Aa

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Trong khi doanh nghiệp nhà nước trì trệ, doanh nghiệp tư nhân gieo quả ngọt

Thứ Tư, 18/07/2018 - 06:01

“Cùng là một mảnh đất vàng nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước triển khai trì trệ, doanh nghiệp FDI được hưởng những ưu đãi vượt trội nhưng làm một cách “thờ ơ” thì doanh nghiệp tư nhân trong nước lại nhanh chóng gieo trồng trên mảnh đất đó những quả ngọt chỉ trong một thời gian ngắn”, đó là lời chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nhắc đến doanh nghiệp tư nhân.

Gần 50 năm gắn bó với công việc nghiên cứu về doanh nghiệp, nhắc đến bà Phạm Chi Lan, người ta nhớ đến một chuyên gia kinh tế đầy tâm huyết với “đứa con” doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trả lời báo chí, bà từng trăn trở: "Tôi là người Việt, tôi yêu đất nước mình, tại sao doanh nghiệp của mình lại phải chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà, tôi đang chiến đấu với nghịch lý đó!". Reatimes đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Chi Lan về hành trình đi lên của doanh nghiệp bất động sản tư nhân Việt Nam. 
 PV: Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí, bà từng nhận định: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã từ số 0 đến những tỷ phú đô la. Có vẻ như, doanh nghiệp tư nhân đang có một con đường phát triển ngoạn mục cũng như  ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tham gia đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam? 
Bà Phạm Chi Lan: Khi nói về doanh nghiệp tư nhân, chúng ta phải nhìn nhận rõ có hai khối tư nhân không thể trộn lẫn vào nhau, đó là, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Với những chính sách cởi mở và tạo điều kiện của nước ta, doanh nghiệp FDI đã có vai trò thực sự quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thẳng thắn nhận thấy, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam rất nhiều nhưng hiệu ứng về thuế của họ đóng góp vào nước ta lại rất có hạn. Từ năm 2012 - 2016 ghi nhận có tới 41% doanh nghiệp FDI báo thua lỗ.
Một số doanh nghiệp thừa nhận có lãi ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Thua lỗ là thật hay không thì chắc chắn câu chuyện chuyển giá vẫn được nhắc đến và bàn luận thường xuyên nhưng đến bây giờ chúng ta chưa có một giải pháp hiệu quả để xử lý.
Đặt lên bàn cân so sánh thì doanh nghiệp FDI luôn được trải thảm đỏ còn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường trong khi chính bản thân họ vẫn chưa có chính sách hỗ trợ bình đẳng.
Một vài năm gần đây, doanh nghiệp FDI còn nhận ưu đãi hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt. Không chỉ nhận ưu đãi ở từ nhà nước, khối FDI còn có bàn đệm thuận lợi nhờ ưu đãi cụ thể ở các địa phương bởi một số tỉnh đặt vốn FDI là một tiêu chí trong cuộc chạy đua thành tích.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang gặp rất nhiều vấn đề. Họ phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhìn thực tế, doanh nghiệp tư nhân có năng lực và làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước và khối đầu tư nước ngoài.
Cùng là một mảnh đất vàng nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước triển khai trì trệ, doanh nghiệp FDI được hưởng những ưu đãi vượt trội “thờ ơ” thì doanh nghiệp tư nhân trong nước lại nhanh chóng gieo trồng trên mảnh đất đó những quả ngọt chỉ trong một thời gian ngắn.
Doanh nghiệp tư nhân dựng lên những thành quả rất nhanh và đóng góp thuế cho nước nhà. Nhưng đặt ngược lại, nếu là nhà đầu tư nước ngoài, họ nhận được quyền lợi rất nhiều nhưng đóng góp lại ít. Nếu có cơ chế ưu đãi thực sự, tôi tin doanh nghiệp tư nhân còn khả năng bứt phá nhiều hơn nữa.

