Thị trường chứng khoán diễn biến giằng co phân hóa trong tuần giao dịch từ 10 - 14/8, tuy nhiên, các chỉ số vẫn có được mức tăng điểm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 9,28 điểm (1,1%) lên 850,74 điểm; HNX-Index tăng 3,459 điểm (3,1%) lên 116,23 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,9% lên 56,72 điểm.
Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 1,2% xuống 21.515 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,5% xuống 1.368 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 163,7% lên 6.119 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 74,8% lên 382 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường tiếp tục đi lên thì đa phần các nhóm cổ phiếu đều có được sự tích cực và bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Thống kê 112 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 63 mã tăng giá trong khi chỉ có 24 mã giảm giá.
Trong danh sách các cổ phiếu bất động sản tăng giá ở tuần từ 10 - 14/8 có 6 mã tăng trên 20% là API của APEC INVESTMENT, HU6 của PT Nhà và Đô thị HUD6, TLD của ĐT XD và PT Đô thị Thăng Long, TIP của PT KCN Tín Nghĩa, TN1 của TNS Holdings và LHG của KCN Long Hậu.
API là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với 37% từ mức 8.100 đồng/cp lên 11.000 đồng/cp chỉ sau 1 tuần giao dịch. Trong tuần, API đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp và 1 phiên lên 3,7%. Trước đó, API không xuất hiện giao dịch trong 4 phiên liên tiếp. Thanh khoản của cổ phiếu này trong 4 phiên gần đây có sự cải thiện đáng kể so với khoảng thời gian trước đó nhưng vẫn chỉ ở mức thấp.
Theo báo cáo tài chính quý II/2020, API đạt 119 tỷ đồng doanh thu, tăng 291% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 19,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty lỗ gần 10,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, API đạt 31,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng).
Cổ phiếu TLD cũng gây sự chú ý khi tăng đến gần 29% từ 10.250 đồng/cp lên 13.200 đồng/cp với thanh khoản đột biến. Cụ thể, kể từ phiên giao dịch ngày 11/8, thanh khoản của cổ phiếu này tăng đột biến từ hơn 900.000 đơn vị đổ lên. Tuy nhiên, trên thị trường không có thông tin nào xuất hiện đủ để giúp cổ phiếu này bứt phá mạnh như vậy.
Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất cổ phiếu HRB của Harec Đầu tư và Thương Mại giảm giá trên 10%. Cụ thể, HRB trong tuần giao dịch vừa qua giảm từ 32.900 đồng/cp xuống 27.000 đồng/cp tương ứng mức giảm 18%.
Các cái tên giảm giá mạnh cũng không có nhiều điểm đáng chú ý và có thanh khoản thấp như TIX của TANIMEX, CCI của CIDICO, SJD của Đầu tư PT Sài Gòn Co.op…
Đối với 4 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes, VRE của Vincom Retail và NVL của Novaland, VRE là mã tăng mạnh nhất với 1,7%. Trong khi đó, VHM tăng nhẹ chỉ 0,1%, VIC giảm 0,1% còn NVL giảm 2,3%. Điểm đáng chú ý ở 4 cổ phiếu lớn này là đều nằm trong danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua. Trong đó, VHM bị bán ròng lên đến 266 tỷ đồng. VRE là gần 48 tỷ đồng còn VIC và NVL bị bán ròng lần lượt 47 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.