Thị trường bất động sản năm 2024 vẫn tồn đọng nhiều khó khăn, bất cập với sự lệch pha cung - cầu, thiếu vắng nhà giá rẻ một cách trầm trọng. Bên cạnh đó, các yếu tố về điểm nghẽn pháp lý, dòng vốn tín dụng và niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm cũng khiến lượng giao dịch trên thị trường lao dốc.
Trong bức tranh xám xịt ấy, bất động sản công nghiệp vẫn liên tục nổi lên là điểm sáng từ đầu đến cuối năm với sự gia nhập của hàng loạt "đại bàng" lớn quốc tế. Đây cũng là phân khúc duy nhất ghi nhận mức giá tăng nhưng vẫn được đón nhận nhờ mức độ hoàn thiện theo hướng ngày càng hiện đại, thông minh.
Trong báo cáo thị trường bất động sản năm 2023 và dự báo thị trường năm 2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, bất động sản công nghiệp duy trì vị trí "đầu bảng" trong suốt cả năm 2023. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất kinh doanh mới của nhiều doanh nghiệp ngoại, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tiếp tục tăng trưởng bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Đáng chú ý, giá thuê đối với phân khúc này tăng khoảng 20% so với kỳ trước. Tại khu vực phía Nam, giá thuê trung bình khoảng 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tương đương tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương không ghi nhận biến động nào về giá do các khu công nghiệp sẵn có đều đã được lấp đầy với chu kỳ thuê dài hạn.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Đánh giá về xu hướng năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc. Việt Nam có nhiều động lực giúp thị trường này hứa hẹn khởi sắc trong năm 2024.
Vị chuyên gia dự báo nguồn cung năm 2024 sẽ duy trì đà tăng, đặc biệt là các khu công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thông minh cũng như chú trọng đến yếu tố "xanh hóa". "Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay", ông Đính cho hay.
Về vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế cũng tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Năm 2024, dự kiến vốn FDI khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ chiếm khoảng 45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Trong đó, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn vẫn dẫn đầu trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Về lực cầu, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó, các nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… sẽ là khách hàng tiềm năng của bất động sản khu công nghiệp Việt Nam.
Tương tự, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cũng dự báo, nhờ các ưu thế về tỷ lệ lấp đầy cũng như tiềm năng nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, giá thuê sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Nhận định về xu hướng trong tương lai, vị chuyên gia CBRE Việt Nam cho rằng phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục giữ vững phong độ thu hút nhà đầu tư.