Chuyên gia Savills Việt Nam: Thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là câu chuyện quỹ đất
Tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, cái vướng lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là khủng hoảng thiếu, không có sản phẩm mới để bán. Do đó, bài toán của doanh nghiệp không phải là thiếu vốn mà thiếu quỹ đất để làm dự án.
Theo ông Khương, cuối năm cả giá và giao dịch bất động sản có xu hướng nhích dần lên. Trong đó, phân khúc đất nền, nhà phố tăng giá khả quan; chung cư trung cấp mức tăng dao động từ 5-7%. Lý do đến từ nguồn cung mới khan hiếm bung thị trường, quỹ đất triển khai dự án dần cạn kiệt.
Ông Khương cho rằng, hiện tại điều lo lắng nhất của thị trường bất động sản chính là nguồn cung thiếu hụt. Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là câu chuyện quỹ đất chứ không phải câu chuyện vốn.
"Mắc kẹt" giữa lòng đô thị mới, chợ truyền thống cần thay đổi diện mạo thế nào?
Chợ truyền thống không chỉ là “kênh” trao đổi, mua bán hàng hóa rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường cả nước mà còn như một nơi bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi chốn, bảo toàn giá trị văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, việc "khoác áo mới" những chợ truyền thống thành trung tâm thương mại gần đây liên tục thất bại. Trong khi đó, những chợ cóc, chợ tạm nhếch nhác gây nguy hiểm về an toàn cháy nổ lại đang tồn tại song hành bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại tạo ra nét vẽ nguệch ngoạc. Ứng xử thế nào với mô hình chợ truyền thống trong bối cảnh đô thị hoá? Liệu chợ truyền thống có bị "xoá sổ" để thay thế bằng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sạch sẽ, văn minh? Phải chăng, những nhà đầu tư chỉ nhìn chợ truyền thống là mảng bất động sản béo bở để biến nó thành tổ hợp thương mại mà quên đi cá cốt lõi cần gìn giữ?
Theo bà Trần Kiều Thanh Hà, Quản lý dự án Thành phố sống tốt, thuộc tổ chức HealthBridge Canada, một trong những giải pháp nên làm sống lại các chợ truyền thống chính là cải tạo, thiết kế kiến trúc lại để phù hợp với thói quen mua bán của người dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phù hợp với cảnh quan kiến trúc của đô thị mới.
Tuy nhiên việc cải tạo một khu chợ không phải là thay đổi hoàn toàn các chức năng của khu chợ hay làm thay đổi gốc rễ vận hành nó, mà chúng ta chỉ cải thiện về cơ sở hạ tầng hay làm tăng thêm những trải nghiệm tốt của khách hàng khi đến khu chợ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Yêu cầu báo cáo tình hình bảo lãnh ngân hàng trước khi bán nhà ở trên giấy
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản 2991/BXD-QLN gửi các đơn vị về việc báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Cụ thể, các nội dung cần báo cáo gồm: Tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định pháp luật về bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Đề xuất, kiến nghị.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phát triển đô thị bền vững: Nói lý thuyết nhiều, hành động kém
Tại Hội thảo "Đô thị bền vững và sống tốt" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, giới chuyên gia phân tích, tăng trưởng của các đô thị tại Việt Nam chưa đa dạng, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí vận chuyển, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Một số đô thị thường xuyên phải ứng phó tình hình ô nhiễm môi trường, ngập úng như: TP.HCM, Hà Nội, hay nước kênh rạch bị nhiễm mặn tại các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hệ thống giao thông, gây sạt lở đất ven sông, giảm diện tích đất nông nghiệp...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Siết tín dụng bất động sản: Chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng cùng quan ngại
heo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phú Đông Group, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản. Theo sửa đổi này, kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.
Như vậy, từ đầu năm 2019, dòng vốn trung và dài hạn mà ngân hàng cho vay bất động sản sẽ sụt giảm đến 20% so với năm 2017. “Theo tôi, đây chính là thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2019”, ông Phúc nói.
Phân tích thêm, ông Phúc cho rằng, doanh nghiệp bất động sản là người sản xuất hàng hóa. Muốn có nhiều hàng hóa thì phải có nguồn cung, có vốn để làm dự án. Ngân hàng chính là nguồn cung tiền lớn nhất của doanh nghiệp để làm ra sản phẩm.