Aa

Chuyên gia dự báo xu hướng chủ đạo của thị trường bất động sản 2019

Thứ Ba, 25/12/2018 - 00:00

Tại Hội thảo "Kịch bản bất động sản Việt Nam 2019 nhìn từ những xung lực mới" nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản 2019.

Thị trường bất động sản năm 2018 nhìn chung là tốt

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam duy trì được sự ổn định. "Thị trường sẽ kìm chế được sự bùng nổ về bong bóng bất động sản vì kiểm soát vĩ mô tốt hơn. Năm qua chúng ta đã làm rất tốt việc này", ông Thiên nói.

Trần Đình Thiên

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam nhìn chung là duy trì được sự ổn định.

Phân tích sâu hơn về thị trường bất động sản 2018, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 có thể tóm tắt qua các yếu tố: Thị trường phát triển ổn định, có sóng nhưng khá tốt; có hai sản phẩm có thể được coi là "hot" gồm nhà giao ngay và nhà giá thấp.

"Bên cạnh đó, thị trường có thể chia làm ba giai đoạn: Từ đầu năm đến giữa tháng 5, thị trường bất động sản gần chạm bong bóng; nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 9 thị trường bất động sản ở mức suy giảm không đóng băng; giai đoạn cuối của năm là hồi phục và có chiều hướng đi lên", ông Chung nói.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: “Năm qua, Chính phủ có những điều chỉnh về mặt chính sách, giúp thị trường bất động sản đi vào ổn định hơn, chất lượng hơn, lành mạnh hơn, cá biệt hóa cũng tốt hơn. Các chủ đầu tư đã thích nghi, ứng biến nhanh với thị trường, có nhiều điều chỉnh về sản phẩm. Điển hình như VinCity là sản phẩm mới cá biệt hóa mang lại sự sôi động và rất trúng khách. Co-working Space đã và đang phát triển với mức tăng 68% trong năm qua".

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng: "Năm 2018, Việt Nam kiểm soát được thị trường bất động sản, vốn, dòng đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào bất động sản vẫn tăng trưởng cao, khoảng 85.000 tỷ đồng. Thứ 2 là cho vay tiêu dùng vẫn cao chiếm khoảng 68.000 tỷ đồng. Thứ 3 đầu tư đất nền dư nợ tín dụng gần 42.000 tỷ đồng".

Thị trường bất động sản năm 2019 đan xen giữ thách thức và cơ hội

Nhận định thị trường năm 2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội.

“Do năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung, nên tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa cung cầu có thể dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp. Hiện phân khúc nhà ở xã hội năm vừa rồi chưa triển khai được nhiều do vướng mắc chính sách. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng từ 2019, việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án bất động sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn", ông Châu nhận định.

Trần Kiều Dung

Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (giữa).

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, thị trường 2019 vẫn có chiều hướng ổn định và gia tăng: "Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng, bởi năm 2019, chúng ta có sự đầu tư từ tích luỹ từ năm 2018 và sự gia tăng mạnh mẽ của các quỹ nước ngoài. Chẳng hạn như với FLC, chúng tôi đang nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ nước ngoài, họ đang đặc biệt quan tâm đến yếu tố pháp lý khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam".

Bà Dung cho rằng bên cạnh bất động sản thương mại thông thường, thì bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục sở hữu nhiều tiềm năng. "Chúng tôi đưa ra thị trường các dự án bất động sản nghỉ dưỡng thời gian vừa qua đã nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư là rất lớn. Thậm chí chúng tôi phải hạn chế bán ra", Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho hay.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam tại Hà Nội thì cho rằng, 2019 xu hướng thị trường bất động sản sẽ đi ngang nhiều hơn, tuy nhiên ông vẫn tỏ vẻ lạc quan về thị trường vì nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao.

“Tôi cho rằng bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô như thế nào, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ra sao... thì nhu cầu nhà ở của người Việt Nam vẫn rất cao. Vấn đề là các nhà đầu tư sẽ cung cấp những sản phẩm bất động sản như thế nào để phù hợp với nhu cầu của người mua. Tổng số căn hộ chung cư được cung cấp từ 2010 đến nay là 600.000 căn, trong đó Hà Nội hơn 200 căn. Với mẫu số trung bình giai đoạn này 80 triệu dân thì tỷ lệ đó là thấp. Điều đó cho thấy nhu cầu là có, quan trọng là nhà đầu tư hãy làm cho người tiêu dùng có khả năng chi trả. Thị trường sẽ vẫn nên tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư bất động sản sẽ phải đi ra xa hơn để thực hiện dự án".

Giám đốc JLL Việt Nam tại Hà Nội tin từ 2019 trở về sau, các đô thị khác ngoài thị trường truyền thống Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thì Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến. Việc đó sẽ làm các nhà đầu tư phân tán rủi ro mang tính địa lý.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, năm 2019, dự kiến thị trường tiếp tục có những chỉ số ổn định và có tăng trưởng tốt hơn. Bất động sản tiếp tục có sự phân bổ đều cho các phân khúc, trong đó tỷ lệ nhà giá rẻ sẽ có nhu cầu rất lớn (trên 80% dân có nhu cầu).

Tỏ thái độ cẩn trọng, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng có 3 điểm nghẽn của thị trường bất động sản năm 2018 sẽ kéo dài sang 2019, bao gồm:

Thứ nhất, xét về mặt thể chế, Việt Nam ngày càng hội nhập ngày càng rộng, sâu hơn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, việc mở rộng các nguồn cấp vốn là rất cần thiết và phải có thể chế cho nó, như việc tạo ra khuôn khổ thể chế về condotel, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ...

Thứ hai, năm 2018 và 2019, chúng ta chưa thấy bóng dáng của các chính sách tài chính với thị trường bất động sản. Đặc biệt quỹ tín thác là giải pháp có thể tốt nhất cho thị trường bất động sản nhưng chưa được thực hiện.

Thứ ba, các thành tố tham gia thị trường trong nước và nước ngoài, các bên liên quan cần tham gia nhiều hơn nữa. Chúng ta cần mở cửa, nhưng cần phải kiểm soát dòng tiền nước ngoài có thể được đổ vào nhiều. Năm 2018, chúng ta đã vận dụng được, nhưng 2019 phải trong tầm kiểm soát phù hợp", ông Chung nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top