Đã cận kề thời điểm hết hiệu lực chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha nhưng vẫn chưa có động thái rõ ràng nào cho thấy chính sách này sẽ được tiếp tục nữa hay không.
Một vài ý kiến cho rằng, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt trong thời gian gần đây thì không cần gia hạn chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu. Nếu chỉ nhìn bề ngoài con số 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2016 và tăng lên 12,9 triệu năm 2017 thì quả thực đáng mừng. Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh đối với du khách quốc tế khi đón 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng nếu phân tích sâu cơ cấu thị trường khách quốc tế thì ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng cảm thấy lo lắng. Tỷ lệ khách đến từ châu Á chiếm tới 74% trong tổng lượng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay, trong đó hơn 51% đến từ hai thị trường nhạy cảm là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sở dĩ gọi là “nhạy cảm” vì ông Quỳnh cho rằng, khách Hàn Quốc thường đi du lịch theo xu hướng, họ ồ ạt đến một điểm đến rồi nhanh chóng chuyển sang điểm đến khác. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhưng kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, khi nảy sinh các vấn đề nhạy cảm, khách du lịch Trung Quốc không đến nữa thì ngành du lịch những nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, việc phát triển các thị trường khách du lịch ngoài châu Á sẽ giảm lệ thuộc quá lớn vào hai thị trường này, từ đó tạo thế phát triển cân bằng và bền vững. Một số thị trường ngoài châu Á, đặc biệt là khách châu Âu là những thị trường chất lượng, du khách thường đi nghỉ dài ngày, có mức chi tiêu cao và quan tâm gìn giữ môi trường.
Trong mắt ông Phạm Hà, Giám đốc hãng lữ hành Luxury Travel, Việt Nam có đủ sức hấp dẫn đối với khách du lịch từ châu Âu nhưng còn tồn tại nhiều cản trở du khách châu Âu đến Việt Nam như thiếu đường bay thẳng, quảng bá yếu kém. Những điều kiện này đã thiếu nên nếu thêm gánh nặng chi phí và thời gian làm thủ tục thị thực thì sẽ khiến du khách từ những nước này nản lòng không muốn đến Việt Nam.
Chính vì thế, việc Chính phủ miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha trong 3 năm qua được những người làm du lịch như ông Hà đánh giá cao.
Theo ông Hà, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam cộng thêm chính sách miễn thị thực này đã khiến du khách từ những nước này vượt qua các rào cản như đi lại khó khăn để đến Việt Nam du lịch.
Bằng chứng là lượng du khách từ những nước này tăng liên tục trong 3 năm qua. Cụ thể, tổng lượng du khách từ 5 nước này đến Việt Nam nằm 2015 là 658.656 lượt thì năm ngoái đã tăng lên 866.617 lượt.
Các chuyên gia thuộc Nhóm công tác du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng du khách từ các thị trường tiềm năng xa như Tây Âu hoặc Bắc Âu thường có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến khách nhau trong một chuyến đi. Ví dụ, du khách đến từ châu Âu và Mỹ khi đến thăm Campuchia, Thái Lan và Malaysia thường cũng muốn đến thăm Việt Nam.
“Nếu miễn thị thực thì Việt Nam có thể tăng được lượng khách đến vào những phút cuối hoặc thu hút khách đã đến các nước lân cận ghé thăm Việt Nam”, ông Hà nhận xét thêm.
Trên thực tế, thủ tục thị thực đối với khách du lịch vào Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có những tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc cấp thị thực điện tử cho 46 nước. Tuy nhiên, thị thực điện tử vẫn tốn thời gian và chi phí, trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… lại miễn thị thực cho rất nhiều nước.
Cụ thể, trong khi Việt Nam miễn thị thực cho 23 nước thì Indonesia miễn cho 169 nước, Malaysia 164 nước, Phillipines 160 nước, Singapore 160 nước và Thái Lan 58 nước (Theo tài liệu của Hội đồng tư vấn Du lịch tháng 7/2017). Trong bối cảnh đó, thủ tục thị thực bất tiện có thể làm cho du khách từ bỏ ý muốn đến thăm Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, chính sách thị thực nhập cảnh có tác động lớn nhất đến dòng chảy du lịch quốc tế. Khách du lịch sẽ phải cân nhắc vấn đề xin thị thực như một khoản chi phí tăng thêm cả về thời gian và tiền bạc. Nếu chi phí cho một điểm đến vượt quá ngân sách dành cho du lịch, họ sẽ không đến địa điểm đó mà thay vào đó là một địa điểm thuận tiện hơn.
Tất nhiên, việc miễn thị thực sẽ làm thâm hụt khoản thu từ phí thị thực, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Tổ công tác du lịch, lợi ích thu được lớn hơn nhiều so với số phí bị mất đi.
Cụ thể, nếu thu phí thị thực của toàn bộ 866.617 khách du lịch đến từ 5 nước Tây Âu trong năm 2017 thì số tiền thu được khoảng 26 triệu USD. Trong khi đó, nếu tính bình quân mỗi du khách từ những thị trường này chi tiêu khoảng 1.200USD thì riêng số lượng khách tăng thêm hơn 200.000 lượt so với năm 2015 là năm thực hiện miễn thị thực thì doanh thu thêm được đã là 250 triệu USD.
Theo ông Hà, Việt Nam không những nên tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho du khách từ 5 nước Tây Âu, mà thời gian miễn thị thực nên kéo dài 5 năm thay vì một năm lại phải xem xét lại một lần như thời gian qua. Nếu không, kế hoạch miễn thị thực phải được thông báo sớm, tránh tình trạng đến sát nút mới thông báo, vừa không chuyên nghiệp, vừa khiến các hãng lữ hành bị động.
Không những thế, ông Hà đề xuất mở rộng đối tượng được miễn thị thực, ngoài 23 nước hiện nay có thể xem xét thêm Canada, Úc, Ấn Độ hoặc các nước thuộc Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương. Theo ông Hà, du lịch Việt Nam đang đối mặt với bốn vấn đề cấp bách cần giải quyết: chính sách du lịch, con người biết làm du lịch, sản phẩm du lịch mới và thú vị, và xúc tiến hiệu quả; trong đó, ở nhóm chính sách du lịch thì “miễn thị thực là cách tốt nhất để thu hút khách du lịch”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cho rằng, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh thời gian qua nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tạo được động lực mạnh mẽ, ổn định cho sự phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, năm ngoái Thái Lan đón hơn 35 triệu lượt khách, Malaysia đón 25,9 triệu lượt và Indonesia 14 triệu lượt.
Theo ông Bình, để du lịch phát triển mạnh, thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020, tạo doanh thu 35 tỷ USD như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 08-NQTW của Bộ Chính trị ban hành đầu năm ngoái, thì bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch trong nước, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài tới Việt Nam.
Trong đó, một trong những giải pháp đột phá là sớm mở rộng diện miễn thị thực cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. “Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin thị thực qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Thực tiễn, để đạt mục tiêu thu hút trên 20 triệu khách quốc tế một năm các nước đang thành công trong việc thu hút du khách quốc tế đều miễn thị thực”, ông Bình chia sẻ.