PV: Những năm trở lại đây trong làn sóng khởi nghiệp và định vị thương hiệu, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản xuất hiện, nổi lên như điểm sáng trong cả về vị thế, sức ảnh hưởng và đóng góp. Bà đánh giá sao về tín hiệu này?

Bà Phạm Chi Lan: Nếu nhìn vào bảng xếp hạng doanh nhân giàu có nhất của Việt Nam thì hầu hết, những người này đều tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Một doanh nghiệp có thể nổi tiếng về phần mềm công nghệ nhưng chỉ đến thời điểm mở rộng sản xuất sang lĩnh vực bất động sản, nhà lãnh đạo mới được xếp hạng trở thành người giàu có. Điều đó cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang lựa chọn hay mở rộng ngành nghề sản xuất và kinh doanh sang bất động sản.

Một điều cần khẳng định rằng, những doanh nghiệp bất động sản đã góp phần giúp bộ mặt đô thị thay đổi. Rất nhiều dự án được hình thành mà nếu chỉ có doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì không biết khi nào mới hoàn thành và có làm được hay không. Doanh nghiệp tư nhân bất động sản đã chứng minh được khả năng của mình. Các dự án đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội như nhà ở, văn phòng...

Thời gian gần đây, một số đại gia trong ngành bất động sản đang có sự chuyển dịch kinh doanh sang các ngành nghề khác, lấy bất động sản làm nền tảng để vươn rộng sự phát triển. Đây là một tín hiệu rất tốt, một xu hướng chuyển dịch khá mạnh dạn, mang tính chiến lược và sự tính toán rõ ràng. Đứng đầu về sự chuyển dịch này là Vingroup khi hướng tới xây trường học, bệnh viện… hay sản xuất ô tô, điện thoại.

Tuy nhiên, xã hội vẫn cần thời gian để nhìn thấy sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp bất động sản đang thay đổi và triển khai các ngành nghề mới.

Ở một mặt khác, tôi thấy có doanh nghiệp bất động sản lấy quỹ đất nông nghiệp để thực hiện kinh doanh lĩnh vực khác bất động sản. Điều khiến nhiều người e ngại rằng liệu họ có thể chuyển dịch thành công hay chỉ đợi một thời gian sau lại biến khu đất đó sang mục đích kinh doanh nhà ở, sân golf. Xã hội có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ.

PV: Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bà nhìn nhận thế nào về năng lực và "sức khoẻ" của 96% còn lại?

Bà Phạm Chi Lan: Điểm khác biệt ở Việt Nam là đất thuộc sở hữu toàn dân mà đại diện là cơ quan công quyền nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã có trong tay những quỹ đất đẹp ở khu vực chiến lược. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào thương trường kinh doanh này.

Họ phải chịu mặt bằng mua hay thuê đắt hơn trước rất nhiều. Họ vất vả vô cùng vì đầu vào mọi thứ bị đẩy tăng lên. Họ tự thân vươn lên và cạnh tranh. Mặc dù Chính phủ có chính sách giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, rút gọn thủ tục giấy phép nhưng điều đó không đủ bù đắp những khó khăn mà họ trải qua. Chí phí đầu vào là giá đất đai không thể giảm được. Chi phí nhập khẩu đầu vào cũng không thể giảm thêm. Muốn thành công, họ buộc phải tìm một lối đi riêng chứ không thể tiếp cận con đường kinh doanh bằng cách tiết kiệm giá đất đai.

 PV: Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây đã đưa ra dự báo về tình hình không khả quan trong 6 tháng cuối năm 2018. Bà đánh giá thế nào về khó khăn của các doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm nay?

Bà Phạm Chi Lan: Dự báo về tương lai trong nửa cuối năm 2018 đến năm 2019, báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khiến tôi tiếp tục lo lắng về khu vực kinh tế tư nhân. Số doanh nghiệp mới tăng lên không nhiều nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất lớn. Tôi vẫn luôn đi theo khía cạnh phân tích các doanh nghiệp đóng cửa là họ tạm dừng sản xuất kinh doanh thật.

