Aa

Chuyện buồn ở Mả Lạng

Thứ Tư, 28/02/2018 - 06:01

Là nơi sinh sống của khoảng 550 hộ dân với 2.500 nhân khẩu, Mả Lạng ( phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) đang phát triển ngược so với sự lớn mạnh của thành phố khi nơi đây hiện là khu ổ chuột (từng là khu chợ ma túy lớn nhất thành phố). Từ năm 2000 tới nay, TP.HCM quy hoạch Mả Lạng thành khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại nhưng vẫn chưa thành công.

Cái nghèo đeo bám dai dẳng

Nằm ngay trung tâm quận 1, Mả Lạng nằm trên tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi. Nơi đây như một khu tách biệt với không gian nhộn nhịp của sự phát triển kinh tế, với những căn nhà cao tầng nhất TP.HCM. Với diện tích 3ha, là nơi sinh sống của khoảng 550 hộ dân, đặc thù của khu vực này là hẻm nhỏ, nhà nhỏ, vật liệu xây dựng bán kiên cố. Mỗi gia đình có trung bình từ bốn nhân khẩu trở lên và có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một căn nhà chỉ rộng từ 4-50m2, để rồi với đặc thù này, nơi đây được ví như khu “ổ chuột” giữa Sài Gòn.

Những căn nhà nhỏ chỉ vài m2 ở khu Mả Lạng.

Những căn nhà nhỏ chỉ vài mét vuông ở khu Mả Lạng.

Bà Trần Thị Tùng, 67 tuổi, sống ở căn nhà chỉ 6m2 trong con hẻm nhỏ của Mả Lạng kể rằng, gia đình bà là hộ dân sống lâu năm nhất tại đây nên đã chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn và cảnh đi xuống của Mả Lạng.

“Trước năm 1975, khu dân cư này xen lẫn với nghĩa địa, sau đó, thành phố giải tỏa, một số người dân trước đây lên Tây Nguyên làm kinh tế mới rồi không chịu được nên bỏ về dựng nhà trên khu đất trước đây sinh sống, trong đó có cả những người nghiện, dân giang hồ về đây sống. Chính vì vậy mà giai đoạn năm 1997 - 2003, Mả Lạng trở thành một trong những khu chợ ma túy nổi tiếng của cả nước. Sau đó, chính quyền thành phố phải mất cả năm trời mới xóa được tụ điểm ma túy này. Tuy nhiên, cái nghèo thì vẫn đeo bám dai dẳng cho đến tận bây giờ”, bà Tùng nói.

Bà Nguyễn Thị Cẩm kể rằng, đầu năm 1990, vợ chồng ông bà từ Thanh Hóa về Sài Gòn kiếm sống rồi mua lại căn nhà rộng hơn 10m2 để sinh sống. Bà Cẩm cho biết, để có chỗ ngủ cho cả gia đình, bà đã cơi nới thêm một gác nhỏ khoảng 5m2 trên trần nhà để cho vợ chồng con, cháu ngủ. Hai vợ chồng bà ngủ ở dưới nền nhà. Đó cũng là nơi chứa tất cả đồ đạc, vật dụng trong gia đình, cũng là nơi nấu cơm, rửa chén, giặt đồ. Cũng từ khi về đây ở, căn nhà không có chỗ để làm nhà vệ sinh nên chỗ rửa rau, nấu cơm ngay sát cửa ra vào, đồng thời cũng là nơi đi vệ sinh.

Đặc biệc, ở khu Mả Lạng, ban ngày cũng như ban đêm, không khí ảm đạm, những căn nhà xập xệ, ánh sáng chỉ thấy rõ ở phía ngoài đường lớn còn trong hẻm luôn tối om. Sau mỗi cơn mưa, nước động thành vũng lớn trong những con hẻm.

Ông Trần Xu, một hộ dân ở đây cho biết, cư dân đa phần sống bằng nghề buôn bán ve chai, thợ hồ, chạy xe ôm… cuộc sống cơ cực, nhưng có nhiều gia đình cố gắng cũng gom góp được chút tiền để sửa chữa lại căn nhà của mình cho đỡ dột nát khi mưa nắng, nhưng vì là khu vực giải tòa để làm dự án nên chính quyền quận không cho sửa chữa.

"Ở đây có dự án lâu rồi, nhưng chả thấy thành phố hay chủ đầu tư làm, vậy là hàng trăm hộ dân với hàng ngàn mạng người cứ phải sống trong cảnh nghèo khó, bẩn thỉu để đợi thành phố họp bàn việc giải tỏa cũng như cho về nơi ở mới… nhưng rồi đợi cả 16 năm nay mà vẫn không có chút tín hiệu nào cho thấy, thành phố và chủ đầu tư giải quyết cho chúng tôi", ông Xu nói.

16 năm một dự án “lạ”

Nói về khu Mả Lạng, đại diện UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và chỉnh trang khu vực này. Sau đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được chấp thuận thực hiện, nhưng dự án kéo dài mà vẫn không triển khai được.

 những con đường nhỏ, tối tăm và ẩm thấp ở Mả Lạng

Những con đường nhỏ, tối tăm và ẩm thấp ở Mả Lạng.

