Aa

Chuyên gia Nguyễn Phú Đức: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng"

Thứ Hai, 16/04/2018 - 06:00

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Phú Đức cho rằng, trong du lịch đừng để người thắng, người thua mà cần phải thắp lên hòa bình hữu nghị để cuộc sống ngày càng tốt hơn cho tất cả mọi người. Và vì thế, khi ứng xử với khách du lịch Trung Quốc, ta càng cần phải hiểu văn hoá của họ.

Năm 2017, du lịch Việt Nam đã ghi nhận một con số ấn tượng về lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 12,9 triệu lượt. Trong đó, khách Trung Quốc có tỷ lệ lớn nhất, với trên 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30%. Nói cách khác, cứ 10 khách đến Việt Nam trong năm qua thì có 3 người từ Trung Quốc. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong tháng 12/2017, Việt Nam đã đón 414.000 khách Trung Quốc, tăng gần gấp đôi tháng 12/2016.

Lẽ thường trong du lịch, khách tăng, ai cũng mừng nhưng với khách Trung Quốc thì ngược lại. Không ít người cảm thấy băn khoăn vì những lý do: khách Trung Quốc ồn ào, quậy phá, thô lỗ,… và kéo theo đó sẽ dẫn đến những sức ép về hạ tầng, dịch vụ, mất cân đối thị trường. Cá biệt có nhà hàng từng treo bảng: “Không tiếp khách Trung Quốc”.

Vậy "làn sóng" khách Trung Quốc tác động đến ngành du lịch Việt Nam như thế nào và trước mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần phải có cách nhìn nhận, ứng xử cũng như những chính sách gì? Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia du lịch, kinh tế và bất động sản xoay quanh vấn đề này.

Bài viết đầu tiên, xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Phú Đức, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam để có cái nhìn toàn cảnh nhất về câu chuyện.

PV: Thưa ông, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đón hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc hơn 4 triệu lượt (chiếm gần 31% lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Ông đánh giá thế nào về con số này?

Ông Nguyễn Phú Đức: Năm 2017, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng rất ấn tượng, đạt gần 13 triệu lượt khách. Đó là tin vui, được đánh giá cao. Thành quả này là công sức của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều thế hệ, trước hết là của cộng đồng hoạt động du lịch mà hạt nhân là các doanh nghiệp du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch thể hiện ở thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch, chỉ tiêu này là đáp số của lượng khách, chi tiêu của khách và thời gian lưu trú. Như vậy, lượng khách đến rất quan trọng, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm để kéo khách từ các thị trường có chi tiêu lớn và tour dài ngày.

Chúng ta không phân biệt đối xử với khách du lịch. Khách Trung Quốc năm qua tăng mạnh là điều rất đáng mừng.

PV: Khách du lịch tăng tất nhiên là một tin vui, nhưng kéo theo đó là trách nhiệm quản lý cũng đè nặng lên vai ngành du lịch. Đặc biệt là trong thời gian qua, những thông tin không mấy vui vẻ về khách du lịch và hướng dẫn viên Trung Quốc tại Việt Nam xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông. Vậy theo ông, trước tình trạng này, du lịch Việt cần ứng xử thế nào?

Ông Nguyễn Phú Đức: Trước hết, chúng ta không nên gộp chung các hành vi thiếu văn hóa của từng khách du lịch vào cụm từ “khách Trung Quốc”. Nói vậy là thiếu tôn trọng những sứ giả hòa bình ẩn chứa trong những khách du lịch chân chính. Du lịch mang một sứ mệnh lớn là hòa bình, hữu nghị, đưa con người lại gần nhau trong tình đoàn kết và bác ái.

