Aa

Chuyên gia "mách nước" cho những nhà đầu tư bất động sản đang giữ tiền mặt

Chủ Nhật, 09/08/2020 - 13:29

Thực tế có khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) có tiền nhưng phân vân không biết bỏ tiền vào lúc này hay chờ đợi thêm.

Nhiều người cho rằng, với bối cảnh thị trường biến động, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì "tiền mặt là vua". Thế nhưng, với những NĐT gạo cội, giữ tiền không phải là phương án tốt. Họ vẫn tìm kênh trú ẩn ngay cả khi thị trường có chiều hướng đi xuống.

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư đều chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 thì NĐT cần tỉnh táo, thận trọng lựa chọn kênh đầu tư hợp lý, thậm chí phải chấp nhận những kênh đầu tư lời lãi ít để đảm bảo an toàn trong đầu tư.

Trả lời báo chí trước đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, với những NĐT có ý định đầu tư bất động sản thì cơ hội về cuối năm để mua bất động sản với giá hợp lý tốt hơn. Giữa 2 kênh đầu tư là chứng khoán và bất động sản thì chứng khoán dành cho những người ưa mạo hiểm, muốn tìm kênh đầu tư sinh lời cao. Trong khi đối với NĐT theo hướng an toàn thì vị chuyên gia này cho rằng, bất động sản vẫn là kênh được quan tâm. NĐT nên tìm hiểu kỹ thị trường, chờ cơ hội để mua được bất động sản giá tốt.

Cũng chia sẻ trên truyền thông trước đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, hầu hết các thị trường đang gặp khủng hoảng bởi dịch Covid-19 đã làm rớt giá nhiều tài sản như cổ phiếu, bất động sản… do đó, hiện tại nếu NĐT nào có lượng tiền mặt dự trữ lớn sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, NĐT cần nhạy bén quan sát, nghiên cứu kỹ thị trường để có thể mua được những tài sản tốt, tài sản có tiềm năng sinh lời cao khi dịch bệnh đi qua.

Ngoài ra, NĐT cần lưu ý, trong đầu tư thông thường có 3 mục tiêu chính là tính an toàn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản cao. Như vậy, trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, NĐT cần căn cứ hài hòa 3 mục tiêu chính đó để lựa chọn kênh đầu tư nào cho hợp lý. Đặc biệt, NĐT không nên đầu tư theo kiểu "bỏ tất cả trứng vào một giỏ", mà nên có sự tính toán phân bổ trong đầu tư. Khi thấy rủi ro tăng lên ở kênh nào, cần chuyển hướng đầu tư sang kênh khác có tính an toàn cao hơn.

Đối với kênh đầu tư bất động sản, vị chuyên gia này cho rằng, thị trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh, khiến thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, ứng với cơ hội của từng phân khúc khác nhau. Chẳng hạn như thị trường nhà ở vừa túi tiền, nhu cầu thực tế vẫn rất cao.

"Đối với kênh bất động sản, có một nguyên tắc trong đầu tư là "nóng sốt bán ra, trầm lắng gom vào", bởi vậy đối với những NĐT có nguồn tài chính lớn có thể cân nhắc đầu tư, nhưng để thành công đòi hỏi NĐT phải có khả năng, tư duy nhạy bén để nắm bắt được thị trường vào thời điểm "vàng"", ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup cũng từng chỉ bí quyết đầu tư bất động sản khi thị trường đi xuống. Theo đó, với số vốn nhỏ chỉ từ vài trăm triệu đến 1 - 2 tỷ đồng, theo vị Shark này những NĐT cá nhân nên tận dụng tối đa lợi thế của mình bằng cách: Đầu tư vào những khu vực mình sinh sống và quen thuộc nhất; đầu tư vào dự án đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro nhất có thể, cam kết ra hàng lại cho khách hàng.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý NĐT, trong những tháng cuối năm, thị trường bất động sản Việt Nam được cho là sẽ có 2 kịch bản:

Kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng GDP 2020 tăng từ 4,4 - 5,2%, các đối tác thương mại phục hồi, giá bất động sản không giảm. Loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà mặt phố giá trị cao, đất nền dự án. Loại hình bị ảnh hưởng ít nhất là bất động sản chung cư, nhà riêng để ở và đầu tư đất nền giá rẻ dưới 1 tỷ đồng.

Kịch bản 2, tốc độ GDP tăng từ 3,6 - 4,4%, quý 4/2020 đối tác thương mại phục hồi, giá bất động sản sẽ giảm nhẹ dưới 5%. Loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà mặt phố giá trị cao, đất nền dự án, đất nền. Loại hình bị ảnh hưởng ít nhất là chung cư bình dân, trung cấp và nhà riêng vừa túi tiền.

"Mặc dù vậy, dù theo kịch bản nào, thì nhà đầu tư BĐS cũng cần nắm vững quy luật và cập nhật tình hình mới nhất về thị trường để có cách xử trí "khôn ngoan", sinh lợi nhuận, nhất là khi trong tay không quá nhiều", ông Hưng khẳng định.

Theo ghi nhận, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong qua trình hồi phục nhanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Thế nhưng làn sóng thứ hai của dịch bùng phát trở lại một lần nữa đã đặt thị trường nhà đất những tháng cuối năm vào tình thế khó khăn hơn.

NĐT vốn đã có tâm lý lo lắng thì càng trở nên e dè "xuống tiền" hơn khi dịch đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Theo dự báo của các chuyên gia trước đó, sau khi được kiểm soát tốt thị trường bất động sản có khả năng hồi phục vào thời điểm cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Tuy nhiên, với tình hình dịch như hiện nay điều này là khó đoán.

Thế nhưng, rõ ràng, những NĐT có dòng tài chính tốt vẫn đang "khôn khéo" để xử lý với tiền của mình khi quan sát các kênh đầu tư.

Trước đó, ông Trần Kháng Quang, một chuyên gia bất động sản đã có những phân tích liên quan đến việc phân bổ dòng tiền lúc thị trường biến động. Theo vị chuyên gia này, NĐT cần có kế hoạch chia tài chính của mình ra. Ví dụ, có khoản tiền lớn, cần chia ra 5 phần, mỗi phần 20%. Nếu thấy bất động sản giá tốt, hợp lý thì bỏ ra 20% để mua vào. Cứ 1 tháng nếu có khả năng thì mua một lần, không nên sử dụng hết 100% tài chính đó để mua bất động sản một lúc. Đó là cách phân chia dòng tiền không bị rủi ro lúc thị trường biến động.

Ngoài ra, hiện nay thị trường bất động sản đang khó khăn, ai cũng nói "tiền mặt là vua". Nhưng với những NĐT, đặc biệt là NĐT tài chính thì tiền mặt không thể ngồi yên được. Hiện nay đang khá nhiều người để dành tiền, 90% muốn "bắt đáy" khi thị trường bất động sản khó khăn nhưng không phải NĐT nào cũng bắt được đáy thị trường. Tốt nhất, theo ông Quang, nếu bất động sản giảm giá hoặc giá hợp lý là mua. Chẳng hạn, nếu nó giảm từ 5 - 10% thì nên mua. Nhưng bỏ khoảng 30 - 50% tài chính để mua, nếu bất động sản đó tiếp tục giảm 15 - 20% thì dùng số tiền còn lại để mua vào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top