Aa

Chuyên gia đầu ngành cả nước quy tụ tại Đại học Quốc gia Hà Nội tìm lời giải cho bài toán quản lý 795 loại đô thị

Thứ Sáu, 22/12/2017 - 03:00

Ngày 22/12/2017, Hội thảo "Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam" sẽ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo do Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức dưới sự tài trợ của Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á. Hội thảo dự kiến ghi nhận sự tham gia của gần 200 đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng (tháng 7/2016), Việt Nam có tổng cộng 795 đô thị các loại. Trong khi tốc độ đô thị hoá đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và không có dấu hiệu chậm lại thì chắc chắn số lượng đô thị sẽ ngày một tăng dần theo đà phát triển của kinh tế, xã hội.

So sánh từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%, tăng chỉ 7%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 72%, tăng 27%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 33%, tăng 13%; quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 71,8%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, chất lượng nhân lực là khâu then chốt nhất quyết định chất lượng quy hoạch, từ lập quy hoạch cho đến triển khai thực hiện xây dựng theo quy hoạch. Vấn đề tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất trong các đồ án quy hoạch do thiếu nhân lực quản lý và triển khai thực hiện các dự án quy hoạch đô thị.

Tại Đại hội lần thứ II của Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, một khảo sát của các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị và quản lý đô thị cho thấy: Trong 49 đô thị tham gia cuộc khảo sát, chỉ có 1 đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự. Trong khi có đến 18 đô thị thiếu cán bộ quản lý ở mức trầm trọng. Nhân lực quản lý đô thị cần được bố trí đủ để tham gia vào mọi khâu trong hoạt động của một đô thị, ở nhiều cấp độ quản lý - từ cấp hành chính phường tới cấp thành phố và cao hơn nữa. Nhu cầu nhân lực quản lý đô thị lớn và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, song khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhiều năm qua, tại nhiều cơ sở đào tạo trong nước, đa số các chương trình đào tạo quản lý đô thị được thiết kế dưới góc độ quản lý về quy hoạch xây dựng. Một số trường xếp quản lý đô thị là một chuyên ngành hẹp của khối ngành Quản trị kinh doanh… Những cách làm này chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện vì nó thể hiện sự thiếu logic trong việc xác định mục tiêu đào tạo và định hướng xây dựng chương trình. Trong khi đó, thế giới đã đi trước Việt Nam khoảng 30 năm về nghiên cứu và đào tạo về phát triển đô thị. Khoảng cách này không dễ thu hẹp, nếu như không nói tới nguy cơ có thể còn gia tăng, nếu nước ta không có những thay đổi kịp thời công tác nghiên cứu và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhân lực quy hoạch và quản lý đô thị được đào tạo ra nhìn chung đã phần nào đáp ứng được yêu cầu công tác phát triển đô thị hiện tại. Song, để có sự chuyển biến cơ bản gắn với chuyển đổi tư duy quản lý và phát triển đô thị, thì phải có những nhà quản lý được đào tạo bài bản theo chương trình đào tạo được xây dựng với tầm nhìn mới, nhận thức mới về quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự đan xen nhiều chiều của các yếu tố đa ngành tác động lên các thực thể đô thị. Cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa quản lý đô thị theo quy hoạchquản lý đô thị hướng tới phát triển.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng viện nghiên cứu định cư cho biết, quản lý phát triển đô thị Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là thông qua công tác quy hoạch tại các bộ: quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng giao thông/ cấp thoát nước/ năng lượng/ viễn thông/ hạ tầng xã hội, quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch tài nguyên, quy hoạch biển… khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển Quốc gia. Trong khi đó, đô thị là cơ thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động như kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống. Thực tế Việt Nam hiện nay đã có tới hai trung tâm vùng đô thị với dân số tới gần 10 triệu dân sinh sống như TP.HCM và Hà Nội đã làm cho yêu cầu về nhân lực liên ngành, đa ngành, tích hợp các mục tiêu càng nóng bỏng.

Đưa ra khái niệm “quản lý sự phát triển đô thị”, một khái niệm tuy không còn mới trên thế giới nhưng là rất mới mẻ ở Việt Nam, từ T9/2016, các chuyên gia đầu ngành liên quan đến vấn đề đô thị đã quy tụ tại ĐHQGHN và thành lập một tổ công tác tại Khoa Các khoa học liên ngành.

Tới nay, sau hơn 15 tháng làm việc, tổ công tác tổ chức hội thảo mang tên “Thực trạng quản lý đô thị và nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam” với nội dung tập trung vào 2 phần:

  1. Báo cáo kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý đô thị, thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam;
  2. Thông tin về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý phát triển đô thị, bao gồm khoá đào tạo thạc sĩ trong 2 năm và các khoá đào tạo ngắn hạn. 

Hội thảo sẽ diễn ra tại ĐHQGHN vào sáng thứ 6 (22/12/2017).

Mọi thông tin thêm về hội thảo vui lòng tham khảo tại: http://sis.vnu.edu.vn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top