Trong một bài viết trước, Reatimes đã đề cập đến vấn đề khối lượng giao dịch đột biến của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 06 mã VN30F1806 với hơn 80.000 vị thế đóng mở (thống kê ngày 22/05/2018) thì tính đến phiên giao dịch ngày 03/07, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã giao dịch đến hơn 138.000 vị thế.
Đặc biệt, liên tục trong các ngày từ 26/06 đến 03/07, khối lượng giao dịch luôn đạt trên 100.000 vị thế. Khối lượng mở (OI) cũng ở mức cao với hơn 12.000 vị thế, kỷ lục khối lượng giao dịch tiếp tục bị phá vỡ, có thể nói dòng tiền đang ồ ạt chảy vào thị trường phái sinh.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến thanh khoản và giá trị giao dịch của thị trường phái sinh tăng vọt trong những phiên gần đây?
Thứ nhất, thị trường chứng khoán cơ sở "đổ máu" hàng loạt. Tính đến phiên giao dịch ngày 03/07, chỉ số Vn-index chỉ còn 906 điểm - giảm tới hơn 300 điểm so với vùng đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 4/2018. Chỉ số VN30 cũng giảm gần 300 điểm về vùng 891,97 điểm.
Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 03/07, Vn-index rơi hơn 40 điểm (giảm 4,3%), hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn VIC,VHM, GAS... giảm điểm mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng CTG, BID giảm sàn. Mặc dù nhiều mã cổ phiếu đã về vùng giá quá rẻ so với đỉnh xác lập ngày 10/04 nhưng thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp cho thấy cầu mua giá rẻ rất ít.
Áp lực cung hàng tới từ khối ngoại và diễn biến khó đoán từ thế giới, như chính sách thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - EU, sự tăng giá quá mạnh của đồng USD khiến dòng vốn đầu tư có dấu hiệu tìm kênh đầu tư an toàn, việc đoán giá cổ phiếu trở nên khó khăn. Nhà đầu tư càng khó kiếm lợi nhuận trong thị trường cơ sở giao dịch thuần một chiều như thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại.
Trái ngược so với thị trường cơ sở, nhà đầu tư chứng khoán phái sinh không cần phải đợi cổ phiếu tăng giá mà hoàn toàn có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả khi chỉ số VN30 giảm giá, bằng cách chọn mở vị thế bán trên hợp đồng phái sinh – hay còn gọi là “short”. Và cũng không phải đợi T+3 hàng về tài khoản như mua cổ phiếu cơ sở, chứng khoán phái sinh đơn thuần là đặt cược vào chỉ số, nhà đầu tư có thể tất toán vị thế và hiện thực hóa lợi nhuận ngay trong phiên giao dịch. Đó có lẽ là nguyên nhân thứ hai khiến chứng khoán phái sinh ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.
Nếu tính phiên giao dịch giảm tới 40 điểm ngày 03/07 hôm qua, giả sử nhà đầu tư dự đoán chỉ số VN30 sẽ giảm điểm và đặt vị thế “short” vào buổi sáng ở mức cao nhất 925 điểm tương đương 9,25 triệu đồng tiền ký quỹ, thì tới thời điểm đóng vị thế vào buổi chiều, nhà đầu tư hoàn toàn có thể hiện thực lợi nhuận tới 3,5 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận lên tới 37% trong một phiên giao dịch. Đây được coi là một con số lớn và rất khó để kiếm được nếu đầu tư cổ phiếu cơ sở.
Đặc biệt, với thanh khoản mở rộng, việc đóng mở vị thế thuận lợi, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giao dịch nhiều hơn nữa trên cùng một hợp đồng trong phiên để kiếm lời ngắn. Tỷ suất sinh lời vì thế mà sẽ còn tăng hơn.
Nguyên nhân thứ ba phải kể đến là hoạt động “khuyến mãi” từ các công ty chứng khoán. Thị trường cơ sở thanh khoản thấp, nên có lẽ nhiều công ty chứng khoán đã lấy thị trường phái sinh để bù đắp khoản thiếu hụt phí giao dịch. Hàng loạt những chương trình giảm phí đóng/mở vị thế được đưa ra nhằm thu hút nhà đầu tư.
Theo như chúng tôi tìm hiểu, tại Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), biểu phí dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh áp dụng là 10.000 đồng cho hợp đồng đóng mở vị thế trong ngày và 20.000 đồng đối với vị thế lưu qua ngày, giảm đáng kể so với biểu phí tính từ ngày 21/11/2017.
Tại Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), biểu phí giành cho khách hàng mở mới 03 tháng đầu chỉ còn 8.000 đồng cho tất cả các vị thế đóng/mở.
Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT còn đưa ra mức giá thấp tới 7.000 đồng cho hợp đồng đóng/mở vị thế trong ngày còn để lưu qua ngày là 12.000 đồng/vị thế với hy vọng phí giao dịch ngày càng thấp sẽ cạnh tranh được thị phần cũng như gia tăng được tính thanh khoản cho thị trường.
Tính đến phiên giao dịch ngày 04/072018, hợp đồng chỉ số VN30 đáo hạn tháng 07 mã VN30F1807 đã đạt hơn 147.000 vị thế đóng/mở. Như vậy, có thể ước lượng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng bỏ ra để tham gia ký quỹ, con số kỷ lục so với gần 400 tỷ đồng ở những phiên giao dịch cuối tháng 4/2018 vừa qua.
Trong bối cảnh thanh khoản lẫn giá trị giao dịch đang trên đà xuống dốc, hành vi giao dịch khó đoán định của thị trường cơ sở thì quy mô và khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh có tiếp tục phá những kỷ lục trong thời gian tới?