Aa

Chứng khoán tiếp tục giằng co, cổ phiếu bất động sản vẫn phân hóa mạnh

Thứ Ba, 18/08/2020 - 06:00

Sự phân hóa trên thị trường vẫn diễn ra rất mạnh nên các chỉ số chứng khoán tiếp tục rơi vào trạng thái giằng co.

Thị trường chứng khoán phiên 17/8 tiếp tục có những diễn biến giằng co. Sự rung lắc diễn ra có phần mạnh hơn và đôi lúc khiến VN-Index lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, nhờ lực cầu dâng cao nên thị trường không xảy ra tình trạng lao dốc, trong đó, HNX-Index và UPCoM-Index đều kết thúc phiên trong sắc xanh.

Sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột diễn ra rất mạnh, trong đó, gây áp lực mạnh và khiến VN-Index không thể đảo chiều tăng điểm là các cổ phiếu như BID, VRE, SAB, HVN, GAS hay PLX. Trong đó, BID giảm 0,8% xuống 45.500 đồng/cp, VRE giảm 1,3% xuống 26.500 đồng/cp, SAB giảm 0,6% xuống 183.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 17/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 17/8. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, ACB, VCG, PVD, KDC, TCB… đều có được sự tích cực đáng kể và góp công lớn nâng đỡ thị trường chung. ACB tăng 2% lên 25.800 đồng/cp và đóng góp lớn nhất giúp HNX-Index đảo chiều tăng trở lại. VCG tăng 4,1% lên 30.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 17/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 17/8. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có sự phân hóa rất mạnh. Trong khi VRE giảm giá thì VHM đứng giá tham chiếu, còn VIC và NVL đều tăng 0,3%. Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như VCR, TIP, OGC, HDC, PDR, SIP, SCR… đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, TIP và OGC đều được kéo lên mức giá trần. HDC tăng 5,8%, PDR tăng 3,3%, SIP tăng 2,6%.

Trong khi đó, khá nhiều các cổ phiếu có thanh khoản cao ở nhóm này là LDG, DRH, DXG, TIG… đều giảm sâu. DXG giảm đến 2,6% xuống 9.430 đồng/cp sau khi công bố BCTC hợp nhất bán niên năm 2020 đã soát xét với việc lỗ 488 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập đơn vị này có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 38 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong quá trình kiểm toán, E&Y đã xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại LDG thực hiện vào tháng 7 là phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng khiến chi phí tài chính gấp 4,4 lần trước kiểm toán. Vào ngày 30/6, khoản đầu tư vào LDG có giá trị ghi sổ 542 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 1.079 tỷ đồng (khoảng 12.250 đồng/cổ phiếu).

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,07%) xuống 850,15 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 233 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,98 điểm (0,84%) lên 117,21 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 64 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,21%) lên 56,86 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.470 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 290 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 617 tỷ đồng. Trong danh sách 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường vẫn có đến 4 mã bất động sản là OGC, HQC, DXG và ITA, trong đó, OGC khớp lệnh được gần 7,9 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 17/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 17/8. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch với tổng giá trị 103 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản gồm VHM, VRE và VPI vẫn nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng, trong đó, VHM đứng đầu danh sách với 34 tỷ đồng.

Trong khi đó, SZC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại với 1,2 tỷ đồng.

Theo chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm nhẹ trong phiên đầu tuần và rất may là vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 850 điểm (MA50). Tuy nhiên, với mức thanh khoản thì có thể thấy là lực cầu đã tỏ ra suy yếu rõ nét trong vùng giá hiện tại. Thị trường chưa giảm mạnh chủ yếu đến từ hoạt động tiết cung. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 vẫn duy trì mức basis dương nhẹ so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn tỏ ra tích cực trong tuần lễ đáo hạn của hợp đồng này.

Trong bối cảnh hiện tại, SHS nghiêng về khả năng thị trường sẽ sớm giảm trở lại khi mà lực cầu trở nên suy yếu. Dự báo, trong phiên giao dịch 18/8, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 850 điểm (MA50) và xa hơn là quanh ngưỡng 830 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong tuần qua nên tạm thời đứng ngoài và quan sát thị trường trong phiên tiếp theo.

Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83% trong khi Topix giảm 0,84%. Tại thị trường Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 2,34%, Shenzhen Composite tăng 1,92%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 0,65%. Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,81%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top