư tại chỗ, tỷ lệ đền bù 1,0; bãi đỗ xe ngầm 3 tầng; chiều cao công trình chung cư tối đa 24 tầng; điểm nhấn là công trình thương mại cao 35 tầng…
Phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư, không gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực khi: 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; tỷ lệ đền bù 1,0; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng; điều chỉnh ranh giới dự án để bố trí tạm cư.
Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất dịch chuyển hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Tập đoàn Ecopark cho rằng, phương án này giảm chi phí đầu tư, Nhà nước không cần hỗ trợ, công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn… Và theo phương án này thì dân số sẽ gia tăng dự kiến là 10%.
Theo chúng tôi đánh giá thì phương án này có tính khả thi cao, bởi lẽ, thứ nhất, toàn bộ số dân ở đây được tái định cư tại chỗ, một trong những vấn đề quan trọng để thuyết phục dân chúng đã được đáp ứng; thứ hai, mật độ dân số chỉ tăng khoảng 10%, không gây áp lực quá nhiều cho hạ tầng giao thông; thứ ba, hồ Thành Công tuy có bị dịch chuyển nhưng lại có diện tích lớn hơn cũ, không ảnh hưởng đến công năng và cảnh quan, môi trường; thứ tư là ngân sách Nhà nước không phải chịu gánh nặng... Đấy, một phương án cụ thể tối ưu như thế, với một nhà đầu tư có năng lực như thế và với một khu chung cư cũ nát như thế mà Hà Nội vẫn không “quyết” nổi.
Các khu tập thể cũ ở Hà Nội xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân sống tại đây. Ảnh: Vũ Đức Anh
“Chung cư cũ ơi, đừng vội sập nhé!”
Thấy chẳng có cách nào tâm sự vấn đề nóng bỏng này với các nhà chức trách trong bộ máy chính quyền của thành phố, phần vì họ đông quá, nhiều cấp nhiều nấc quá; phần nữa là vì sắp hết nhiệm kỳ đến nơi rồi, nói chưa chắc đã có ai nghe, đành phải nhắc lại đôi lời đã từng chia sẻ với những chung cư già cỗi kia vậy:
"Tính cho đến giờ phút này, trong cộng đồng chung cư cũ, ta và nhà ngươi tuổi cũng đã xêm xêm nhau, mòn mỏi trong cuộc đời đầy vất vả này cũng đã dăm bảy chục năm, đều đã đến thời kỳ “để là nhà, dỡ ra là củi” rồi. Nay, kể cả ta và ngươi, chẳng ai nói trước được điều gì. Các cụ bảo “đi” lúc nào thì “đi” thôi. Đâu có cãi được mệnh trời!
Thế nhưng, giữa hai ta lại có chỗ khác nhau một trời một vực đấy! Nếu ta “đi” thì chỉ liên quan đến mỗi một mình ta. Còn nếu ngươi mà “đi” thì oan gia sẽ lập tức ập xuống không biết bao số phận con người. Vậy, liệu nhà ngươi có đủ can đảm để “đi” hay không, một khi nếu không muốn là kẻ sát nhân tàn bạo?
Ta thường đặt câu hỏi, tại sao tuổi thọ của lũ chung cư nhà ngươi lại quá thấp thế nhỉ? Tại sao lũ nhà ngươi không chịu bồi bổ linh chi thảo dược, rồi lại cũng không chịu tu luyện những công pháp bí truyền, có thể trơ gan cùng tuế nguyệt, tồn tại cả ngàn vạn năm để được phục vụ loài người cao cả như chúng ta lâu hơn? Thế là thiệt thòi đấy, lũ nhà ngươi ạ!
Chẳng nói gì xa, cái vụ ồn ào định dịch chuyển một phần hồ Thành Công ở Hà Nội vừa rồi đấy thôi, ai cũng khôn ra mặt, cùng nói lời rất cao đạo rằng cần cải tạo chung cư cũ vì bộ mặt của Thủ đô văn minh, rồi vì an toàn tính mạng và tài sản cả hàng nghìn cư dân, lại còn vì lợi ích của tất cả các bên tham gia… Nhưng rồi ngươi đã thấy rồi đấy, ai cũng lảng xa các ngươi, cứ như tránh xa bệnh hủi vậy.
Các ngươi hỏi tại sao ư? Dễ trả lời lắm, vì loài người chúng ta có trí tuệ, đâu lại hồn nhiên dại dột như lũ nhà ngươi. Đúng ra, nếu vì an toàn tính mạng và tài sản cả hàng nghìn cư dân, vì bộ mặt của Thủ đô văn minh thì “thua keo này phải bày keo khác”. Thế nhưng trong vụ việc này, chả ai thấy mình có lợi, thế thì hãy đợi đến “Tết sang năm”!
Ngẫm ra cũng đúng thật. Với các quan chức công quyền, họ cũng đã làm hết trách nhiệm rồi, ra hết quyết định nọ đến thông báo kia rồi. Nay nếu lũ chung cư cũ nhà ngươi có mệnh hệ gì, gánh vác trách nhiệm đâu của riêng ai? Mà ta nói cho ngươi biết tính vĩ đại của cụm từ “nhiệm kỳ”, đó là bùa hộ mệnh của không biết bao nhiêu quan chức đó nha! Chả thế mà quy hoạch của Thủ đô hiện đã “bị chém nát” nhưng quanh đi quẩn lại có tìm thấy ai chịu trách nhiệm đâu? Hết nhiệm kỳ là họ “hạ cánh an toàn” ngon lành rồi, nghe chửa?
Còn với doanh nghiệp, thiên chức của họ là tìm kiếm lợi nhuận. Dự án nào không có lãi thì súng có nổ bên tai họ cũng còn đắn đo chán. Nghe nói, cái ý tưởng dịch chuyển một phần hồ Thành Công là họ cũng nghĩ chán chê, nát nước nát cái ra rồi. Chỉ tiếc rằng, ý tưởng táo bạo ấy lại dùng từ nhạy cảm là “lấp hồ”, chứ nếu dùng từ “dịch chuyển hồ” thì chắc nhiều người đỡ lo lắng hơn. Hơn nữa, nếu ý tưởng này bắt nguồn từ các nhà khoa học thì người dân sẽ tin tưởng về tính khách quan và tính khả thi hơn là để doanh nghiệp bày kế. Ta nói thật, dường như với các dự án cải tạo chung cư cũ các ngươi xưa nay chưa bao giờ hấp dẫn bọn họ. Chắc là số phận các ngươi như vậy, chẳng nên ai oán làm gì.
Các ngươi hỏi, thế với người dân thì sao ư? Trách sao được họ, kiến thức chuyên môn eo hẹp, quyền hạn thì mơ hồ, nguồn lực tài chính thì manh mún, thông tin thì nhỏ giọt, thậm chí còn bị bưng bít, “đi đêm”..., làm sao có thể quyết định được cái gì cho ra tấm ra món đối với lũ chung cư cũ trùng trùng điệp điệp như các ngươi.
Mặt khác, lũ nhà ngươi hãy tha lỗi cho loài người chúng ta, bởi trong số ấy, nhiều người “chưa thấy quan tài thì chưa nhỏ lệ”. Họ sẵn sàng đặt cược mạng sống của mình trên một căn hộ chơi vơi, cũ kỹ, nứt nẻ, xương cốt lòi cả ra ngoài chơi đùa với nắng mưa. Thế đấy!
Thôi, vài lời tâm sự với các ngươi để cầu mong cho các ngươi đừng vội sập! Hãy cố gắng chịu đựng sự trì trệ và toan tính của con người đến hơi thở cuối cùng, nha!".