Aa

Chuyện cậu ông giời

Thứ Hai, 03/09/2018 - 06:00

Bây giờ, về quê, gần như không còn được nghe tiếng nghiến răng của cóc, thành phố thì lại càng tuyệt đối không. Hình như chúng đã bị tuyệt diệt. Vì con người săn lùng làm thuốc, làm thực phẩm quý, vì biến đổi khí hậu, vì thuốc sâu, vì môi trường???

Mẹ tôi kể, hồi mang thai tôi, mẹ nghén đủ... 9 tháng. Cái thời khó khăn ấy, nghén thế thì cứ... nôn chứ biết làm gì. Lại còn cao tuổi mới có con đầu lòng nên cái sự sinh đẻ càng vất vả. Kết quả tôi sinh thiếu một tháng và nặng... một ký bảy.

Và sau đấy là cuộc gian nan nuôi tôi. Nghén miết thì không có sữa, mẹ nuôi tôi bằng nước cơm pha đường, chứ sữa hồi ấy, dẫu là sữa bột, là một thứ hết sức xa vời. Nghe kể ai cũng bảo tôi chết, bởi cứ như cái dải khoai oặt oẹo thế, mắt nhắm tịt suốt ngày, khóc cũng chỉ đến khò khè như con mèo hen. Ông ngoại tôi, từ địa chủ dẫu là đảng viên, bị đấu tố liên miên, từng uất ức nghĩ tới cái chết, sau khi được “hạ thành phần” xuống trung nông, đã phấn khởi đeo tay nải đi bộ từ Ninh Bình vào Thanh Hóa thăm con gái, ông lật cái tã của tôi ra, bảo thằng cu này có đập đầu vào cối đá cũng không chết, dái nó đen lắm.

Tối ấy, ông lang thang quanh khu tập thể cơ quan công đoàn tỉnh Thanh Hóa, bắt được... một thùng cóc.

Ông hướng dẫn cấp tốc cho mẹ tôi cách làm thịt cóc an toàn nhất, làm ngon nhất để “thấng” tôi. Ông bảo không cái gì qua cái ấy.

Và tôi đã sống nhờ... cóc, những con cóc ban đầu là ông ngoại tôi bắt, sau đấy là mẹ tôi, và những đứa trẻ con hàng xóm. Mẹ tôi mua lại của chúng để làm “thuốc tễ” nuôi tôi. Đủ kiểu, từ làm ruốc ăn dần đến băm ra đúc trứng. Từ rán (lấy mỡ nó rán nó) đến nấu cháo, từ nghiền ra đến nguyên con... Và tôi lớn lên nhờ... cóc.

Và tôi cũng trở thành người làm thịt cóc rất cừ khôi.

Cóc Cụ!

Cóc Cụ!

Cái thời bao cấp, sơ tán về nông thôn tránh chiến tranh phá hoại, anh em tôi cũng đi bắt cóc về làm thịt ăn. Lúc này thì tôi là người làm thịt cóc. Chả hiểu sao hồi ấy bà con không ăn thịt cóc, thấy nhà tôi ăn còn chê là bẩn. Nông thôn nhiều cóc lắm, bắt một lúc là cả thùng. Cũng như thế, bà con không ăn nhái. Anh em tôi toàn đi bắt nhái về nuôi vịt, vịt lớn nhanh như thổi. Mãi sau, khi về Huế, cái đất thần kinh hoa lệ ăn dè uống nhẹ thì tôi lại mới được ăn... thịt nhái. Và giờ thì ai cũng biết, nó là đặc sản. Ra Hà Nội uống bia giờ mà vớ được quán có món chả nhái là như gặp... thiên đường, dù chả biết cái cục ấy nó có đúng thật là... nhái không?

Đến tận thời sinh viên, ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ, Huế. Mùa mưa, nằm nhìn mưa nhão cả người, tôi xúi mấy đứa trong phòng cải thiện bằng cách ra phía sau có mấy ruộng khoai của các giáo sư tăng gia, bắt cóc. Mang về tôi làm, ăn xì xụp, ăn đến đâu nở chân lông đến đấy.

Giờ thì, toàn dân ăn cóc. Cóc như là một... đẳng cấp. Có những vùng nguyên cả làng đi bán cóc khắp đất nước. Chỉ một cái lồng cóc, cái cân, mấy con dao, thế là xuyên Việt, hết cóc thì có người gửi vào, nhắn địa chỉ là có. Cứ thế phóng xe với cái... loa điện, không ít nhà vời vào, làm tại chỗ, chế biến tại chỗ. Đa phần là làm ruốc.

Nhưng, không phải cứ thế là... cóc.

Tôi quen một gia đình nhà giáo, sống ở Buôn Ma Thuột. Vợ chồng cùng dạy cấp 3. Hôm ấy đói, anh chồng bắt được mấy con cóc cụ. Chính xác là nhập nhoạng thì có anh cóc cụ từ gầm giường chui ra. Ảnh kêu mấy tiếng thì có ả ngoài sân nhảy vào. Thế là anh chồng tóm sống, nói em đợi tí, anh làm cóc rồi hẵng dọn cơm, đạm đây chứ đâu.