Trong cộng đồng, bao giờ cũng có người tốt, người xấu, hành vi tốt, hành vi xấu, tôi cũng có nghe được nhiều hành vi phản cảm của khách Trung Quốc. Tất nhiên, những hành vi xâm phạm đến trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng xấu đến người khác nhất thiết phải được ngăn chặn, nhắc nhở, thậm chí phạt hành chính. Trách nhiệm này trước hết thuộc các công ty lữ hành đón khách, đơn vị quản lý sản phẩm du lịch và chính quyền sở tại. Chúng ta cần xử lý nghiêm với một bộ phận khách du lịch Trung Quốc có hành vi phản cảm nhưng phải đường hoàng và văn minh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản ở địa phương cần đưa ra các chính sách hướng dẫn về giữ gìn trật tự, văn hóa nơi công cộng. Song song đó, các đơn vị tổ chức du lịch, khách sạn và cả hướng dẫn viên du lịch cũng đưa ra các tiêu chí ứng xử cho khách Trung Quốc. Điều quan trọng là các tiêu chí không chỉ dành riêng cho khách Trung Quốc mà cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, như vậy mới công bằng. Nếu một số hướng dẫn chỉ nhắm vào du khách Trung Quốc, chẳng hạn chỉ viết bằng tiếng Trung Hoa mà không dịch thuật ra tiếng Anh, có thể sẽ tạo ra sự phản cảm từ phía khách du lịch, và dẫn đến sự tẩy chay của khách Trung Quốc hay không muốn trở lại Việt Nam.

Một điều nữa là cần đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cấp các khách sạn, phương tiện di chuyển để đón khách du lịch không chỉ Trung Quốc mà còn các quốc gia khác. Chúng ta không thể đòi hỏi khách du lịch có ý thức vệ sinh và ứng xử tốt trong khi cung cấp cho họ cơ sở hạ tầng kém, chính khách sạn của chúng ta nhếch nhác, thiếu vệ sinh, và người phục vụ của chúng ta thiếu tư cách, không chuyên nghiệp.  

PV: Như ông nói, trong cộng đồng, bao giờ cũng có người tốt, người xấu, hành vi tốt, hành vi xấu, nhưng thực tế, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã gây ra một số hệ lụy khó lường như: gây rối, đốt tiền Việt, hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, địa lý của Việt Nam...?

Ông Nguyễn Phú Đức: 
Đây là những hành vi phạm pháp xâm phạm an ninh và chủ quyền Việt Nam, cố tình gây rối cần phải được xử lý nghiêm túc. Những hành vi đó vượt quá giới hạn của khách du lịch. Tôi nghĩ rằng nên loại họ ra khỏi danh sách khách du lịch. Họ là những người lợi dụng khách du lịch để đạt được mục đích khác, không đáng được tôn trọng. Những điều đó không phải là vấn đề tồn tại mà là hiện tượng mới xuất hiện thuộc phạm trù an ninh xã hội, chủ quyền quốc gia, cần phải khẩn trương loại bỏ. Những hành vi này không phải xảy ra trên toàn quốc mà chỉ ở một số địa phương, do đó, các công ty lữ hành cần phải quản lý chặt chẽ đoàn khách, không để hiện tượng bỏ đoàn tự do, hướng dẫn viên trá hình chỉ biết đưa khách vào còn khách làm gì tại Việt Nam thì không biết.

Các cơ quan chức năng địa phương cần phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm. Cùng với đó, cộng đồng cư dân điểm đến phải nâng cao cảnh giác, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch. Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu toàn diện những hiện tượng phạm pháp của khách du lịch Trung Quốc và làm việc thẳng thắn với Tổng cục Du lịch Trung Quốc. 

PV: Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia có tiếng về du lịch như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật cũng phải đau đầu ngăn chặn các hành vi xấu của du khách Trung Quốc như mất vệ sinh, mất trật tự nơi công cộng… Thay vì trừng phạt thì họ có chính sách quản lý người Trung Quốc theo hướng điều tiết hành vi ví dụ in sách bằng tiếng Trung... Vậy Việt Nam mình có áp dụng cách ứng xử của nước khác vào được không, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Đức: 
Không có một khuôn mẫu nào để áp dụng chỗ này vào chỗ kia song cái gì hay của nước bạn mà phù hợp với điều kiện của Việt Nam thì ta nên áp dụng. Về du lịch, các nước bạn đi trước đất nước mình, vì vậy họ có nhiều cái hay đáng để chúng ta nghiên cứu và áp dụng.

