Aa

Chứng khoán lại khởi sắc, nhiều cổ phiếu bất động sản tăng trần

Thứ Sáu, 10/04/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khởi sắc trở lại với việc nhiều cổ phiếu trụ cột tăng trần. Nhóm bất động sản cũng đua nhau bứt phá nhờ sự khởi sắc của thị trường chung.

Thị trường chứng khoán trong nước sau phiên nghỉ ngơi đã quay trở lại xu hướng hồi phục. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu trụ cột và giúp các chỉ số giữ được đà tăng điểm khá tốt.

Các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán như SSI, SHS, VCI hay WSS đồng loạt bứt phá và đều tăng trần trong phiên hôm nay. Tương tự nhóm cổ phiếu dầu khí cũng bứt phá, trong đó, GAS và PVB đều được kéo lên mức giá trần, PVC tăng 6,1%, PVD tăng 4,7%, PVS tăng 3,4%... 

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VIC và VRE là 2 cổ phiếu lớn ở nhóm này tăng giá rất mạnh và có đóng góp lớn giúp VN-Index nới rộng được sắc xanh. VIC phiên hôm nay tăng 2,1% lên 96.000 đồng/cp và khớp lệnh 1,6 triệu cổ phiếu. VIC là cổ phiếu có đóng góp lớn thứ 3 cho VN-Index trong phiên hôm nay với 1,9 điểm. Tương tự đứng thứ 4 về mức độ đóng góp cho chỉ số này là VRE với 0,8 điểm. VRE chốt phiên tăng đến 5,3% lên 23.700 đồng/cp.

Trái ngược với 2 cổ phiếu VIC và VRE thì cổ phiếu cùng họ là VHM lại đảo chiều giảm 1,4% xuống 69.000 đồng/cp. VHM cũng chính là mã gây áp lực lớn nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,96 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự tích cực cũng diễn ra khi sắc xanh áp đảo hoàn toàn trong đó, các cổ phiếu như NDN, CIG, DRH, DIG, DTA, PFL… đều tăng kịch trần, bên cạnh đó, NVT tăng 6,6%, LDG tăng 4,2%, HAR tăng 4%, SJS tăng 3,2%.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác vẫn diễn biến tiêu cực như NBB, CII, C21, CSC. Trong đó, CII giảm 2,9% xuống 18.100 đồng/cp sau thông tin lợi nhuận sau kiểm toán giảm 524 tỷ đồng, nhiều vấn đề cần nhấn mạnh. Theo đó, lãi sau kiểm toán của CII đạt 196 tỷ đồng, giảm 73% so với trước kiểm toán. Kiểm toán cũng nhấn mạnh khoản phải thu 715,4 tỷ đồng với Công ty Tuấn Lộc.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,31 điểm (1,65%) lên 760,33 điểm. Toàn sàn có 238 mã tăng, 121 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,15 điểm (1,11%) lên 105,08 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 55 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (0,85%) lên 50,74 điểm.

Top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất phiên 9/4. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 374 triệu cổ phiếu, trị giá 5.260 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản khớp lệnh nhiều trong phiên hôm nay có FLC, HQC, DLG hay AMD, trong đó, FLC dẫn đầu nhóm bất động sản và đứng thứ 3 ở toàn thị trường với khối lượng khớp lệnh 9,7 triệu cổ phiếu.

Dù thị trường hồi phục tốt nhưng điểm trừ vẫn đến từ giao dịch của khối ngoại khi họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 325 tỷ đồng. Tương tự như các phiên trước, khối ngoại vẫn tập trung bán ròng mạnh ở sàn HoSE với giá trị gần 290 tỷ đồng. VIC vẫn là cái tên trong nhóm bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh và thậm chí tiếp tục dẫn đầu toàn thị trường với giá trị bán ròng 127 tỷ đồng. Trong khi đó, NVL hay NLG là những cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng tốt với giá trị mua ròng lần lượt 6 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, diễn biến trong phiên 9/4 là khá thận trọng với biến động không lớn. MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 1,5%; Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,4% và 0,8%, Hang Seng của Hong Kong tăng 1,4%. Kospi của Hàn Quốc và ASX 200 của Australia lần lượt tăng 1,6% và 3,4%. Straits Times của Singapore tăng 1,1%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,8%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,5% và KLCI của Malaysia tăng 0,6%. Ngược lại, Nikkei 225 của Nhật Bản và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,04% và 0,7%.

Theo chứng khoán BIDV (BSC), thanh khoản thị trường tăng mạnh, cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư với xu hướng hiện tại. Trong ngày 09/4, OPEC và các đồng minh cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn với hi vọng có thể đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Thông tin về kết quả cuộc họp này dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến ngành Dầu khí nói riêng và thị trường nói chung trong phiên giao dịch 10/4.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top