Khu tập thể giáo viên, đèn dầu tù mù, nước non khan hiếm. Anh chồng lụi hụi làm cóc. Rồi chả hiểu sao mà lú lẫn, mà quên hay không biết gì, anh để riêng bộ lòng có trứng, xào thơm um lên, phần thịt nấu cháo cho con. Trong lúc chờ cháo chín thì anh rót ly rượu, gặp miếng lòng xào, khà một tiếng khoan khoái và... ngã ngửa ra, miệng cứng ngay, cứu không kịp.

Một điều sơ đẳng, ai cũng phải biết, mật cóc là thứ cực độc, ăn vào là chết ngay, đứ đừ, không thể chữa. Làm cóc phải hết sức cẩn thận, để nó còn nguyên cái mật mà vất đi. Đã vỡ thì dù cóc có ngon có to đến mấy cũng vất. Và trứng cũng thế, cóc có trứng là vất ngay cả con, bởi mỗi cái trứng là một cái mật. Ngày xưa mẹ tôi, làm rất kỹ rồi, kiểm từng cái mật tròn vo rồi, rán xong miếng cóc đầu tiên là nhường cho... con chó. Đợi nó ăn mươi phút xong thì... mẹ rón rén miếng thứ hai, sau đấy mới tới các con.

Cái chuyện anh giáo viên cấp 3 kia xảy ra từ hồi những năm 80 thế kỷ trước, nhưng kỳ lạ, đến giờ thi thoảng ta vẫn nghe việc này xảy ra ở đâu đấy, mỗi lần nghe là một lần tim ta quặn thắt. Hình như chúng ta dạy rất nhiều thứ cho học trò, nhưng kỹ năng sống thì chúng ta lại lơ là. Chứ nếu dạy thì, năm nào đấy, một bà mẹ trẻ ở miền Tây đã không phải thiệt mạng cũng vì cóc. Các trường học của chúng ta từ xưa đến nay dạy rất nhiều thứ, có cả những thứ chả thấy liên quan gì đến việc học việc sống và lập nghiệp sau này như đan rổ rá, thêu thùa đan lát... nhưng lại thiếu một thứ rất quan trọng là kỹ năng sống.

Tôi nhớ mình đã bàng hoàng tự hỏi, tại sao lại có người mẹ kém hiểu biết (tôi tránh dùng chữ ngu dốt) đến như thế, khi năm nào đấy của thế kỷ 21 này nghe tin một người mẹ vì vô tình đã làm hại con mình. Tôi biết người mẹ này (ở Đồng Tháp) đã chịu nỗi đau rất lớn nên nói nặng lời thế có thể làm chị thêm đau đớn. Thế nhưng còn hai đứa bé vô tội kia thì sao. Nhà chị chắc cũng nghèo, chồng đi ruộng bắt được một con cóc, chị làm thịt nấu cháo cho cả nhà ăn. Chắc chắn là hoàn toàn không hiểu gì nên chị đã cho cả bộ trứng cóc vào nồi cháo. Hai cháu bé, thằng anh 4 tuổi và con em 15 tháng tuổi chết ngay tại chỗ. Mẹ chúng, người đàn bà mới 25 tuổi kia may mắn thoát chết vì mới ăn ít… Người mẹ trẻ và rất thương con này, cho đến thế kỷ 21, vẫn không được ai nói cho biết rằng là ăn thịt cóc thì phải chừa mật cóc ra. Tức là chị đã không được giáo dục chu đáo để làm một con người bình thường tự biết bảo vệ mình.

 

Không chỉ ở Việt Nam, tại một số nước châu Á cũng

Không chỉ ở Việt Nam, tại một số nước châu Á cũng "thần tượng" cóc. Trong ảnh: Nghi lễ "Đám cưới cóc" ở Ấn Độ.

Bây giờ, về quê, gần như không còn được nghe tiếng nghiến răng của cóc, thành phố thì lại càng tuyệt đối không. Hình như chúng đã bị tuyệt diệt. Vì con người săn lùng làm thuốc, làm thực phẩm quý, vì biến đổi khí hậu, vì thuốc sâu, vì môi trường???

Thực ra, nó gồm rất nhiều yếu tố, chứ cóc là loài simh sản rất khỏe. Về quê, thường thấy những ổ trứng cóc, mỗi lần nở lúc nhúc con, và nó cũng không phải là món ăn phổ thông như ếch, thì làm sao mà hết được.

Những câu ca dao về cóc, câu chuyện về cóc, mà nổi tiếng nhất là “Con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho” một thời là nỗi ám ảnh những đứa trẻ con nghịch ngợm, giờ cả đứa ngoan lẫn đứa chưa ngoan chả bao giờ nhớ câu ấy, và như thế lại càng không bao giờ biết rằng, con cóc từng là... cậu ông giời, từng khiến ông giời thất điên bát đảo.

Giờ, cóc chả thấy đâu nữa, chả ai làm cho giời sợ nữa, nên ổng muốn làm gì thì làm. Mưa lụt khắp nơi, sạt lở khắp nơi. Thành phố Pleiku, tối qua, nhiều con đường ngập sâu trong nước, nhiều ô tô trôi lềnh bềnh. Cao nguyên còn như thế, thì đồng bằng như thế nào?

Và, thèm tiếc cóc nghiến răng biết bao. Có nó, giời còn biết sợ...

Viết những dòng này để... ân hận, mình cũng từng tham gia vào triệt hạ cậu ông giời, để giờ, thảm cảnh...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top