Từ năm 2007, TP.HCM tiếp tục chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, biến khu vực này thành một phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Nhưng đến nay, vì nhiều vấn đề mà khu vực này vẫn chưa thể triển khai dự án.

Đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở TN&MT rà soát pháp lý, phối hợp với quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Đồng thời, chỉ đạo quận 1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức điều tra khảo sát lập phương án tái định cư hoàn thành trong quý II.

Đặc biệt, vào tháng 7/2017, UBND TP.HCM cho biết, năm 2017, chủ đầu tư dự án này phải hoàn thành xong phần di dời nhưng tới nay, dự án vẫn không có chút biến chuyển nào.

Ông Tuấn Anh, một hộ dân ở Mả Lạng cho biết, điều người dân quan tâm lúc này là thành phố sẽ đền bù giải tỏa và về nơi tái định cư nào sống và ở khu tái định cư đó sẽ làm gì để sống?… Được biết, năm 2018, nếu không có phương án giải tỏa thì nơi này sẽ bị giải tỏa trắng.

Đối với việc tái định cư cho người dân và giá đền bù giải tỏa thì đại diện quận 1 cho biết, đang nghiên cứu để sớm có kế hoạch để họp và thông báo để người dân an tâm.

Trao đổi với phía Bitexco, chủ đầu tư dự án, đại diện công ty này cho biết, tiếp nhận dự án từ năm 2006. Đơn vị này hiện làm đúng trình tự pháp luật để tránh khiếu kiện. Thực hiện đền bù giải tỏa, Bitexco đã làm việc với lãnh đạo quận 1 và giao họ thực hiện giúp phần đền bù tại đây, chi phí phía Bitexco sẽ chi trả.

“Việc đền bù giải tỏa nơi này rất phức tạp bởi nhà dân tại đây diện tích nhỏ, lượng căn hộ lớn, người dân lại khó tiếp xúc nên chúng tôi đành giao cho phía chính quyền giải quyết việc đền bù giải tỏa giúp. Về mặt tài chính và thiết kế xây dựng, doanh nghiệp đã chuẩn bị hết để năm 2018, khi có được mặt bằng sẽ tiến hành xây dựng dự án ngay”, đại diện Bitexco nói.

Câu chuyện đền bù giải tỏa tại đây được cho là bài toán khó cho TP.HCM, theo KTS. Trịnh Hoài Linh, Giảng viên Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa TP.HCM, TP hiện đang có rất nhiều dự án chậm triển khai vì vướng đền bù giải tỏa, chính vì vậy với khu Mả Lạng là một thách thức lớn với chính quyền thành phố.

“Khu vực quận 1 giá đất cao, ở đây những căn nhà luôn nhỏ, nếu đền bù giá Nhà nước đưa ra thì dân sẽ không chịu, đền bù cao thì chủ đầu tư sẽ không đồng ý. Đặc biệt, với những căn nhà chỉ từ 5 - 10m2, có đền bù giá cao thì người dân tại đây cũng không đủ để mua nhà mới sinh sống, hay ngay cả về nơi tái định cư, nếu căn hộ tái định cư giá là 600 triệu đồng trong khi đền bù nhà 5m2 chỉ 300 triệu đồng thì người dân lao động nghèo ở đây cũng không có đủ tiền bù vào nhà tái định cư…”, KTS. Linh nói.

Ngoài ra, KTS. Trịnh Hoài Linh còn cho rằng, nếu thành phố không có biện pháp giải tỏa tốt, hợp tình hợp lý với dân sẽ dẫn tới tình trạng xấu đó là dân sẽ kiếu kiện vượt cấp và việc đền bù giải tỏa rơi vào ngõ cụt… Chính vì vậy, ông Linh cho rằng, TP phải có định hướng rồi họp dân thông báo phương án về giá tiền đền bù, nơi tái định cư và ở khu tái định cư đó phải có cả chỗ làm việc cho người dân để giải quyết khâu công ăn việc làm, thu nhập cho người dân an cư.

Thông tin tổng thể dự án khu đô thị Nguyễn Cư Trinh

Theo thông tin từ UBND quận 1, khu đô thị Nguyễn Cư Trinh được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 6,8ha được tọa lạc tại vị trí có hành lang giao thông thuận tiện của 4 tuyến đường: Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh thuộc Quận 1.

Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh được thiết kế bao gồm các các phân khu chức năng như sau: Dự án Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới có diện tích 10.000m2.

Dự án Khu tái định cư Nguyễn Cư Trinh được thiết kế 3 tòa tháp mỗi tháp cao 25 tầng và 2 tầng hầm. Dự án sẽ bố trí hơn 700 căn hộ tái định cư cho người dân. Dự án Cao ốc văn phòng - Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Căn hộ được chia thành năm tòa tháp, mỗi tòa cao 40 tầng và 3 tầng hầm.

Mỗi tòa tháp này sẽ bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng và các căn hộ.

Trong quy hoạch tổng thể của Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh còn có Dự án khách sạn cao 20 tầng và 3 tầng hầm. Dự án khu thương mại cao cấp được thiết kế cao 5 tầng và 1 tầng hầm. Bên cạnh đó là các tiện ích công cộng khác như: Trường học, công viên, quảng trường…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top