Số doanh nghiệp mới thành lập khiến tôi lo ngại bởi biết đến bao giờ họ mới lấp đủ các chỉ tiêu như đã đăng ký ví dụ: số công ăn việc làm, tiền thuế… Nhưng nếu doanh nghiệp đóng cửa thật, cái mất mà chúng ta nhìn thấy trước mắt là khối lượng công ăn việc làm bị giảm, ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế. Còn doanh nghiệp mới, tôi không dám chắc về con đường tương lai của họ bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn ghi dấu ấn trên thương trường  cần phải có thời gian.

Một con số nữa khiến tôi càng lo, đó là nhiều doanh nghiệp khá thành công, đi từ quy mô nhỏ, vừa lên tương đối lớn nhưng đến nay họ lại nhường "sân" cho nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức này diễn ra khá phổ biến trong phương thức M&A và xảy ra trong cả lĩnh vực bất động sản. Người nước ngoài rót tiền vào các dự án bất động sản của Việt Nam rất nhiều.

Tôi lo sợ khi người Việt Nam nhường "sân" cho nước ngoài thì sau này, Việt Nam sẽ là của ai, người Việt Nam thành công sẽ đi về đâu? Phải chăng họ chuyển nhượng xong sẽ sang nước khác ở? Đó là điều tôi rất trăn trở về tương lai của doanh nghiệp Việt.

Tất nhiên đó là quyết định, là quyền cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Chắc chắn họ có những lý do riêng khi quyết định bán “đứa con” mà mình nuôi dưỡng, chăm sóc bao nhiêu năm. Và phải có lý do họ mới quyết định rút khỏi thị trường. Trong đó, một số doanh nghiếp tiến hành cơ cấu ngành nghề, tập trung phát triển lĩnh vực khác nên lựa chọn con đường mới như hợp tác với nước ngoài.

PV: Dự báo về nền kinh tế vĩ mô ở giai đoạn cuối năm 2018 đang đặt ra rất nhiều sự e ngại, đặc biệt những tác động từ chính sách đến sự phát triển của doanh nghiệp là rất lớn. Song, dường như các doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn còn gặp nhiều hạn chế, bị động trước các những thay đổi về chính sách. Theo bà, giải pháp nào để doanh nghiệp tư nhân Việt giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố bên ngoài?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi phải khẳng định đây là điều cực kỳ khó. Với doanh nghiệp lớn, họ có khả năng đầu tư tiền vào triển khai việc dự báo. Nhưng ở Việt Nam có tới 96% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, số vốn hạn chế, phải chi tiêu trăm thứ, kiếm được đồng lãi là vô cùng khó khăn.

Chúng ta đừng kỳ vọng họ có nghiên cứu vào dự án vĩ mô. Bản thân các doanh nghiệp tự mình nghiên cứu đã rất khó. Trong khi tình hình kinh tế thế giới thay đổi liên tục đến chính phủ còn bị xoay như chong chóng, thì đừng nói đến doanh nghiệp phải dự báo được diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động lớn từ sự thay đổi của các chính sách này.

Như năm vừa qua, hàng loạt sáng kiến tăng thuế được đề ra thì hỏi sao doanh nghiệp sao có thể dự báo kịp. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam còn quá nhiều khâu phức tạp. Chúng ta có tổ chức chuyên trách, viện nghiên cứu chuyên môn, các phương tiện truyền thông. Đây là những nơi sẽ cung cấp dự báo tình hình chính sách vĩ mô để doanh nghiệp có quyền tiếp cận thông tin.

Tôi ví dụ, gần đây nhất là dự thảo Luật Đặc khu, sau bao tranh luận cuối cùng đi đến quyết định tạm dừng việc thông qua. Chúng ta phải có người chịu trách nhiệm thông tin này đến doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng không thể điều chỉnh được chính sách vĩ mô. Việc họ có thể làm tốt nhất là lắng nghe các báo cáo kinh tế của các viện, các tờ báo để đưa ra định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp mình.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top