Aa

Chuyên gia chỉ cách lọc chất ô nhiễm Styren trong nước hiệu quả nhất

Thứ Năm, 17/10/2019 - 17:16

Trước tình trạng nước sinh hoạt nhiễm Styren ở Hà Nội khiến nhiều người lo ngại, các chuyên gia đã chỉ ra một số cách giảm bớt chất độc như dùng than hoạt tính, sục khí...

Kết quả xét nghiệm nồng độ Styren có trong nước sinh hoạt của một số vùng dân cư Hà Nội được xác định cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường. Điều đó cho thấy nguồn nước của người dân đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, Styren là chất độc cấp độ 2 theo quy định của tổ chức WHO. Do đó, người dân cần phải cẩn trọng đặc biệt với chất này.

Nguồn nước bị ô nhiễm Styren. Ảnh: Internet

Nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn, Styren có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, Styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.

Xử lý lọc nguồn thải

Muốn có nước sạch thì các nhà máy nước sẽ chọn nguồn nước sạch đầu tiên nhưng nguồn nước nguồn của nhà máy nước sông Đà đã bị đổ dầu loang rồi thì việc xử lý có phần khó khăn. Nếu như hút ngay lượng dầu trên bề mặt khi bắt đầu phát hiện thì có thể xử lý song đã nhiều ngày trôi qua, dầu đã phân tán, hơn nữa lượng dầu đã chảy vào bể chứa nước của công ty này cho nên đây là việc rất khó khăn.

Theo một số chuyên gia, xử lý nguồn nước nhiễm Styren hay một số chất hóa học khác trong nguồn nước vô cùng tốn kém và công nghệ xử lý nước mặt của Việt Nam hầu như không thể xử lý hoàn toàn chất độc như Styren.

PGS.TS Sỹ nhận định việc xử lý nguồn nước cấp đã nhiễm Styren là bất khả thi vì "các nhà máy nước hiện nay ở Việt Nam không có phương tiện xử lý chất độc này. Công nghệ làm sạch nước bình thường không xử lý được vì không có hệ thống hấp thụ mùi và hấp thụ độc. Tất cả các nhà máy nước hiện nay chỉ lắng độ đục sau đó khử trùng nước bằng clo.

Chỉ có thể dùng biện pháp than hoạt tính nhưng phương pháp đó rất đắt, nhà máy nước dùng phương pháp này thì lỗ mà dân lại phải mua với giá nước quá đắt. Do đó chỉ còn cách là bảo vệ nguồn nước".

Có thể dùng than hoạt tính để lọc nếu hàm lượng Styren nhỏ

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Phó trưởng bộ môn Kinh tế Môi trường của trường ĐH Mỏ Địa chất cũng cho rằng việc lọc nước từ nhà máy rất đắt đỏ: “Có thể lọc được nhưng vô cùng đắt. Giải pháp tốt nhất bây giờ là dùng phương pháp oxy hóa, đắt cũng phải chấp nhận. Chính xác là họ dùng công nghệ ozon, thẩm thấu nước. Tuy nhiên, hiện nay, công suất mà nhà máy sông Đà đang lọc là quá lớn, 300.000m3/ngày thì rất khó để có thể xử lý hết được”.

Như vậy, người dân chỉ còn cách “sống chung với lũ” chờ đợi giải pháp của nhà máy nước sao?

Cách lọc Styren trong nước sinh hoạt

Trên thế giới, đã có những cách lọc Styren nhưng vô cùng tốn kém. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khuyến cáo sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) hoặc phương pháp sục khí để loại bỏ Styren ra khỏi nguồn nước. Than hoạt tính sẽ hấp thụ Styren cùng nhiều chất hữu cơ độc hại khác, các loại vi sinh vật nguy hiểm và trung hòa khoáng chất khó hoà tan trong nước.

Nói về cách lọc này thì PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng nếu như muốn hiệu quả thì phải tính toán kỹ hàm lượng than hoạt tính mới có thể hút được hết Styren và than hoạt tính cũng chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau khi hút hết công suất thì nó cũng sẽ không còn khả năng hoạt động nữa.

Còn có phương pháp khác là sục khí đối với những chất hóa học dễ bay hơi như Styren. Theo phương pháp lọc này thì Styren sẽ bay hơi thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, PGS.TS Sỹ cho rằng, với phương pháp này phải chọn môi trường thoáng vì Styren bay hơi mà hít phải cũng có hại không kém khi uống vào người. Còn để lọc Styren hiệu quả nhất, nên sục khí như sục bể cá vì phần dầu thải nổi lên trên còn có thể bay hơi còn phần hòa tan trong nước nữa.

Có thể dùng than hoạt tính để hấp thụ hết chất độc Styren nhưng phải tính toán lượng than hoạt tính đủ để có thể hút được hết chất đó.

Đối với phương pháp dùng máy lọc nước phổ biến của mọi nhà hiện nay thì sẽ có hiệu qủa nhưng các bình lọc này quá bé không thể lọc được một lượng nước lớn đủ dùng cho cả nhà, do đó mọi người có thể dùng phương pháp khác – dùng công nghệ ozon. Tuy nhiên, cũng phải đợi sau 1 tiếng để các chất độc bay hơi mới được dùng.

"Nhiều người dân nghe được rằng Styren dạng vòng dễ bay hơi cho nên nghĩ rằng đun sôi nước là có thể lọc sạch. Tuy nhiên, nhiệt độ cao có thể làm Styren bay hơi nhanh hơn nhưng nó phát ra không khí và người ta hít vào cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top