Aa

"Chuyến bay Vũ Hán" - Chuyện những người mặt đất

Thứ Năm, 13/02/2020 - 17:25

Mới 4h sáng, trời tối đen như mực, khu vực đường băng của sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn sáng rực đèn. Không giống ngày thường, nhân viên sân bay mặc bộ quần áo bảo hộ trắng kín mít từ đầu tới chân...

Các đơn vị làm hậu cần phối hợp nhuần nhuyễn trong tất cả các khâu

Nhiệm vụ đặc biệt

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/2, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ: Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, UBND tỉnh Quảng Ninh, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) đáp xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

“Việc đón chuyến bay đưa người Việt Nam từ Vũ Hán về nước là nhiệm vụ đáng nhớ nhất trong đời mình” - anh Trình Hồng Như, Giám sát hạ tầng khu bay tại Sân bay Vân Đồn nói. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, anh và các thành viên trực tiếp làm nhiệm vụ phải mặc bộ đồ bảo hộ to sụ, khi mặc vào nhìn ai cũng như ai. Họ phải nghĩ ra cách để nhận diện từng đơn vị, rồi cách để giao tiếp với nhau.

“Các anh em trong đội giám sát hạ tầng khu bay đã nghĩ ra một sáng kiến, đó là buộc trên tay một băng rôn màu tím để phân biệt ai là “người nhà mình” - anh Như hóm hỉnh kể lại.

Tiến hành phun xịt khử trùng hành lý ký gửi.
Nhân viên hỗ trợ nhau mặc đồ bảo hộ.

Lịch bay ban đầu dự kiến hạ cánh lúc hơn 3h sáng, nhưng sau đó lùi đến hơn 5h. Thế nên, tất cả thành viên phục vụ đón sẵn sàng vị trí từ 1h sáng cho đến lúc máy bay hạ cánh. Cả đêm đó chẳng ai chợp mắt.

Là người đầu tiên gõ cửa tàu bay, anh Đặng Đông Giang, nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất Sân bay Vân Đồn nhớ như in hình ảnh những hành khách đặc biệt bước ra khỏi cánh cửa máy bay, hít thở bầu không khí và đặt chân lên đất mẹ.

“Tôi hiểu rằng đồng bào mình đã rất khó khăn khi phải sống giữa tâm dịch, đối diện với hiểm nguy bệnh tật, chết chóc. Nên khi họ vừa đặt chân về đất mẹ, chúng tôi là người Việt Nam đầu tiên họ gặp. Chúng tôi dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ nhất” - anh Giang tâm sự.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Giang vẫn xúc động khi nhắc tới hình ảnh những hành khách nhí: “Nhìn thấy các em bé còn ẵm ngửa, mình rất thương. Chúng bé bỏng như con mình vậy. Tôi chia sẻ với anh em lúc đó, việc chúng ta làm không chỉ là chuyện phân công nhiệm vụ công tác, đó thực sự là tình yêu với đồng bào mình”.

Hạnh phúc và thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành nhiệm vụ là tâm trạng chung của các thành viên tham gia công tác hậu cần tại sân bay Vân Đồn, đón chuyến bay đặc biệt đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước. Thế nhưng, ít ai biết, để nhiệm vụ thành công là những ngày căng mình chuẩn bị…

Vượt qua nỗi sợ hãi

Nhìn xa giống cảnh những bộ phim viễn tưởng khi các phi hành gia bước ra ngoài không gian

Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, nỗi sợ hãi là có thật. Sợ vì nguy cơ lây nhiễm thứ virus đã làm cả nghìn người Trung Quốc thiệt mạng.

