Aa

Nhà đầu tư bất động sản mắc kẹt vì dịch Covid-19

Chủ Nhật, 09/08/2020 - 10:00

Trong tình cảnh thua lỗ, nhà đầu tư cần cơ cấu lại danh mục, thậm chí bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng, tránh tình trạng mất thanh khoản dẫn đến phá sản, thua lỗ nặng hơn.

Nếu tài sản không dùng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn, chờ thời cơ.

Đầu tư bất động sản hay các lĩnh vực khác luôn có những rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 ập tới, nhà đầu tư bất động sản gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí nhiều người mắc kẹt không thoát được hàng, trong khi chi phí trả lãi ngân hàng cộng dồn ngày một nhiều.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản mắc kẹt vì dịch Covid-19
Nhiều nhà đầu tư bất động sản mắc kẹt vì dịch Covid-19

Nhà đầu tư mắc kẹt

Chưa thoát được hàng qua làn sóng Covid-19 thứ nhất, anh Kiên - trú tại Nam Đồng, Đống Đa (Hà Nội) tiếp tục mắc kẹt vì làn sóng Covid-19 thứ hai.

Theo đó, cứ ngỡ dịch sẽ khó quay trở lại khi gần 100 ngày cả nước không có ca mắc trong cộng đồng, anh Kiên vui mừng vì bán sang tay được một căn hộ chung cư ở Cầu Giấy mắc kẹt khá lâu. Tuy nhiên, anh còn một số căn chung cư và mấy mảnh đất nền tại dự án ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên vẫn nằm im "bất động".

Anh Kiên như "ngồi trên đống lửa" khi lãi suất ngân hàng lúc vay thời điểm đầu tư khá cao, nay không thoát được hàng. Nếu bán được cũng cầm chắc lỗ, nhưng nếu không thoát được hàng thì có lẽ anh mất cả 1 - 2 căn hộ.

Chị Trần Thị Hằng - trú tại Ecopark cũng trong cảnh tương tự khi còn 2 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Bình Thuận và Phú Yên bị mắc kẹt từ trong làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất. Sau khi hết làn sóng thứ nhất, chị đã nhanh chóng nhờ các sàn giao dịch tại khu vực đó đẩy hàng nhưng không thể. Nhiều nhà đầu tư lo ngại không dám "xuống tiền" khi dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, khách nước ngoài chưa có, khách trong nước vẫn còn dè chừng…

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, đại diện Công ty Bất động sản Phúc Tài (Bắc Ninh) cho hay, mặc dù đất ở Bắc Ninh vẫn có tiềm năng rất lớn, nhưng trong giai đoạn dịch, nhiều đối tác làm ăn từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc chưa thể sang Việt Nam được, nên nhiều làng nghề ở Bắc Ninh đang trong cảnh đìu hiu, đất nền dự án vẫn có giao dịch lác đác nhưng không sôi động. Một số chủ hàng vay tiền làm ăn thua lỗ cũng muốn bán đất để trả nợ nhưng khó thoát hàng.

Tình cảnh này cũng tương tự ở Bình Thuận, Ninh Thuận hay Nha Trang (Khánh Hoà), khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai ập đến, nhiều sàn giao dịch vắng lặng, đìu hiu. Trước đó, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong làn sóng dịch lần thứ nhất có tới 80% sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ ra hàng và giao dịch của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Savills Việt Nam cho thấy, hoạt động của ngành này kém nhất từ trước đến nay do chính sách giãn cách xã hội. Công suất phòng lao dốc 32% theo năm, giá phòng trung bình giảm 21% theo quý. Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.

Thận trọng, tránh mất thanh khoản

Trước đó, chia sẻ với PV, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho rằng, đây không phải là thời điểm khách hàng mua bất động sản "lướt sóng" có lãi, chuyện này đã xảy ra cách đây 10 năm. Hiện nay, mua chung cư là nhu cầu thực hoặc để cho thuê.

Đối với đất nền, theo ông Hưng, có thể "lướt nhanh", nếu không "lướt" được thì có thể tồn hàng chục năm. Trong trường hợp này, nhà đầu tư không thoát được hàng cũng cần bình tĩnh. Bởi đầu tư đất nền phải dài hạn, khi xong hạ tầng, dân cư đến ở thì mới có hiệu quả. Vì vậy, nhà đầu tư đất nền phải xác định đầu tư dài hạn, không bị áp lực tài chính. Nếu dùng đòn bẩy tài chính trong 10 năm sẽ thiệt hại vô cùng.

Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, chuyên gia bất động sản nhìn nhận, câu chuyện đầu tư mua nhà "lướt sóng" xảy ra cách đây 10 - 15 năm trước, đó là giai đoạn đầu tiên của bất động sản. Ngày nay, thị trường phát triển nhanh, minh bạch, hầu như đều có khung giá chuẩn, sản phẩm bất động sản phải nhìn đầu tư trung hạn và dài hạn.

“Riêng về đầu tư chung cư, nếu đầu tư "lướt sóng" thì thận trọng, còn đầu tư cho thuê thì phải học... đầu tư”, ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, đầu tư bất động sản không thể "lướt sóng" được, nhất là đất nền các tỉnh. Còn đất nền biệt thự nghỉ dưỡng, là kênh đầu tư tốt nhất, nhưng phải đầu tư trung và dài hạn.

Theo một số chuyên gia kinh tế, giải pháp cho các nhà đầu tư "lướt sóng" đang mắc kẹt lúc này là cơ cấu lại nguồn vốn và nợ ở mức hợp lý. Tránh sử dụng đòn cân nợ (tỷ lệ nợ trên tổng tài sản) lớn; đòn cân nợ lý tưởng ở mức 30%.

Ngoài ra, các nhà đầu tư "lướt sóng" nếu lỡ mắc kẹt có thể tiến hành các bước đàm phán giãn, hoãn, giảm nợ hoặc miễn nợ nếu xét thấy vẫn còn cơ hội giữ lại tài sản.

Bước cuối cùng, dù đắt hay rẻ, nếu phải sử dụng nợ vay lớn, nhà đầu tư vốn nhỏ phải mạnh dạn bán tài sản để trả nợ, tránh tình trạng mất thanh khoản dẫn đến phá sản, thua lỗ nặng hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top