Aa

Chuyện lạ đằng sau những “sổ đỏ đất rừng sản xuất” được cấp ở Đại Lộc

Thứ Bảy, 03/07/2021 - 10:15

Khi phát đốt cây theo sổ đỏ được cấp, người dân cho biết có cán bộ của huyện, của xã hướng dẫn cụ thể chi tiết. Tuy nhiên, sau đó lực lượng Kiểm lâm phát hiện một số diện tích phát, đốt là đất rừng tái sinh phục hồi

Lời tòa soạn:

Năm 2017, UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tạm gọi là sổ đỏ - PV) cho một số hộ dân ở thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng với mục đích trồng rừng. Sau đó, năm 2018, những hộ dân sang nhượng lại cho ông N.C.T và vợ.

Việc sang nhượng này đã được UBND xã Đại Hồng chứng thực, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và ông N.C.T cũng đã sang tên được 2 sổ đỏ. Tháng 7/2019, ông N.C.T thuê người đốt thực bì để chuẩn bị trồng keo lá tràm trên diện tích đất rừng đã được cấp sổ đỏ thì bị lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam lập biên bản vi phạm với lý do “đốt rừng tái sinh phục hồi”. Vụ “phá rừng” và “cấp sổ đỏ trên đất rừng” tại xã Đại Hồng đang được Công an tỉnh Quảng Nam điều tra.

Reatimes xin cung cấp cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến vụ việc được xem là “chuyện lạ ở Quảng Nam” khi mà đất rừng được UBND huyện Đại Lộc cấp vô tội vạ, khiến bao gia đình lao đao với các sổ đỏ này!

 

Người dân là những người chịu hậu quả trực tiếp trong việc cấp sai đất rừng của chính quyền

Có cán bộ giám sát phát rừng, đốt thực bì!  

Những ngày đầu tháng 6/2021 cũng là đợt cao điểm nắng nóng tại một số tỉnh miền Trung, nhóm PV Reatimes lên đường, tìm đến những cánh rừng trên địa bàn xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, để xác minh một số thông tin theo đơn thư của bạn đọc. Dẫn đường là anh K., một người được mệnh danh là thổ địa của vùng rừng núi ở Đại Lộc. Biệt danh thổ địa cũng dễ hiểu thôi, bởi anh K. từ bé đến lớn vẫn luôn gắn bó với rừng, với núi nơi đây. “Lúc còn nhỏ, tôi đã đi rừng kiếm củi, bẫy thú. Lớn lên thì được một số chủ rừng thuê đi phát cây, trồng keo nên giờ hiểu rõ những con đường mòn, lối tắt, ngóc ngách ở đây”, anh K. chia sẻ.

Đoàn chúng tôi gồm 4 người đi trên 2 chiếc xe máy, men theo lối mòn để tiến vào rừng. Phải hơn 11 giờ đoàn xuất phát, mặc dù biết di chuyển vào thời điểm đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả đoàn vẫn hết sức cố gắng. Chạy dọc theo tuyến ĐH3.ĐL, chúng tôi rẽ vào con đường mòn dẫn lên rừng, cách Nhà văn hóa thôn Ngọc Thạch khoảng 500m. Con đường liên huyện này chạy dọc theo sông Vu Gia, nối tuyến QL 14B với trung tâm huyện Đại Lộc, một bên là sông, một bên là núi nên mặc dù vừa mới tiến vào lối mòn để đi rừng, chúng tôi đã cảm nhận được những khó khăn, trắc trở, nguy hiểm của hành trình này.

Anh K. chở tôi trên chiếc xe máy của mình, nhờ vậy tôi mới thấy được sự kinh nghiệm và độ “lỳ của “ông thổ địa” này. Trước những con dốc cao dựng đứng với nhiều hòn đá lớn lởm chởm, xen lẫn là những hố sình lầy vẫn còn đọng nước của những trận mưa chiều trước đó, tôi liên tục đề nghị xuống xe để đi qua dễ dàng hơn. Nhưng anh K. luôn dứt khoát đáp lại: “Ngồi im đấy”. Nếu tôi là người cầm lái thì chắc không thể vượt qua được những con dốc dựng đứng khi chở thêm người ngồi sau, nhưng may mắn là có anh K. – một tay lái lụa trên cung đường đặc biệt.

Mặc dù là đường núi nhưng nó khá rộng, những chiếc xe tải cỡ trung cũng có thể di chuyển được. “Trước đây thì nhiều xe chở than lậu cũng theo đường này để đưa than xuống, nhưng sau mỏ than lậu trên kia bị dẹp bỏ nên đường này chỉ có xe chở keo chạy, thỉnh thoảng dân lên núi chở than củi cũng đi đường này”, anh K. cho biết. Chúng tôi di chuyển qua khu vực rừng trồng keo của người dân, nơi đây vừa mới trải qua mùa thu hoạch nên việc kiếm ra một bóng râm để tránh nắng hầu như là không thể. Xung quanh là những quả đồi trơ trọi, nhiều nơi bị đốt tạo thành những khoảng đen, nổi trội trên đó là những cây keo cao cỡ 2 gang tay vừa mới được trồng cách đây không lâu. Đi được 4km thì đường bắt đầu hẹp lại và khó đi hơn, có đoạn bị nhiều cây lớn ngã đổ, chắn ngang đường làm cho xe máy không thể di chuyển tiếp được. Chúng tôi đành phải bỏ lại xe bên đường để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

PV Reatimes tại hiện trường vụ phá đốt rừng phục hồ tái sinh ở xã Đại Hồng. Đất rừng này nằm trong sổ đỏ mà UBND huyện Đại Lộc đã ký cấp cho dân

