Theo các quy định của Nhà nước, đối với khu đất nông nghiệp người dân được thực hiện việc tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì phải được cơ quan Nhà nước phê duyệt, phải hoàn thành hạ tầng, phải nộp tiền sử dụng đất, phải được kiểm tra hoàn thành hạ tầng và cấp sổ thì mới được giao dịch, sang nhượng cho người khác.
Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là người tham gia đầu tư không quan tâm đến pháp lý của khu đất đó có được cơ quan Nhà nước phê duyệt hay không, họ chỉ quan tâm đến việc tham gia và có văn bản giao dịch diện tích khu đất đó.
Tiếp đến, họ tìm cách chuyển nhượng cho người khác với giá chênh lệch thường là cao hơn. Từ việc hưởng lợi giá trị chênh lệch sau mỗi lần chuyển nhượng đó nên những người tham gia sẽ chủ động tìm kiếm người khác tham gia vào. Cho nên họ vừa là nạn nhân và cũng vừa là người lôi kéo người khác vào các giao dịch trái pháp luật này.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Chúng ta phải nhận thức rõ là khu đất nông nghiệp đó thường không được quy hoạch khu dân cư nên không thể chuyển được sang đất ở, không thể cấp sổ cho việc phân lô thì người đến sau luôn là người chịu toàn bộ mọi rủi ro. Khi đó thì chủ đất, công ty kinh doanh bất động sản sẽ tìm không ra những người đã chuyển nhượng và coi như họ sẽ mất hết số tiền đã giao dịch. Hiện các quy định pháp luật có các quy định xử lý với tình trạng vi phạm hiện nay, theo đó, chính quyền tại địa phương cần chủ động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời có tính răn đe để hiện tượng trên tránh tái diễn.
Theo Luật sư Phượng: “Việc xử lý về chuyển mục đích sử dụng đất không đúng sẽ bị xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tùy theo từng hành vi vi phạm. Tại Điều 8 quy định rất rõ nếu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
Đối với các giao dịch bất động sản vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản Điểm a Khoản 3 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định: Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định./.