Thời gian gần đây, hoạt động livestream bán bất động sản trên Facebook, YouTube, TikTok… liên tục thu hút hàng chục nghìn lượt xem và bình luận sôi động. Không còn là mô hình chỉ dành cho thời trang hay mỹ phẩm, livestream bất động sản đã trở thành “cuộc chơi” của cả những chủ đầu tư lớn lẫn hàng nghìn môi giới cá nhân.
Với loại hình này, nhiều người cho rằng đó là cách tiếp cận khá mới mẻ và đi theo xu hướng của Gen Z - Khi mà gần như mọi hoạt động mua bán đang diễn ra trên không gian mạng. Tuy nhiên, cũng có người phản bác, với một loại hình giá trị lớn như nhà cửa không thể đặt ngang hàng với một lọ mỹ phẩm.
Để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có những trao đổi trực diện mọi khía cạnh với ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – Một chuyên gia am hiểu sâu sắc những diễn biến trên thị trường và các hoạt động mua bán bất động sản để nhìn nhận rõ hơn cơ hội, rủi ro và những giới hạn pháp lý của hình thức bán hàng qua livestream.

Ranh giới lớn giữa quảng bá và giao dịch
Với kinh nghiệm trong ngành BĐS. Ông đánh giá như thế nào về sự bùng nổ của hình thức livestream bán BĐS trong thời gian gần đây? Đây có phải là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, hay chỉ là hiện tượng nhất thời mang tính trào lưu?
Livestream BĐS thực chất là một bước tiến tất yếu trong bối cảnh công nghệ số len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống. Với các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh, đặc biệt là TikTok, Facebook, YouTube… người bán giờ đây không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian như phương thức truyền thống.
Tôi nhận thấy ưu điểm lớn nhất của hình thức này là khả năng tương tác ngay lập tức vì livestream giúp giải đáp thắc mắc của khách hàng ngay tại chỗ, từ vị trí dự án, tiến độ xây dựng, hình ảnh... thay vì phải chờ đợi email hay cuộc gọi trả lời sau.
Có những buổi livestream chỉ trong một giờ phát sóng, kênh của chủ đầu tư đã nhận được hàng trăm lượt đặt câu hỏi, bình luận và hàng chục cuộc hẹn thăm quan thực tế. Sự bùng nổ này phản ánh xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang kênh số trong giai đoạn thương mại điện tử bùng nổ.
Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một phương tiện để bán hàng. Ví dụ một thời điểm nào đó xuất hiện một cách thức bán hàng khác hay hơn thì lại chuyển đổi và có thể lúc đó livestream lại lỗi thời hay thậm chí là lạc hậu.
Như vậy, hình thức bán hàng mới này có thể gọi là theo xu hướng của thị trường?
Theo quan điểm của tôi, livestream là một trong những hình thức bán hàng tạo ra sự tương tác nhanh nhất giữa người bán và khách hàng. Nhờ vào tính trực quan, sinh động và khả năng kết nối tức thì, hình thức này giúp chúng ta truyền tải thông tin sản phẩm, đặc điểm dự án cũng như không khí bán hàng một cách hiệu quả và linh hoạt. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao, livestream có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ nếu được đầu tư bài bản và thực hiện đúng cách.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là hình thức phù hợp với tất cả các phân khúc bất động sản. Ví dụ, với những dự án cao cấp hoặc sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng thượng lưu, họ thường có xu hướng tìm hiểu kỹ, yêu cầu tính riêng tư và sự tinh tế trong trải nghiệm mua bán. Trong những trường hợp đó, chúng tôi – những người làm bán hàng – có thể lựa chọn cách tiếp cận khác.
Ngược lại, ở những phân khúc phổ thông hơn – chẳng hạn các dự án dành cho người mua ở thực, sản phẩm có mức giá dễ tiếp cận – thì livestream lại phát huy rất tốt thế mạnh. Những khách hàng trong phân khúc này thường quan tâm đến tính tiện lợi, cập nhật nhanh và sự minh bạch. Livestream giúp họ tiếp cận thông tin một cách sinh động, dễ hiểu và gần gũi. Tựu chung, tuỳ thuộc vào từng đơn vị bán hàng chọn các hình thức tiếp cận khách hàng khác nhau.

Gần đây một số doanh nghiệp như Sunshine, C-Holding hay Quốc Cường Gia Lai... đã sử dụng phương thức bán hàng này, vậy ông có nhận định gì về hành vi và cách tiếp cận thị trường của họ?
