Aa

Chung cư mini "ngó lơ" yêu cầu phòng chống dịch Covid-19?

Thứ Bảy, 08/08/2020 - 07:50

Việc buông lỏng quản lý, giám sát tại các chung cư mini trong thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các chung cư là một trong những yêu cầu cấp thiết ở thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Hình ảnh thường thấy tại các khu chung cư phân khúc tầm trung trở lên, người dân ra - vào sảnh đều được yêu cầu rửa tay, xịt khuẩn; nhân viên vệ sinh sảnh, các tầng chung cư thường xuyên hơn. Tuy nhiên, đối với chung cư mini, việc quản lý, kiểm soát của chủ đầu tư (CĐT) còn buông lỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Các chung cư tầm trung trở lên đa phần đều trang bị nước rửa tay, thông báo phòng chống dịch cho cư dân và kiểm soát người ra - vào.

Yếu tố an ninh, an toàn luôn được nhắc đến trong các giao dịch mua - bán. Tuy nhiên, người dân khi mua nhà lại luôn chủ quan tin vào những lời tư vấn mà không tìm hiểu kĩ; đến khi có sự cố xảy ra, đa phần chỉ có phía cư dân chịu thiệt, CĐT thường sẽ "phủi" trách nhiệm, không quan tâm đến "hậu quả" như thế nào, giải quyết hay biện pháp khắc phục ra sao. 

Chung cư mini "miễn nhiễm" với các yêu cầu phòng chống dịch

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, trong những năm gần đây, trên địa bàn xuất hiện loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là chung cư mini) tập trung nhiều tại các quận đang đô thị hóa như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.... Loại hình nhà ở này tuy phần nào đáp ứng được về  nhu cầu "an cư" của một bộ phận người dân nhưng những ảnh hưởng của nó tới trật tự xây dựng đô thị, nguy cơ lây lan khi dịch bệnh bùng phát là vô cùng lớn.

Ghi nhận thực tế của PV, các chung cư mini thuộc khu vực đường Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Khương Trung (Thanh Xuân), Định Công Hạ, Trịnh Định Cửu (Hoàng Mai) đa phần đều không có bảo vệ kiểm soát lượng người ra vào, không có thông báo về việc khai báo y tế, đo thân nhiệt hay yêu cầu tối thiểu phải rửa tay và xịt khuẩn. "Nếu chỉ 1 người nghi nhiễm hoặc dương tính với Covid-19, thì hàng trăm người trong khu chung cư mini sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả sẽ bị cách ly và khi đó cuộc sống của mọi người đều sẽ bị gián đoạn" - một cư dân sinh sống tại chung cư mini thuộc khu vực quận Hoàng Mai chia sẻ.

Chung cư mini không kiểm soát người ra - vào cũng không có bất cứ thông báo về việc thực hiện phòng chống dịch

Theo quan sát, các căn hộ được xây dựng với diện tích nhỏ nhưng tổng số lượng cư dân khá lớn và khoảng cách, khoảng không gian tiếp xúc của những người sinh sống trong khu chung cư mini thường rất gần nên nguy cơ lây lan là rất lớn nếu việc vệ sinh, phòng chống dịch không được siết chặt.

Các căn hộ thuộc chung cư mini thường được thiết kế với diện tích nhỏ, liền kề nhau khiến cư dân luôn bị "đặt" trong tình trạng tiếp xúc gần

"Thời điểm dịch nhạy cảm nhưng tôi thấy vẫn có rất nhiều người lạ ra - vào chung cư mini thoải mái. Họ đi đâu, làm gì, tiếp xúc với những ai, có nhiễm Covid-19 hay không không hề được kiểm soát" - đại diện một gia đình thuộc chung cư mini trên đường Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân) lo lắng cho biết.

Tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm… nơi có mật độ chung cư mini cao nhưng có rất ít các khuyến cáo được đưa ra để tuyên truyền việc nâng cao ý thức phòng dịch cho người dân. Hầu như là cư dân ở đây tự cập nhật tình hình và tự giác bảo vệ bản thân mình chứ không có nhiều CĐT quan tâm đến đời sống, quyền lợi của người dân.

Chung cư mini - "cha chung không ai khóc" ?