Anh Đặng Đông Giang kể, có đồng nghiệp thổ lộ với riêng tôi: “Em còn trẻ. Em chưa muốn chết đâu...”. Anh Giang đã ôn tồn giải thích: “Nếu như mình không làm thì ai sẽ làm? Mình không làm thì lấy ai đón đồng bào trở về? Em hãy suy nghĩ nếu đây là người nhà của em, em có đón không?”.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng nhận định rằng, việc ổn định tâm lý để anh em yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ là khâu khó nhất, bởi ai cũng lo lắng khi phải trực tiếp phục vụ chuyến bay tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

“Không ngẫu nhiên Chính phủ và Cục Hàng không lại chọn sân bay Vân Đồn là địa điểm đón người Việt Nam về từ vùng dịch. Có thể, về mặt vị trí địa lý, sân bay Vân Đồn tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Đây cũng là sân bay mới với trang thiết bị hiện đại, số chuyến bay không quá nhiều và các quy trình được tối ưu nhất về mặt an toàn… Và trên hết chúng tôi luôn sẵn sàng với trọng trách được giao phó".
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

“Không chỉ riêng cán bộ, nhân viên sân bay mà tất cả các lực lượng phối hợp làm công tác này đều chung một nỗi niềm. Chúng tôi vừa làm vừa động viên và hướng dẫn để các nhân sự nhận thức được rủi ro đang ở mức độ rất thấp. Tất cả anh em đều được bảo vệ và được khử trùng chặt chẽ. Mọi người đều hiểu được rằng đây không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh phải cùng nhau thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng”.

Vượt qua nỗi sợ hãi là những bài học quý giá về nghề. Như chia sẻ của Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách, đây là dịp giúp anh trang bị những kinh nghiệm quý giá khi tham gia vào quy trình phòng chống dịch, từ việc đơn giản nhất là cách mặc trang phục bảo hộ thôi cũng phải rất chuẩn xác từng ly từng tí. Nhất là lúc tháo bộ đồ bảo hộ ra, tưởng đơn giản nhưng đó lại là việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm. Và rộng hơn là cả một quy trình chặt chẽ ứng phó đại dịch.

Ðưa quy trình hàng không từ nhà ga ra ngoài trời

Trong 2 ngày căng thẳng bàn công tác chuẩn bị, ban chỉ đạo chiến dịch đã đưa ra phương án tổ chức quy trình hàng không ngoài trời thay vì trong nhà ga như bình thường. Việc này cũng nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách cũng như tất cả những người làm công tác hậu cần và cho môi trường sân bay. Theo đó tất cả hành khách được bố trí làm thủ tục ngoài trời, sau đó đi thẳng lên xe quân sự chờ sẵn để đến địa điểm cách ly.

Quy trình đặt ra cũng tính toán đảm bảo an toàn tối ưu cho từng bộ phận. Chẳng hạn, máy bay Việt Nam Airlines sẽ đậu ở sân bay 24 tiếng, nên sau khi máy bay được khử trùng, ba tiếng sau nhân viên sân bay mới phải tiến hành làm vệ sinh trong tàu bay.

Quy trình hàng không đặc biệt được thực hiện ngoài trời thay vì trong nhà.

Bên cạnh đó, nhiều kịch bản, tình huống đã được ban chỉ đạo thống nhất phương án, tránh lúng túng, va vấp. Chẳng hạn, khi khách xuống máy bay bị sốt thì phải làm thế nào? Hoặc khi xuống máy bay du khách phản ứng không chịu đi cách ly thì xử lý ra sao.

“Không phải mọi thứ đều sẵn sàng cả đâu, nhất là thuốc khử trùng tàu bay. Đây là hạng mục mà đơn vị Kiểm dịch y tế quốc tế cung cấp. Tuy nhiên thời điểm đó phía bên Kiểm dịch y tế quốc tế cũng không có sẵn, vì đây là thuốc nhập khẩu đặc chủng dành riêng cho máy bay. Chúng tôi cùng với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Quảng Ninh tìm mọi cách để có đủ cơ số thuốc chuyển về ngay trước đó”, ông Phạm Ngọc Sáu nhớ lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top