Bỏ tiền tỷ mua nhà, cư dân bị “cấm cửa” gửi xe
Có lẽ không phải đến bây giờ cư dân chung cư The Golden Palm (21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới bức xúc và dùng nhiều cách thức để phản đối CĐT. Trước đó, cuối năm 2018, ngay sau khi công trình mới được bàn giao thì người dân đã căng băng rôn "tố" dự án xuống cấp, cùng hàng loạt những bất cập khác.
Thế nhưng, kể từ thời điểm đó đến nay, những khúc mắc giữa CĐT và cư dân vẫn chưa thể giải quyết. Trái lại, mâu thuẫn giữa 2 bên càng trở lên căng thẳng hơn. Đỉnh điểm là sáng 5/3, cư dân đã treo băng rôn lên xe và đỗ ô tô án ngữ trước dự án. Lý do những ngày qua cư dân kịch liệt phản đối CĐT là do, họ không được gửi xe ô tô ở tầng hầm.
Nhiều cư dân bức xúc cho biết, trước đó họ mua căn hộ với mức giá cao khoảng 38 - 43 triệu đồng/m2. Thời điểm bán căn hộ, dự án được quảng cáo có nhiều tiện ích, trong đó công trình có 3 tầng hầm. Tuy nhiên, hiện tầng hầm B1 CĐT giữ làm chỗ để xe thương mại, cư dân gửi ở hầm B2 và B3. Kể từ thời điểm vào ở đến nay, cư dân không có chỗ để xe cố định, thường phải tìm chỗ để xe mỗi khi đi làm về.
Ngoài ra, CĐT đưa ra mức phí rất cao, ban đầu là 1,8 triệu đồng/tháng sau giảm xuống 1,5 triệu đồng/tháng. Theo tìm hiểu, những ngày qua có khoảng 30 chủ xe không đồng tình với việc thu phí một cách bất hợp lý của CĐT nên đã bị chặn xe không cho vào gửi ở tầng hầm.
Một cư dân khác bức xúc cho biết: “Tôi mua nhà từ đơn vị phân phối. Họ quảng cáo 3 tầng hầm, thoải mái chỗ để xe ô tô, giờ 400 căn hộ chỉ có 200 chỗ để xe, hỏi lại CĐT nói không đủ chỗ thì bốc thăm, không trúng thì mang xe đi chỗ khác gửi. CĐT áp đặt 1 phía, không cho cư dân có quyền thoả thuận, CĐT khẳng định chỗ để xe là của họ, áp phí cao mà cư dân không đồng ý”.
“Tôi đi làm về thấy bảo vệ chặn đường không cư dân gửi xe vào hầm với lý do là không đóng các loại phí, vì cư dân không đồng ý với cách điều hành của CĐT. Gửi xe ô tô theo quy định của của nhà nước là trên 200 xe phải mua bảo hiểm cháy nổ cho xe, nhưng CĐT trong hợp đồng gửi xe nói là không chịu trách nhiệm cháy nổ”, chị Kim Anh, cư dân tại chung cư Golden Palm bức xúc nói.
Được biết, CĐT dự án Golden Palm là Công ty CP phát triển đầu tư Hà Nội (HDIS). Ông Lê Minh Quốc (trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty. Tổng thầu là Công ty TNHH Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp DELTA (nay đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA - DELTA CORP). Đáng chú ý, DELTA CORP nắm giữ 42,5% cổ phần của Công ty CP phát triển đầu tư Hà Nội - CĐT dự án.
Dự án “5 sao” đầy tai tiếng
Cũng theo phản ánh của cư dân, họ tỏ ra thất vọng bởi dự án được quảng cáo không đúng với thực tế. “Tầng 10 quảng cáo là sân chơi cho trẻ em, thực tế chỉ là sân xi măng, hỏi lại thì họ bảo sân chơi chỉ có như vậy thôi. Tầng 6 là khu vui chơi chung với nhiều tiện ích như bể bơi, phòng tập gym, quầy bar, quán cafe... nhưng vào ở mấy tháng nay chưa vận hành, họ nói khi nào có đơn vị đến thuê kinh doanh thì mới có”, anh Nguyễn Hoành, cư dân dự án Golden Palm chia sẻ.
“Thêm nữa, khi bán nhà thì quảng cáo là chung cư mặt đường Lê Văn Lương thoáng, rộng, nhưng khi về ở mới biết muốn đi ra đường Lê Văn Lương phải đi qua ngõ, mà ngõ rất nhỏ nên chắc chắn sẽ tắc”, anh Hoành nói thêm. Các cư dân cũng phản ánh, theo đúng thiết kế, tầng 6 của dự án có phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân, nhưng hiện nay đã bị CĐT chiếm dụng làm văn phòng riêng. Lý do mà CĐT đưa ra là đơn vị này “mượn tạm” đến khi Ban quản trị được thành lập.
“Nhiều lỗi tường nứt ngay khi về ở, họ nói bảo hành 10 năm nhưng chúng tôi không thể chạy theo mãi thế được. Hết 10 năm chúng tôi phải tự sửa chữa, vừa mất việc lại ảnh hưởng đến sự an toàn của chúng tôi”, anh Hoành cho biết.
Cư dân tỏ ra bất bình trước việc nhiều căn hộ khi đo lại diện tích bị hụt so với diện tích trong hợp đồng và quỹ bảo trì đang bị CĐT chiếm dụng. Theo quy định thì phí bảo trì này phải gửi vào tài khoản riêng, nhưng CĐT nói với cư dân là không lập tài khoản riêng, khi có ban quản trị mới bàn giao. Bên cạnh đó, vấn đề sổ đỏ cũng không được CĐT giải quyết cho cư dân.
“Trong hợp đồng ghi là 50 ngày thì cư dân sẽ được có sổ đỏ, nhưng sau 9 tháng về ở chúng tôi chưa thấy sổ đỏ. Rất nhiều lần dại diện cư dân đã họp yêu cầu CĐT đối thoại với cư dân nhưng CĐT đều lẩn tránh, bằng cách cho mấy ông bảo vệ không có trách nhiệm, không có quyền để trả lời cư dân”, chị Kim Anh cho biết.
Theo phản ánh của cư dân, cư dân đã nhiều lần yêu cầu CĐT gặp mặt đối thoại với các cư dân trong chung cư về vấn đề tường nứt, phí gửi xe, dịch vụ,... Tuy nhiên, CĐT nhiều lần trốn tránh hoặc không thực hiện đúng cam kết với cư dân.
Được biết, hiện có khoảng 200 hộ dân về ở trên tổng số 400 hộ. Cư dân trước đó cũng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên chính quyền và CĐT, tuy nhiên đến nay những bức xúc của người dân chưa được giải quyết dứt điểm.
Reatimes tiếp tục đưa tin.