Việc các doanh nghiệp lớn như Sunshine Group, Quốc Cường Gia Lai hay nhiều chủ đầu tư khác lựa chọn livestream như một kênh phân phối sản phẩm thực chất là một hình thức quảng bá để tiếp cận khách hàng nhanh hơn. Trên thực tế, họ có thể áp dụng hàng chục phương pháp bán hàng khác nhau, từ truyền thống đến trực tuyến, và livestream chỉ là một trong số đó – chứ không phải phương thức duy nhất.
Tôi thấy rằng hiện nay, rất nhiều loại hàng hóa – từ thực phẩm, mỹ phẩm đến đồ gia dụng – đều đang được livestream để giới thiệu và bán. Vì thế, việc bất động sản xuất hiện trên sóng livestream không còn là điều gì quá đặc biệt, mà đã trở thành một xu hướng phổ cập. Tuy nhiên, dù có thể tạo hiệu ứng truyền thông tốt, thì hiệu quả thực sự về mặt thương mại của livestream bất động sản vẫn còn là điều cần được kiểm chứng thêm.
Nhiều tiktoker là môi giới cá nhân, gia nhập vào thị trường bán BĐS rất ồ ạt. Tuy nhiên, ít người trong số họ chứng minh có nghiệp vụ chuyên môn trong các buổi livestream. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định của thị trường?
Theo quy định hiện hành trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các cá nhân hành nghề môi giới bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và phải trực thuộc một tổ chức hoặc đơn vị được cấp phép. Khi làm việc trong khuôn khổ tổ chức, môi giới sẽ được ràng buộc bởi hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ — không chỉ nhằm đảm bảo tính pháp lý mà còn bảo vệ hình ảnh và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, mọi phát ngôn, hành vi, hay cách thức tiếp cận khách hàng của môi giới đều được kiểm soát, định hướng nhằm tránh gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và người tiêu dùng.
Đối với những môi giới tự do thì khó kiểm soát được thông tin họ đưa ra mà thuộc về cá nhân. Họ phải chịu trách nhiệm cho lời nói, hình ảnh mà họ trình bày.
Tuy nhiên, môi giới có chứng chỉ hay không qua một phiên livestream giới thiệu về BĐS cũng chỉ mang tính chất thông tin về sản phẩm, còn đâu khách hàng quan tâm đến BĐS đó thì phải tìm hiểu về các vấn đề pháp lý chính thống. Có thể gọi livestream là phương tiện tiếp cận ban đầu.
Theo ông, hình thức mua bán này rủi ro lớn nhất đến đến từ đâu và nếu rủi ro thì vai trò của cơ quan quản lý như thế nào?
Trong giao dịch BĐS không có quy định nào về hình thức giao dịch qua livestream. Các cơ quan quản lý cũng không quản lý người livestream, cá nhân nào thực hiện thì phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.
Tuy nhiên, BĐS là tài sản lớn vì vậy vấn đề đề pháp lý bao giờ cũng là điều đầu tiên bất cứ người có nhu cầu ở thật hoặc nhà đầu tư đều phải tìm hiểu kỹ qua các đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ chứ không phải chỉ có thể qua một phiên livestream có thể quyết định.
Thành ra câu chuyện livestream nó chỉ mang tính chất quảng bá. Những người quan tâm qua livestream có cơ hội để tìm hiểu, trao đổi thông tin, còn giao dịch thật phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hiện nay, một số tiktoker livestream và yêu cầu người xem đặt cọc để đi xem nhà. Ông có lời khuyên nào dành cho người mua nhà khi tiếp cận các buổi livestream mua bán. Cần trang bị những gì để tránh rủi ro và lựa chọn đúng một ngôi nhà tốt?
Câu chuyện người mua/khách hàng tiếp xúc qua trao đổi với những môi giới qua livestream quyết định việc đặt cọc hay một điều kiện nào khác chúng ta không thể chắc chắn giấy tờ cung cấp qua livestream chuẩn xác hay không.
Chúng ta cần hiểu rằng nhà cửa không phải là món hàng tiêu dùng đơn giản. Quyết định mua phải dựa trên các cơ sở pháp lý rõ ràng, có thời gian xem xét cẩn trọng. Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh đẹp, lời nói hấp dẫn mà xuống tiền ngay, thì rủi ro là rất lớn.
Vì vậy nếu đặt cọc thì phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định. Người mua cần trang bị kiến thức pháp lý tối thiểu khi xem livestream bất động sản. Việc "chốt đơn" bất động sản không nên diễn ra nhanh như khi mua một chiếc váy hay đôi giày. Phải có bước đi kiểm tra, xác minh, rà soát đầy đủ trước khi xuống tiền. Khi chưa kiểm tra được thông tin qua livestream thì người mua không nên vội vàng.