Chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một tuần giao dịch đầy khó khăn. Thị trường bất ngờ rung lắc rất mạnh ở phiên giữa tuần – đây là thời điểm bắt đầu xuất hiện những thông tin căng thẳng về chính trị trên thế giới, khởi đầu cho vấn đề này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn cân nhắc một hành động quân sự chống lại Syria mạnh hơn cuộc tấn công tên lửa năm ngoái.
Ngay lập tức thông tin trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Với những lo ngại về việc căng thẳng chính trị có thể leo thang, áp lực bán đã được đẩy lên cao ngay trong phiên giao dịch ngày 11/4, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đều lao dốc rất mạnh và khiến VN-Index có một phiên giảm điểm sâu.
Tâm điểm của thị trường tuần qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng, mặc dù tiếp tục có được những giao dịch tích cực ở một hai phiên đầu tuần thậm chí đã giúp VN-Index vượt qua mốc 1.200 điểm nhưng những thông tin tiêu cực bên lề đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và áp lực bán được kích hoạt. Từ việc dẫn dắt thị trường thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại trở thành nhân tố đẩy thị trường sụt giảm mạnh. Thống kê trong top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường thì có đến 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó, MBB gây thất vọng nhất khi giảm đến 10%.
Tương tự như nhóm ngân hàng thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng trưởng khá tốt trong một hai phiên đầu tuần nhưng lại lao dốc ở các phiên sau đó.
Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa lớn như ROS, PLX, VIC… cũng có một tuần giao dịch không thành công và đều có tăng trưởng âm về thị phá. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 3,57% xuống 1.157,14 điểm, HNX-Index cũng giảm 3,39% xuống 133,34 điểm.
Thanh khoản thị trường co hẹp dần vào các phiên cuối tuần (nếu tính về phương thức khớp lệnh) sau phiên VN-Index giảm hơn 31 điểm. Có thể thấy dòng tiền đã được rút ra trong phiên thị trường giảm mạnh và chưa có dấu hiệu trở lại. Nhà đầu tư đang tỏ ra rất thận trọng và chờ đợi những diễn biến tiếp theo của thị trường để đưa ra quyết định đầu tư. Đây là thời điểm khá nhạy cảm của thị trường trước tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có một khoảng thời gian tăng trưởng khá nóng và khá nhiều "cá mập" đã cảnh báo về điều này.
Dù thị trường chung có nhiều bất ổn nhưng giao dịch của khối ngoại lại không mấy chịu ảnh hưởng. Tại sàn HOSE, mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng nhưng giá trị đã giảm rất mạnh so với 2 tuần trước đó và chỉ đạt vỏn vẹn gần 900 triệu đồng. Trong khi đó, khối ngoại sàn HNX bất ngờ mua ròng tích cực hơn 156 tỷ đồng.
Tại sàn HOSE, tâm điểm dòng tiền khối ngoại là các cổ phiếu như HDB, VNM, SSI và VRE, đây đều là những có phiếu được khối ngoại mua ròng trên 200 tỷ đồng. Trong đó, HDB tiếp tục được khối ngoại mua ròng rất mạnh với 576 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, VIC, VCB, VJC và SBT là những cái tên bị khối ngoại sàn HOSE bán ròng mạnh. VIC là cái tên bị khối ngoại "xả" mạnh nhất tuần trước với hơn 463 tỷ đồng.
Còn trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng tập trung vào cổ phiếu SHB với hơn 203 tỷ đồng. Đứng thứ hai và thứ ba về giá trị mua ròng là VPI và PVS với 64 và 39 tỷ đồng. Trong khi đó, VGC bị bán ròng mạnh nhất với hơn 80 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong bối cảnh hoạt động margin căng thẳng cục bộ ở một số CTCK thì đây rõ ràng là thông tin tác động mạnh lên NĐT. Quan sát các phiên điều chỉnh, hoạt động cắt giảm margin vẫn chưa đủ mạnh, lực cầu yếu ở những phiên hồi phục.
Điều này đồng nghĩa với khả năng chỉ số còn tiếp tục giảm và những phiên rung lắc giảm bớt giá trị margin vẫn còn xảy ra trong tuần tới. Nhà đầu tư chủ động kiểm soát margin đề phòng thị trường có biến động ngoài tầm kiểm soát, đồng thời theo dõi chặt chẽ chỉ số tại các vùng hỗ trợ 1,130 điểm và 1,090 điểm để có kế hoạch giao dịch phù hợp.