Aa

Chứng khoán Mỹ giảm sâu sau lời cảnh báo của Chủ tịch Fed

Thứ Sáu, 15/05/2020 - 06:20

Việc chứng khoán Mỹ giảm sâu vào ngày 13/5 là sự kết hợp giữa các bình luận của Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ và cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong phiên 13/5 khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo về sự suy yếu của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 và kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua việc hỗ trợ tài chính bổ sung.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ hành động nếu cần và cho rằng kinh tế Mỹ sẽ không thể tránh khỏi những thiệt hại nặng nề nếu không có thêm biện pháp hỗ trợ.

Shawn Cruz, Giám đốc Đầu tư chiến lược tại TD Ameritrade, Jersey City, bang New Jersey, cho biết: "Nếu muốn tránh sự phục hồi chậm và thiệt hại kinh tế lâu dài thì cần có một sự ứng phó về tài chính mạnh mẽ, bên cạnh đó là đặt trách nhiệm lại cho chính phủ thay vì các ngân hàng trung ương".

Ảnh: REUTERS/Jeenah Moon.

Theo Jeff Kleintop, Giám đốc Đầu tư chiến lược toàn cầu tại Charles Schwab, sự chia rẽ giữa phe Cộng hòa và Dân chủ dường như đã làm giảm khả năng quốc hội hỗ trợ tài chính bổ sung.

Nhà đầu tư phần nào nhẹ nhõm khi Powell cho rằng, Fed sẽ không đẩy lãi suất về dưới 0 nhưng một số người dường như bất ngờ trước quan điểm tiêu cực của ông về kinh tế Mỹ.

Kleintop cho biết, quan điểm của Powell đã bi quan hơn so với trước đây: “Nhà đầu tư cho rằng tình hình kinh tế xấu hơn so với họ dự báo”.

Các dự báo của Powell dựa trên một đợt bán tháo mạnh cổ phiếu vào thứ Ba sau một cảnh báo của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci rằng, virus Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Các ý kiến của Fauci làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế sẽ phục hồi như thế nào sau nhiều tuần bị thắt chặt do ảnh hưởng đến virus.

Việc chứng khoán giảm sâu vào ngày 13/5 là kết hợp giữa các bình luận của Fauci và cảnh báo của Powell. “Ảnh hưởng lớn nhất là một số hoạt động kinh tế bị thiệt hại có thể không bao giờ phục hồi”, Shawn Cruz nhận định.

Một yếu tố tiêu cực khác là hội đồng độc lập giám sát hàng tỷ USD trong Quỹ Hưu trí Liên bang Mỹ thông báo trì hoãn vô thời hạn kế hoạch đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.

Kleintop nói: “Điều này làm tăng thêm căng thẳng trước khi Tổng thống Donald Trump có thể ra thông báo về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 trong tuần này”.

Chốt phiên 13/5, Dow Jones giảm 516,81 điểm, tương đương 2,17%, xuống 23.247,97 điểm. S&P 500 giảm 50,12 điểm, tương đương 1,75%, xuống 2.820 điểm. Nasdaq giảm 139,38 điểm, tương đương 1,55%, xuống 8.863,17 điểm.

Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã tăng 30% so với mức thấp nhất của tháng 3 nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế. Nhưng khi các quan chức trê thế giới và ở Mỹ bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa nhằm khởi động lại nền kinh tế làm dấy lên nỗi lo làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2, điều này đã lấn át đi kỳ vọng ở trên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top