Khó bán nhà
Hơn 1 tháng rao bán căn hộ tại Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Trần Thu Thảo vẫn chưa tìm được khách mua. Dự án chung cư chị đang ở đã đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng toàn bộ tầng 1 của tòa nhà đang để trống. Theo thiết kế, đây là khu vực kinh doanh siêu thị, nhà trẻ, phòng khám, phòng tập gym… phục vụ cư dân. Do không có khách thuê, các cửa hàng tầng 1 đang xuống cấp, phủ bụi.
Chị cho hay: “Khách tới xem nhà đều phàn nàn vì các tiện ích chưa có. Đúng là bất tiện thật, mình ở đây muốn mua gói mỳ tôm, củ hành cũng phải đi ra ngoài chợ bên kia đường, con nhỏ phải học ở xa”.
Chị rao bán căn 77m2 giá 2,7 tỷ đồng, có thương lượng. Mức giá này không cao so với mặt bằng chung nhưng chưa chốt được khách. Chị đang có nhu cầu bán gấp nên sẵn sàng giảm thêm cho khách mua thực.
Tại dự án ở Mỹ Đình, chị Nguyễn Thanh Tâm cũng đang gặp khó khăn khi rao bán lại căn hộ chung cư, mặc dù còn mới tinh, chủ đầu mới bàn giao nhà. Do gặp vấn đề về tài chính nên chị Tâm cần bán gấp căn hộ. Mức giá chị đề nghị còn thấp hơn so với mua trực tiếp của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người mua băn khoăn là các tiện ích ở tầng 1 chưa có, khác hẳn với những gì chủ đầu tư quảng cáo. Tiện ích như siêu thị, trường mầm non, spa tại các kiot đang trống.
“Người mua chưa dọn về ở vì còn chờ các tiện ích tầng 1, còn nhóm kinh doanh tầng 1 lại chờ cư dân về ở mới mở”, chị cho hay. Hiện, tầng 1 của tòa chung cư hàng nghìn m2, đang treo biển cho thuê nhưng vẫn chưa có khách.
Tương tự, anh Đỗ Văn Tùng (Văn Phú, Hà Đông) cũng đang rao bán căn liền kề. Cách đây 4 năm, anh mua căn nhà này với giá hơn 7 tỷ đồng. Sau đó, anh bỏ không vì không có nhu cầu về ở. Tương tự như anh, cả dãy phố hàng chục căn nhà liền kề cũng bỏ không, cỏ mọc um tùm. Do không có người ở nên các tiện ích như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà trẻ thưa thớt.
Anh cho hay, giá nhà tăng nhưng bán không dễ. Khách có nhu cầu ở thật đều chê thiếu tiện ích sau khi xem nhà. Dân đầu tư bất động sản không mua lại vì giá đất ở đây đang khá cao. Để không một thời gian, anh rao cho thuê căn liền kề này nhưng cũng không có người hỏi.
Người mua chịu thiệt
Khảo sát cho thấy, nhiều dự án chung cư hay khu đô thị mới đi vào hoạt động mà tiện ích hạ tầng không đầy đủ, dẫn tới số lượng người dân ở khá thấp. Người mua nhà ở thực thì ngần ngại khiến giao dịch tại các dự án này không nhiều. Trong khi đó, người mua nhà vẫn chịu thiệt thòi lớn về cả tiện ích sống và giá bán.
Anh Đỗ Văn Quang, nhân viên môi giới (ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay, người mua nhà ở thực ưu tiên lựa chọn các dự án đầy đủ hạ tầng như siêu thị, trường học. Đây là những yêu cầu tối thiểu. Tiện ích là yếu tố hàng đầu góp phần định vị giá trị của dự án bất động sản.
Giá trị dự án gia tăng tương ứng với chất lượng và đẳng cấp mà hệ thống tiện ích mang lại.Các dự án thiếu tiện ích này sẽ bị mất giá. Trong cùng phân khúc, cùng vị trí mà giá bán sản phẩm một số chủ đầu tư đầy đủ tiện ích hạ tầng bao giờ cũng cao hơn đơn vị còn lại nhiều lần. Theo thời gian, giá bán các dự án này vẫn tăng lên.
Theo anh Quang, việc cho thuê được các khu vực này không phải các chủ đầu tư muốn là được. Các siêu thị, cửa hàng đều do một bên thứ ba vận hành và có nhiều yếu tố để họ có thể mở ra ở các dự án như vị trí, mật độ cư dân, khả năng tiêu dùng. Ngay cả những chung cư hoạt động từ lâu mà mặt bằng khối đế để trống khá nhiều. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng lớn các cửa hàng đóng cửa, ảnh hưởng tới tiện ích tòa nhà.
Để nhanh bán được nhà, chị Thảo đành phải hạ giá căn hộ, thêm khuyến mại nội thất cho người mua. Chị cho hay, nếu không bán được, chị sẽ chờ một thời gian khi hạ tầng đồng bộ, việc bán dễ dàng hơn do nhu cầu bán chưa cấp bách.
Luật sư Trần Vi Thoại cho rằng, để đảm bảo tiện ích cho người dân, tránh trường hợp dự án công bố một đằng, thực hiện một nẻo, cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý về quy định thực hiện dự án theo hướng từng phần, đi kèm với tiện ích. Trong trường hợp chủ đầu tư không đáp ứng được thì cần có chế tài như không cho tiếp tục bán sản phẩm ở phân đoạn tiếp theo.