Aa

Chuyên gia: "Việt Nam áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay 30% là hợp lý"

Thứ Bảy, 30/11/2019 - 07:00

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ quyết định sửa Nghị định 20 về chi phí lãi vay là “điều đáng mừng” đối với các doanh nghiệp trong nước, thể hiện sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 là cấp thiết

Từ tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chính thức có hiệu lực. Nghị định 20 và Thông tư 41/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành đã đưa ra theo hướng cụ thể, chi tiết hơn so với các quy định trước đây về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết về nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi đi vào thực tiễn, Nghị định 20 đã đặt ra nhiều tranh cãi khi mũi tên nhắm tới hành vi gian lận chuyển giá của các doanh nghiệp FDI bị lệch, trong khi đó doanh nghiệp nội địa lại chật vật vì “vòng kim cô” này.

Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Nội dung này gây ra nhiều thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 20 đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vay vốn của các doanh nghiệp tư nhân hoặc tập đoàn kinh tế có mô hình kinh doanh công ty mẹ - công ty con đang kinh doanh hiệu quả trên thị trường bất động sản. Bởi nếu kinh doanh dưới mô hình công ty mẹ thì việc huy động vốn trong nước và quốc tế sẽ thuận lợi hơn so với các công ty con. Những ưu thế của tập đoàn sẽ chiếm ưu thế và sẽ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho các công ty con để hoạt động kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi Nghị định 20. Ảnh: Báo Chính phủ 

Ngày 29/11, sau hơn 2 năm từ khi Nghị định 20 bắt đầu có hiệu lực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu bày tỏ ủng hộ Nghị định số 20 có tác dụng rõ ràng về chống chuyển giá, tuy nhiên cũng gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Chiểu đề xuất hướng sửa là nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp và cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ý kiến của ông Trần Quang Chiểu được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Bộ Tư pháp đồng tình và đề xuất Chính phủ soạn thảo một Nghị định sửa đổi Nghị định 20 theo hình thức rút gọn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng: “Nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng”.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Nội dung sửa Nghị định 20 sẽ tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...

Phó Thủ tướng khẳng định: “Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”.

Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.

"Việt Nam áp dụng mức khống chế 30% là hợp lý"

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ quyết định sửa Nghị định 20 về chi phí lãi vay là “điều đáng mừng” đối với các doanh nghiệp trong nước có phát sinh giao dịch liên kết.

LS. Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Basico nhận định quy định tại khoản 3, điều 8 Nghị định 20 là máy móc, không cần thiết và không đúng với tinh thần, mục đích quy định của pháp luật: “Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.”

LS. Trương Thanh Đức

Bên cạnh đó, LS. Trương Thanh Đức phân tích, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các doanh nghiệp Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

“Quy định “tổng chi phí lãi vay” không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần... không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác.

Do đó, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm về những chỉ đạo mới của Chính phủ đối với Nghị định 20: “Trong kinh doanh, “buôn tài không bằng dài vốn”. Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh thì giải pháp đi vay là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bởi vậy, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp kinh doanh.”

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung

Theo bà Nhung, lợi nhuận thu được trong kinh doanh đôi khi không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Vì thế việc sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20 sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khi đưa ra chiến lược vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Trong kinh doanh, các bên có thể ký hợp đồng vay vốn để phục vụ kinh doanh. Thỏa thuận vay của hai bên thể hiện thông qua giao kết và thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn cách thức huy động vốn, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp là vấn đề có tính kế thừa và phù hợp với kinh doanh trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế”, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam và những ngành đặc thù, đối tượng đặc thù, vì thế tất yếu cần sửa đổi. Bởi một số ngành có đặc thù cơ cấu nợ - vốn cao như công nghiệp, bất động sản, xi măng, sắt thép,… vốn dĩ phải đầu tư nhiều, vay nợ nhiều hay các doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư mới hoặc doanh nghiệp tái cơ cấu cũng vậy.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế

Ông Lực cho rằng: “Lãi suất cao có nhiều nguyên nhân như lạm phát, mức độ rủi ro quốc gia và bản thân doanh nghiệp, chi phí vốn đầu vào, chi phí giao dịch của cả nền kinh tế, nên lãi suất cho vay thực của Việt Nam đang ở mức trung bình cao trong khu vực (bình quân 2015 – 2017: Việt Nam là 5,3%; Trung Quốc là 2,6%; Philippines là 4,5%, Singapore là 3,8%, Ấn Độ là 6,7%...) chắc chắn là cao hơn ở OECD, nghĩa là ngưỡng lãi vay phải cao hơn mức trung bình của khối này.

Hiện các quốc gia phát triển như: Mỹ, các quốc gia EU, Hàn Quốc... đều đã áp dụng mức 30% và một số nước đang phát triển cũng đang nghiên cứu mức 30%. Do đó, Việt Nam cũng áp dụng mức khống chế 30% là hợp lý”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top