Thông tin, tuyên truyền quảng bá và xúc tiến là bước khởi đầu rất quan trọng, với thị trường Trung Quốc, du lịch Việt Nam rất coi trọng và liên tục làm công tác xúc tiến và quảng bá. Những con số ấn tượng của ngày hôm nay không phải ngẫu nhiên mà có, đó là kết quả của cả quá trình Tổng cục Du lịch đã xây dựng nhiều năm.
 
Với một bộ phận lớn du khách là người Trung Quốc chưa từng đặt chân ra nước ngoài, chưa am hiểu văn hoá sở tại, hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ bản địa hay nói tiếng Anh, việc nhóm khách này gây ra nhiều phiền toái là điều không thể tránh khỏi. Ngành du lịch cần có nhiều tài liệu bằng tiếng Trung và hướng dẫn viên bằng tiếng Trung để họ hiểu văn hóa của nước mình. Những sự chuẩn bị chu đáo như vậy chắc chắn sẽ giúp du khách Trung Quốc hiểu được quy tắc ứng xử ở nơi đến, ngăn chặn phần nào vi phạm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và nhạy cảm văn hoá. Khi làm tốt nhiệm vụ này, “không biết quy định” sẽ không còn là lý do biện minh cho những vi phạm nữa.
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 PV: Thị trường du lịch đã xuất hiện những "tour 0 đồng" từ các công ty lữ hành Trung Quốc. Và vì thế nhiều người lo ngại, khách đến nhiều nhưng chẳng thu được bao nhiêu cho du lịch Việt?
 
Ông Nguyễn Phú Đức: Tôi có đọc một số bài báo viết về tour 0 đồng theo nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cách đây 10 năm trước, khi làm việc với khối ASEAN, tour 0 đồng được hiểu là lữ hành. Tour 0 đồng là phương thức kinh doanh lữ hành mới, chuyển việc thu chi phí dịch vụ từ khách sang thu gián tiếp thông qua các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch. Nghĩa là khách không phải trả tiền cho dịch vụ lữ hành. Công ty sẽ lấy tiền từ các cơ sở đón khách du lịch. Chẳng hạn khách sạn phải trả tiền cho công ty lữ hành đưa khách đến, tương tự vận chuyển, ăn uống, mua sắm… đơn giản là lữ hành ăn tiền dẫn khách. Vậy tour 0 đồng không có nghĩa là không phải trả tiền đi du lịch, chẳng qua là thay đổi cách thu mà thôi.

Theo tôi, muốn vận hành tốt tour 0 đồng cần phải:

Một là chính sách Nhà nước phải có hiệu lực cao, điều tiết lợi ích trong cộng đồng du lịch, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.

Hai là công ty lữ hành và các dịch vụ cung ứng du lịch phải phối hợp chặt chẽ, giữ chữ tín. Các điểm dừng để ăn, nghỉ, mua hàng, tham quan… đều phải được đưa vào chương trình du lịch, phải minh bạch và khách quan.

Ba là điều hành tour giống như một hệ thống thông suốt bao gồm cả khách và nhà cung ứng, không để xảy ra lỗi hệ thống. Điều này đòi hỏi tính chuyên nghiệp và tính tổ chức cao.

Bốn là đảm bảo các yêu cầu của tour du lịch bình thường.

PV: Thị trường khách du lịch Trung Quốc là thị trường nhạy cảm, dễ chịu tác động của biến động chính trị, quan hệ đối ngoại và tình hình thế giới, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sụt giảm nhanh đột ngột như đã từng xảy ra tại một số thời điểm. Tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc đối với các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở dịch vụ có thể dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Vậy, theo ông, ngành du lịch cần làm gì để không bị động trước tình trạng này?

Ông Nguyễn Phú Đức: Du lịch là một trong những hoạt động nhạy cảm. Nó đòi hòi cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đối với du khách Trung Quốc thì cũng vậy thôi, vấn đề mà bạn nói là rất lớn. Du lịch Việt Nam đã phải giải quyết hàng chục năm nay. Xong việc này thì việc khác lại xuất hiện. Tốt nhất là nên bàn vào từng việc cụ thể. Còn nhìn tổng thể và giải pháp cơ bản thì phải phân định cho từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch.
 
