Sở Tài chính TP. HCM vừa có báo cáo số 2654/STC-PPP&QLN gửi UBND TP. HCM về đề xuất nghiên cứu Dự án tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm Thành phố với huyện Cần Giờ theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trước đó, vào ngày 17/3/2025, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã có văn bản gửi UBND TP. HCM, đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ. Theo đề xuất, dự án được xây dựng theo quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến chính có chiều dài khoảng 48,5km, hạ tầng thiết kế với tốc độ tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD).

Dự kiến tuyến metro đến Cần Giờ sẽ đi dọc tuyến đường Rừng Sác. Ảnh: Việt Dũng
Dự án có điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Thục Mạn), phường Tân Phú (quận 7) và điểm cuối tại khu đất rộng 39ha tiếp giáp dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
Đáng chú ý, Vingroup đề xuất triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể là hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
Đối với nội dung này, Sở Tài chính TP. HCM nhận thấy đề xuất dự án của nhà đầu tư phù với với lĩnh vực thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định của Luật PPP.
Tuy nhiên, Sở Tài chính kiến nghị chỉ thống nhất về loại hình dự kiến đầu tư là theo phương thức PPP, chưa xem xét đến loại hợp đồng dự kiến áp dụng. Đối với loại hợp đồng dự kiến áp dụng, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các sở ngành nghiên cứu, xem xét, đánh giá chi tiết ở bước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Sở Tài chính cũng đề nghị Tập đoàn Vingroup tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan trong quá trình lập đề xuất đầu tư dự án, nhằm đáp ứng các điều kiện theo các quy định của pháp luật.