Thị trường chứng khoán phát triển tốt
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, trong phiên thảo luận về "Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập.
Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).
Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.
Cũng theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 111%GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 71,9% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ đạt hơn 27% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP).
Ông Hà nhấn mạnh: "Thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển đã có sự phát triển đáng ghi nhận".
Thứ trưởng Bộ Tài Chính dẫn chứng, những năm 1998, 2000, Việt Nam chỉ có trong tay một nghị định phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan nhà nước làm hết tất cả mọi việc để hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.
Ông Hà nhận định: "Chúng tôi đánh giá cơ quan nhà nước của Việt Nam đã trở thành "bà đỡ" cho thị trường chứng khoán phát triển".
Theo ông, kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các công ty nhà nước trên sàn chứng khoán được đánh giá cao.
Trái phiếu để huy động vốn vẫn chưa được tín nhiệm cao
Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận thực trạng của nền kinh tế hiện nay tạo áp lực quá lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo ông Hùng, áp lực đối với các tổ chức tín dụng hiện đang rất lớn. Thứ nhất, phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, việc quen thói quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch dẫn đến ảnh hưởng lâu dài.
Thứ hai, doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Thông tin chưa được minh bạch, công khai, chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, bảo lãnh...
Cùng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận định, sự thay đổi của thị trường chứng khoán là tích cực, từ năng lực doanh nghiệp đến nhà đầu tư... Tuy nhiên, việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời. Bởi các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đạt mực độ tín nhiệm nhất định cũng như trình độ phát triển tốt. Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng yêu cầu này.
Một trong những điều kiện doanh nghiệp định hướng nhiều nhất là cơ chế phát hành. Ông Quỳnh cho rằng: "Tư duy xây dựng luật trái phiếu dường như đang đi theo mô hình phát hành cổ phiếu. Việt Nam đang áp điều kiện quá chặt với doanh nghiệp".
Theo đó, các đại biểu và giới chuyên gia cùng cho rằng cần tạo ra văn hóa công bố thông tin, trên cơ sở tuyên truyền phải gắn với tính trách nhiệm. Phía doanh nghiệp, yếu tố này liên quan đến vấn đề quản trị. Khi doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ, chính xác thì các nhà đầu tư có thể yên tâm, chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng cần nắm được đầy đủ kiến thức này, giúp thị trường tài chính đảm bảo được tính công khai./.