Trước hết là chính quyền các cấp ở Việt Nam, đặc biệt chính quyền cấp trung ương cần có quan hệ chặt chẽ với chính quyền trung ương Trung Quốc. Khi xuất hiện những tín hiệu bất trắc thì cần xử lý ngay trên tinh thần hợp tác, hữu nghị đôi bên cùng có lợi theo nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ở địa phương phải thông thoáng nhưng đảm bảo vững chắc an ninh, an toàn xã hội, nghiêm túc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ nữa, chúng ta phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường vai trò quản lý các doanh nghiệp để làm sao đảm bảo được chất lượng, dịch vụ, đảm bảo du khách quốc tế đến Việt Nam không bị phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo được chất lượng, hình ảnh và uy tín của ngành du lịch chúng ta. Tôi nghĩ, cần phải biết cách sàng lọc khách Trung Quốc bằng cách ngành du lịch phối hợp với thanh tra thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn những lượng khách núp bóng khách du lịch sang Việt Nam để đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực khác nhau.

Thứ hai là các công ty du lịch cũng cần phải xem xét lại công ty của mình và công ty của họ xem đã làm đúng trách nhiệm chưa, ngành du lịch cần phải xem lại hoạt động tổ chức, kinh doanh của mình như thế nào để có cách quản lý phù hợp.

Thứ ba là phải xem các điểm du lịch ở các nơi có khách Trung Quốc đến và cách ứng xử của ngành du lịch nước mình, quản lý chặt chẽ các đoàn khách, có ý thức về an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế, không nên quá nặng nề lợi ích kinh tế mà bỏ qua các vấn đề khác.

Cộng đồng địa phương phải nghiên cứu rất kỹ lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam để bàn bạc, xem xét và đưa ra các chính sách phù hợp. Tất cả những câu chuyện này phải có kế hoạch, phương án dự phòng cụ thể. Cùng với sự thân thiện, hiếu khách cần phải nâng cao cảnh giác đối với hành vi xấu, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện cố ý gây rối xã hội, không tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, lượng khách Trung Quốc đến thì mình phải có cách ứng xử với người Trung Quốc thâm thúy để xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam. Chúng ta phải hiểu văn hóa của họ để ứng xử cho đúng, phải tôn trọng họ, đối xử bình đẳng với họ như khách du lịch ở các nước khác, còn những kẻ lợi dụng đi du lịch để làm các việc xấu cần nghiêm khắc trừng trị.

Tôi xin nhắc lại, cái gì cũng có thể xảy ra và chẳng có gì đáng ngại nếu chúng ta chủ động, không rơi vào thế bị động. Chủ động, biết người biết ta thì "trăm trận trăm thắng". Trong du lịch đừng để người thắng, người thua mà cần phải thắp trong hòa bình hữu nghị với cuộc sống ngày càng tốt hơn cho tất cả mọi người.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Bất động sản nghỉ dưỡng chưa được hưởng lợi"

(Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Nha Trang)

Du lịch càng phát triển, bất động sản nghỉ dưỡng càng hưởng lợi. Sự thành công của du lịch chính là đòn bẩy để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Lượng khách Trung Quốc tăng là một tin vui, đó sẽ là cơ hội hấp dẫn cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Nhưng nó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế thì khách du lịch Trung Quốc tăng khiến nhiều người lo lắng bởi sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường cho ngành du lịch Việt, nhiều doanh nghiệp đề nghị sớm có chiến lược kiểm soát du lịch khi du khách Trung Quốc tăng đột biến. Nói về nguồn thu từ khách Trung Quốc cho bất động sản nghỉ dưỡng thì tôi nghĩ là không có bởi đi theo tour giá rẻ thì họ chỉ ở phân khúc bình dân.

Theo quan điểm của riêng tôi, Việt Nam cần có chiến lược kiểm soát du lịch đối với lượng khách đang liên tục tăng nhanh này, đặc biệt các doanh nghiệp về du lịch hoặc bất động sản nghỉ dưỡng nên bàn bạc để có sự điều chỉnh kịp thời trong khai thác du khách Trung Quốc. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top