"Lúc tư vấn thì họ rất tận tình nhưng khi có sự cố xảy ra thì CĐT thường chọn giải pháp im lặng cho xong chuyện. Tiền nào của nấy nên dân phải chấp nhận. Gia đình tôi cố gắng hạn chế sử dụng nơi sinh hoạt chung, tránh nói chuyện, tụ tập nhưng vẫn còn rất nhiều người vẫn có tâm lý bình thản, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, cho rằng không cần thiết với lý do chỉ có các tỉnh có người dương tính với Covid-19 mới có nguy cơ lây nhiễm. Muốn cải thiện được việc này chỉ có trông cậy vào CĐT hoặc các cấp chính quyền trên địa bàn" - chị P. - chủ sở hữu một căn hộ chung cư mini cho biết.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam từng đánh giá, bất cập của việc tình trạng chung cư mini tràn lan như hiện nay là việc gia tăng số lượng lớn người dân ở trên một diện tích. Trong quy hoạch xây dựng, vấn đề mật độ xây dựng và mật độ cư trú là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Mật độ dân số tăng sẽ tạo ra áp lực cho hạ tầng đô thị. Giao thông ách tắc, rồi cấp điện thế nào, cấp nước thế nào; rác thải, nước thải sinh hoạt xử lý thế nào. Phòng cháy chữa cháy quản lý ra sao. Hệ lụy của việc này rất lớn, đặc biệt, đây là thời điểm vô cùng quan trọng để phòng chống dịch bệnh.

Từ dịch Covid-19, nhìn lại vấn đề quản lý chung cư

Từ các công tác phòng chống dịch Covid-19, cơ quan chức năng cũng cần nhìn lại về vấn đề quản lý chung cư mini trên địa bàn nói riêng và quản lý đô thị trên toàn TP nói chung. Không thể đợi đến khi xảy ra dịch mới thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mà ngay cả ở thời điểm bình thường cũng cần tăng cường công tác vệ sinh và nâng cao ý thức của mỗi cư dân nhằm đảm bảo môi trường sống lành mạnh, an toàn. 

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, trong đó số người mang quốc tịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… chiếm tỷ lệ khá cao. Vì thế, công tác tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài sống tại chung cư cũng là điều rất quan trọng. 

Quản lý chung cư vẫn luôn là vấn đề nóng của cư dân thành thị (Ảnh: Internet)

Để đối phó dịch bệnh, các chung cư trên địa bàn Hà Nội đều cần gắn biển thông báo yêu cầu cư dân ra vào tòa nhà phải đeo khẩu trang, khuyến cáo tới cư dân vui lòng không nói chuyện, nghe gọi điện thoại trong thang máy, đồng thời hạn chế tụ tập đông người và thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, nước sạch hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn. Thậm chí, nhiều tòa nhà đã đưa ra biện pháp dán và bọc nylon tại các nút bấm thang máy và tay nắm cửa các căn hộ. Một số dự án chung cư cao cấp tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (Viet Buildings) nhấn mạnh: "Các tòa nhà chung cư, khu đô thị trong mùa dịch bệnh này là nơi tiềm ẩn, nguy cơ phát sinh lây nhiễm cao vì tập trung một lượng người rất lớn. Do đó, có thể nói thời điểm này là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý vận hành chung cư một cách sát sao, từ đó đưa ra những biện pháp kịp thời, hiệu quả và mang tính bao quát để đảm bảo cư dân ở toà nhà nào, phân khúc nào cũng có được môi trường sống lành mạnh, an toàn".

Chung cư mini cũng cần nhanh chóng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 418/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại các khu chung cư thực hiện một số nhiệm vụ như: tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan trong nhà chung cư thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch Covid-19, các khuyến cáo của ngành y tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân trong các khu nhà chung cư; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết, có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh, không để lan rộng.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan truyền thông của Thủ đô và TW tăng cường nội dung tuyên truyền trong hoạt động phòng, chống dịch; các địa phương cần tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực quan, qua loa phát thanh; phát nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch cho người dân.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các khu chung cư cần có hình thức tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, giúp người nước ngoài sống tại đó đồng thuận với phương án phòng, chống dịch của thành phố. Hình thức tuyên truyền cần có sự đa dạng, linh hoạt, bài bản, có tính đến những tình huống phát sinh như có thêm người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

Có thể thấy, chung cư là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, sử dụng nhiều dịch vụ chung. Chính vì thế, việc tuân thủ quy định chặt chẽ của ban quản lý cùng ý thức của cư dân sẽ giúp việc phòng và tránh dịch bệnh lây lan đạt hiệu quả cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top