Aa

Chuyên gia lo ngại “bom nợ” của doanh nghiệp FDI sau năm 2020

Thứ Tư, 24/10/2018 - 06:00

"Bom nợ" không đến từ khu vực trong nước mà từ hoạt động vay nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Công ty Vietnam Beverage đã vay khoản tiền lớn từ nước ngoài để mua cổ phần của Sabeco.

Công ty Vietnam Beverage đã vay khoản tiền lớn từ nước ngoài để mua cổ phần của Sabeco.

Hai vấn đề quan ngại hiện nay của nền kinh tế là vay nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng đột biến và xu hướng "tràn" vốn tín dụng từ thị trường bên ngoài vào Việt Nam qua kênh vay ngang hàng (P2P).

Nhìn vào con số 2,5 triệu tỷ đồng (49% GDP) là nợ nước ngoài của quốc gia được ghi nhận trong Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của Chính phủ, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) bày tỏ sự lo ngại của mình.

"Tôi rất sợ chúng ta sẽ phải đối mặt với 'quả bom nợ', nhưng không phải trong năm 2019 hay 2020 mà là sau năm 2020", ông Hoè nói. Vị chuyên gia cho rằng "bom nợ" không đến từ khu vực trong nước mà từ hoạt động vay nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Hoè phân tích, trong tổng nợ quốc gia năm 2017, nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả năm 2017 tăng tới 73% so với năm 2016. Trong đó, có khoản vay nước ngoài ngắn hạn của công ty Vietnam Beverage vay nước ngoài để mua cổ phần của Tổng công ty Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trị giá khoảng 5 tỷ USD, chiếm tới 1/4 tổng nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia.

"Việc tăng đột biến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng) khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP năm 2017 tăng lên 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong đó có phần đi vay của các doanh nghiệp Việt Nam trong các năm tiếp theo. Doanh nghiệp phần nào sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hoè nhấn mạnh.

Trong khi khả năng vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp trong nước bị "eo hẹp" lại, khả năng vay nợ từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng không dễ dàng. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đang ở mức 130% GDP.

Mối quan ngại thứ hai, theo ông Hoè là xu hướng P2P đang diễn ra mạnh mẽ gần đây khi nhu cầu tín dụng trên thị trường vẫn ở mức cao. "Liệu rằng đây có phải là việc 'tràn' cung tín dụng từ Trung Quốc sang Việt Nam?", ông Hoè đặt câu hỏi.

Hiện vẫn trong giai đoạn đầu nên theo ông Hoè chưa thể khẳng định xu thế song là hiện tượng cần được theo dõi bởi đây cũng là kênh tín dụng mới nhưng nảy sinh nhiều bất cập trong vấn đề thu hồi nợ.

P2P đang là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay, đây là một xu hướng mới đang phát triển một cách nhanh chóng khắp các thị trường trên thế giới nhất là trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

"Tôi đang lo ngại vấn đề này. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tràn vào, liệu chúng ta có lợi dụng được 4.0 hay không, nhất là trong bối cảnh còn có những chính sách quản lý của chúng ta không những chưa theo kịp mà còn trì trệ so với thực tế phát triển", ông Hoè nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top