Cơ hội “cực kỳ lớn” đang mở ra với Việt Nam
Tại diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Đón sóng đầu tư mới", ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Covid-19 đã gây ra cú sốc chưa từng có đối với tất cả các mặt cung, cầu và chính sách về đầu tư nước ngoài, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án bởi biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội. Đồng thời, dịch bệnh cũng khiến các nhà đầu tư buộc phải tính toán lại kế hoạch, buộc nhiều chính phủ phải thực hiện những giải pháp ứng phó với khủng hoảng, trong đó có hạn chế đầu tư.
Theo đó, triển vọng phục hồi dòng vốn đầu tư toàn cầu hầu như trông chờ vào diễn tiến của dịch bệnh, cũng như tính hiệu quả của những chính sách được thực thi bởi các chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này.
Theo ông Võ Thành Thống, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những hành động rất hiệu quả của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế.
Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế tốt sự lây lan của virus Corona trong cộng đồng.
Bởi những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam cũng cho rằng, dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất của các công ty lớn.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, khi đặt nhà máy tại Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải đối mặt với những áp lực như chi phí lao động tăng cao, pháp lý thắt chặt, kèm với đó là những biến cố khó lường.
Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng bởi sở hữu vị trí liền kề và được tăng cường đầu tư, hoàn thiện đáng kể cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn có các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư…
Từ những yếu tố trên, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam nhìn nhận rằng, đây chính là cơ hội, là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, tại khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn tại khu vực miền Nam, các tỉnh lân cận như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận… sẽ là những khu vực mới nổi.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch TBS Group cũng nhìn nhận, Việt Nam có cơ hội cực kỳ lớn, Covid-19 chỉ là tác động thêm chứ trước đây việc dịch chuyển chuỗi cung ứng đã được tính toán. Nhưng cơ hội lớn nhất nằm ở chỗ là chi phí logistics của Việt Nam hiện rất cao, nếu có thể giảm chi phí này xuống, thì việc kinh doanh ở Việt Nam rất có lợi. Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích về phát triển kinh tế tư nhân, và đặc biệt trong Đại hội XIII sắp tới, chính những chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các hiệp định tự do.
“Tôi cho rằng, đây là những cơ hội cực kỳ lớn mà chưa bao giờ có trong lịch sử của chúng ta”, ông Kiệt nói.
Doanh nghiệp cần “nhận diện những điểm nghẽn và cải thiện chính mình”
Dù nhìn thấy nhiều cơ hội trước mắt nhưng theo ông Diệp Thành Kiệt, việc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nắm bắt cơ hội hay không phụ thuộc ở bản thân từng doanh nghiệp.
“Cơ hội chỉ như việc mở cửa, giống như chúng ta làm con đường xa lộ, còn việc chạy trên đường xa lộ không phải là điều đơn giản. Tất cả mọi người đang quen đi đường làng, đi bằng xe hơi có tốc độ 20 - 30km/h, bây giờ xa lộ mở ra phải đi tốc độ 180km/h mới là vấn đề. Bản thân nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự sẵn sàng để bước vào xa lộ với tốc độ cao như vậy”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm của TBS Group, vừa là một nhà sản xuất, vừa là một doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp, ông Kiệt cho hay, TBS Group phát triển bất động sản công nghiệp cho chính bản thân họ sử dụng, nên TBS có thể đáp ứng được những gì mình cần và muốn.
“Một điều mà tôi cũng muốn chia sẻ với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp là, chúng ta không thể chỉ đi làm đất, chúng ta không thể chỉ làm nhà, chúng ta không chỉ làm xưởng, không chỉ có điện.... mà chúng ta phải lo phần mềm, chúng ta phải có kết nối”, ông Kiệt nói.
Chính vì vậy, theo ông, khi mở nhà máy thì phải có nơi cung cấp, phải có nơi bán hàng... những nơi này phải kết nối với nhau, chứ không chỉ mở một khu công nghiệp rồi mời doanh nghiệp vào. Bất động sản công nghiệp không chỉ có đất rộng, nhà rộng, xưởng rộng.... mà phải có tính kết nối, ứng dụng được công nghệ cao.
“Bất động sản công nghiệp phải hội tụ đủ phần cứng và phần mềm. Mà sắp tới phần mềm có khi lại quan trọng hơn cả phần cứng, bởi vì tự động hóa người ta không cần đầu tư những nhà xưởng khổng lồ, mà làm sao các nhà máy có thể kết nối được với hệ thống hạ tầng giao thông, phải có thiết bị kỹ thuật hiện đại”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Khả năng kết nối là một trong những điểm cộng thu hút đầu tư mà các doanh nghiệp cần chú trọng. Ảnh minh hoạ.
Cũng tại diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, cơ hội đang đến nhưng chúng ta phải nhận diện được những điểm nghẽn và cải thiện chính mình để đáp ứng.
Vị này khuyên doanh nghiệp đừng vì thấy dòng đầu tư đến mà nâng giá. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư một đi không trở lại. Bên cạnh đó, ông Hoàng cho rằng, thực trạng luật pháp tại Việt Nam hiện nay có tồn tại sự chồng chéo, không ai dám quyết vì sợ vướng.
Chia sẻ về những điểm nghẽn hiện nay dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam nói, Samsung là một tập đoàn lớn nên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc làm việc với cơ quan chức năng, nhưng với công ty FDI khác thì sẽ rất khó khăn để xử lý những vướng mắc trong thủ tục hành chính. Đây chính là một trong những điều hạn chế.
Một vấn đề nữa theo ông Tuấn là chỗ ở cho người lao động, nguồn lao động ổn định thì việc sản xuất mới được duy trì. Đối với Samsung, việc làm này không khó, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì là cả một thách thức lớn.
“Gánh nặng của doanh nghiệp là mỗi khi mất đi nguồn lao động thì lại phải đào tạo lại, và mất rất nhiều thời gian để đội ngũ này quen việc”, vị này cho hay.
Nhận thức được những thực tế đó, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả "những chú chim đại bàng lớn". Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
“Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nói và cho biết thêm, từ năm 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Tại những khu công nghiệp này, các doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Động thái này cũng phù hợp với yêu cầu khắt khe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong việc lựa chọn cứ điểm sản xuất mới.
Tại châu Á chỉ có 2 quốc gia ký được hiệp định thương mại tự do với EU, đó là Singapore và Việt Nam, nhưng nói về sản xuất thì chỉ có Việt Nam khiến các doanh nghiệp châu Âu chú ý.
“Tôi cũng đã nhiều lần nói với doanh nghiệp Việt Nam là nếu muốn vào được châu Âu thì phải đáp ứng được tiêu chí về việc sử dụng năng lượng xanh, sạch… Nói chung là phải đáp ứng được tất cả những yêu cầu trong hiệp định”, Chủ tịch EuroCham nói và cho biết, có nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng muốn được tham gia vào Việt Nam.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham