Aa

Chuyên gia Vương Phan Liên Trang: Mô hình “thành phố trong thành phố” không chỉ là đặt một cái tên mới

Thứ Năm, 16/11/2023 - 11:02

Theo chuyên gia quy hoạch Vương Phan Liên Trang, việc lập thành phố trong thành phố không chỉ là đặt một cái tên mới, mà là thay đổi về bản chất và chất lượng phát triển đô thị.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội được định hướng xây dựng và phát triển thêm 2 thành phố ở phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông An, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây Hà Nội (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai).

Cụ thể, đối với thành phố phía Bắc, UBND TP Hà Nội định hướng xây dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Còn đối với thành phố phía Tây, Hà Nội xác định quy hoạch trở thành thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại, sinh thái, cao - thấp tầng; với quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.

Theo giải thích của lãnh đạo TP Hà Nội, mô hình trên sẽ thu hút nguồn lực đầu tư tập trung vào hai đô thị lớn thay vì 5 đô thị vệ tinh như bản quy hoạch 1259. Đồng thời, thành phố trực thuộc Thủ đô là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư nhờ tính độc lập.

Thế nhưng, sau 15 năm mở rộng, 12 năm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội vẫn chưa đạt mục tiêu giãn dân và giảm áp lực hạ tầng nội đô. Đặc biệt, 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn trong tình trạng quy hoạch "treo", dân số thành phố đã vượt ngưỡng dự báo gần một triệu, khoảng 8,5 triệu, khiến hạ tầng đô thị ngày càng quá tải. Khi nhìn vào những thực trạng này, nhiều người không khỏi lo ngại về tính hiệu quả khi thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất đồ án quy hoạch thành phố trong thành phố.

Để bàn rõ hơn về tính hiệu quả, cũng như những thách thức của mô hình thành phố trong thành phố tại thủ đô, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia quy hoạch Vương Phan Liên Trang - Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity.

Chuyên gia quy hoạch Vương Phan Liên Trang - Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity. Ảnh: NVCC

“Thành phố trong thành phố” là một lựa chọn thiết thực

Là một chuyên gia quy hoạch, bà có đánh giá gì về đề án quy hoạch “thành phố trong thành phố” sắp được lấy ý kiến rộng rãi của thành phố Hà Nội?

Hiện nay, các nhà quản lý, các nhà khoa học và dư luận xã hội đã có những tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi xung quanh vấn đề này. Một số người cảm thấy chưa quen, chưa đồng tình với khái niệm “thành phố trong thành phố”, cho rằng nâng cao chất lượng đời sống người dân mới là thực chất và quan trọng.

Tuy nhiên, để có cơ sở nâng cao và phát triển chất lượng đời sống của người dân, để đi đến cái đích chung mà chúng ta đều mong muốn đó, việc lựa chọn mô hình, chiến lược nào, định danh, định vị, định lượng, định tính như thế nào là cần thiết. Xét về mặt hành chính, pháp lý và thực tiễn, việc đề xuất hai thành phố trong thành phố là phù hợp với bối cảnh phát triển.   

Mô hình “thành phố trong thành phố” là phù hợp với bối cảnh phát triển của Hà Nội. Dựa vào những cơ sở nào để bà đưa ra nhận định này?

Việc đề xuất hai thành phố trong thành phố là phù hợp với bối cảnh phát triển của thủ đô Hà Nội bởi vì những lý do sau:

Thứ nhất, mô hình thành phố phù hợp hơn quận nếu xét về hành chính và pháp lý. Mô hình thành phố vẫn bao gồm cả đô thị và nông thôn, như vậy có sự linh hoạt trong phát triển, có nhiều khả năng bảo vệ các không gian nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên. 

Trong khi đó, theo luật quy hoạch Việt Nam, nếu xác định là quận thì phải hoàn toàn là đô thị, điều này khó khả thi trong nhiều trường hợp. Thực tế, khi đối chiếu hiện trạng, so các tiêu chuẩn theo Nghị quyết về phân loại đô thị; Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, có địa phương không còn khả năng chuyển đổi thành quận trong thời kỳ quy hoạch, nên mô hình thành phố trong thành phố là một lựa chọn cần thiết cho các đô thị trực thuộc trung ương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai, vị trí của các thành phố mới khá xa với trung tâm thành phố lớn, nên càng cần được phát triển như các đô thị có tính chất tương đối độc lập, có các hoạt động đa dạng về chức năng để phục vụ nhu cầu của người dân, giảm khoảng cách di chuyển khi cần.

Thứ ba, mô hình thành phố trong thành phố cho phép đề ra bộ máy thực hiện phù hợp với nhu cầu phát triển. Điều đó có nghĩa là sẽ có người “nhạc trưởng ” chịu trách nhiệm, với tinh thần tiên phong. 

Cần lưu ý rằng, thành phố trong thành phố khác với thuật ngữ “đô thị vệ tinh”. Thành phố trong thành phố là mô hình và quyết định về mặt hành chính để tổ chức không gian sống, học tập, làm việc, vui chơi giải trí cho người dân và đô thị nên được tổ chức một cách tương đối độc lập chứ không phải vệ tinh phụ . Thành phố trong thành phố sẽ có  việc làm, tiện ích công, dịch vụ công và nhà ở trong khoảng cách thuận tiện di chuyển. 

Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của thành phố phía Bắc (bao gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (bao gồm Hòa Lạc, Xuân Mai) ở thời điểm hiện tại?

Có thể nói tiềm năng của thành phố phía Bắc (bao gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) đang rất hấp dẫn. Khu vực này đang được gắn với hạ tầng giao thông và logistics của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là điểm giao thoa của các hành lang kinh tế quan trọng. 

Còn thành phố phía Tây (bao gồm Hòa Lạc, Xuân Mai), tuy không nằm trên hướng phát triển đô thị mạnh mẽ vốn hướng ra phía cảng, biển hoặc sân bay, nhưng vẫn luôn có tiềm năng và ngày càng rõ nét hơn nhờ nỗ lực đầu tư rất lớn của Nhà nước. Tiêu biểu là việc chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP Hà Nội quản lý theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023. Với quyết định đúng đắn này, việc điều phối quy hoạch sẽ thuận lợi hơn. 

Theo như đề án lần này, những khu vực nông thôn như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn hay Hòa Lạc, Xuân Mai sẽ trở thành đô thị trực thuộc của Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại hai khu vực này chưa hoàn thiện trong quy hoạch hạ tầng đô thị. Theo bà, đây có phải là mâu thuẫn lớn khi TP Hà Nội đề xuất đề án lần này không?

Những khu vực này đều đã tương đối tốt về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và kết nối đối ngoại nên không có mâu thuẫn với đề án. Thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây có những tiềm năng khác nhau nên mô hình phát triển cho 2 khu vực này cũng sẽ khác nhau. 

Đơn cử, thành phố phía Tây không nằm trên hướng phát triển đô thị. Cho nên, khu vực này sẽ không phát triển dàn trải, quy mô lớn mà tập trung thành các khu, cụm mật độ cao, phù hợp với đối tượng người dùng phần lớn là các chuyên gia, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, nhân viên các khu công nghệ, trường, viện. Vai trò của thành phố phía Tây sẽ được đẩy lên tầm cao hơn khi có thêm những tuyến đường cao tốc được hình thành, giúp gia tăng liên kết vùng. 

Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo đề án này, TP Hà Nội nên tập trung nhiều nguồn lực vào khu vực phía Tây vì nhiều năm qua khu vực này chưa được đầu tư nhiều. Sự phát triển chênh lệch này có thể khiến mô hình xây dựng thành phố trực thuộc thành phố sẽ đi vào bế tắc và để lại nhiều hệ lụy. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

Việc đầu tư nguồn lực cho khu vực phía Tây Hà Nội cần có phải phân kỳ, có ưu tiên và phù hợp với quy luật cung - cầu của thị trường, không nên đầu tư quá nhiều khi chưa có đủ điều kiện và nhu cầu.

Để triển khai thành công mô hình thành phố trong thành phố, Hà Nội sẽ phải đối mặt với những thách thức gì, thưa bà?  

Khi triển khai mô hình thành phố trong thành phố, Hà Nội sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn, đó là:

Thứ nhất, cơ chế ra quyết định như thế nào để thành phố trong thành phố có sự chủ động của mình mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về quản trị, quản lý của hệ thống. 

Thứ hai, cần có sự chia sẻ nguồn lực, đặc biệt là nhân lực từ phía thành phố lớn trong thời gian đầu. Đội ngũ cán bộ của thành phố mới từ các quận, huyện sẽ cần thời gian, kinh nghiệm để xử lý các vấn đề của một thành phố, và sẽ có nhiều việc là lần đầu tiên thực hiện, chưa có tiền lệ, ví dụ như lập quy hoạch chung và xác định các chiến lược vĩ mô cho một thành phố.

Vậy theo bà, để xây dựng và vận hành hai thành phố trực thuộc Thủ đô hiệu quả, chúng ta cần có những sự chuẩn bị gì?

Để xây dựng và vận hành hai thành phố trực thuộc thủ đô hiệu quả, chúng ta cần có những sự chuẩn bị sau:
Một là sự chuẩn bị đầu tư quy hoạch hạ tầng gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt là việc kết nối giao thông hiện đại với đô thị trung tâm và giữa các đô thị với nhau. Việc chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là nền tảng cho sự phát triển cho những khu vực được quy hoạch lên thành phố.

Hai là chuẩn bị chiến lược đảm bảo mục tiêu, nguồn lực thực hiện phù hợp để cho việc lập thành phố trong thành phố không chỉ là đặt một cái tên mới, mà là thay đổi về bản chất và chất lượng. Đây cũng chính là yếu tố để những khu vực được quy hoạch lên thành phố thu hút đầu tư, người dân lao động để từ đó hình thành nên một thành phố mới.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top