Cuốc bộ giữa cái nắng như đổ lửa trên những con đường đất đỏ, xung quanh là những ngọn đồi trơ trọi không một bóng cây cao, tôi cảm giác mình thật bé nhỏ giữa một không gian rộng lớn. Xa xa là những lán trại của những người làm nghề khai thác than, trên con đường vẫn còn đấy những đống than rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Đúng là Đại Lộc là vùng đất có nhiều “lộc” do thiên nhiên ban tặng, ở sông thì có cát, núi thì có đất sét, có than…

Vật vã cuốc bộ 15km đường núi suốt hàng giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh núi, ranh giới giữa xã Đại Hồng và xã Đại Chánh. Ngồi nhìn những ngọn đồi đang được trồng keo, anh K. cho hay, trước đây một chủ rừng thuê người dân lên phát các bụi rậm để trồng cây. Liên tục trong 6 tháng, ngày nào cũng có người đi đi về về. Khoảng tháng 7/2019, khi công việc chuẩn bị hoàn thành thì có đoàn liên ngành đến kiểm tra và thông báo rằng việc phát cây đã xâm hại đến diện tích rừng tái sinh phục hồi, yêu cầu dừng và lập biên bản vụ việc.

Đáng chú ý, trong quá trình phát quang tại khu vực này, hàng tuần đều có cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đại Lộc, địa chính xã Đại Hồng đến thực địa để xác nhận và hướng dẫn ranh giới cho người dân tiếp tục phát. “Cán bộ hướng dẫn chúng tôi từng khu vực để phát cây, hoàn thành khu vực này thì cán bộ sẽ hướng dẫn khu vực khác”, anh H., một người tham gia phát cây tâm sự.

Đất rừng, nhưng cán bộ xã, huyện không biết?

Chủ của những cánh rừng này là N.C.T. Trước đó ông T. nhận chuyển nhượng lại đất rừng sản xuất từ một số hộ dân tại địa phương để thực hiện dự án trồng sâm Hàn Quốc kết hợp với trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn miền núi xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Mọi thủ tục pháp lý liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều được các bên thực hiện và hoàn thành theo đúng trình tự mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, đến khi ông N.C.T tiến hành các bước để triển khai dự án thì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện ra một số diện tích đất nằm trong sổ đỏ nhận chuyển nhượng thuộc diện tích đất rừng phục hồi tái sinh!?

Mong manh ranh giới đúng – sai của những cánh rừng ở Đại Lộc.

Vụ việc này sau đó được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra làm rõ và đến nay vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Reatimes, việc cấp đất rừng sản xuất cho người dân địa phương có nhu cầu theo quy định phải được sàng lọc kỹ lưỡng qua hàng loạt các bước như họp dân, bình xét, lên xã xác nhận, kiểm tra diện tích trên thực địa và trên hồ sơ địa chính lưu giữ tại UBND xã, rồi đến các phòng, ban chuyên môn của huyện, tham gia ý kiến của ngành kiểm lâm… Chưa kể, nếu tổng diện tích đất rừng sản xuất được cấp trên 100ha phải thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc, trước khi ký cấp sổ đỏ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, một số quy trình cơ bản nêu trên bị bỏ qua. Chưa hết, những hộ dân được cấp sổ đỏ hầu hết đều không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư trồng rừng. Bằng chứng là khi có sổ đỏ trong tay, họ đã vội vàng chuyển nhượng cho người khác.  

Được biết, ông N.C.T đã tốn hàng trăm triệu đồng để thuê nhân công tiến hành phát rừng, lấy mặt bằng để thực hiện dự án trồng sâm Hàn Quốc kết hợp trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, từ khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Đại Lộc thu giữ hồ sơ và 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong suốt thời gian dài mà không có quyết định thu hồi hay văn bản nào đã gây ra cho gia đình ông rất nhiều khó khăn và tổn thất.

Để xảy ra vụ việc cấp sổ đỏ trên đất rừng phục hồi tái sinh tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc như đã nêu trên rõ ràng trách nhiệm chính thuộc về UBND huyện Đại Lộc và các cá nhân liên quan. Người dân ở Đại Lộc mong muốn vụ việc sớm được Công an tỉnh Quảng Nam sớm kết luận điều tra, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm... 

PV Reatimes sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin tới độc giả!

Cơn mưa chiều và những tiếng sét ngang tai

Chiều muộn, khi chúng tôi chuẩn bị xuống núi thì bất chợt một cơn mưa dông kéo đến. Mưa lớn dần, cùng với đó là những tiếng sét đánh ngang tai, cảm tưởng như đang ở rất gần mình. Những dòng nước từ trên cao đổ ào ào xuống, nguy hiểm hơn khi khu vực quanh đấy là vùng đất trống đồi trọc, đất đã no nước vì trước đó có mưa rất nhiều nên nguy cơ sạt lở rất cao. Những dòng nước chảy nhanh, mạnh ven con đường mòn, “chia” con đường được đắp bằng đất sét và phần vách núi ra làm hai. Dòng nước như một con dao, có thể cắt con đường ra khỏi vách núi và “quăng” xuống vực lúc nào chẳng hay.

Mưa ngớt cũng là lúc chúng tôi đến được khu vực an toàn. Quay lưng nhìn lại mới thấy những vùng đất trống đồi trọc trên kia vẫn đang “đợi” các dự án trồng cây gây rừng, vừa kết hợp phát triển kinh tế vừa giữ được đất và góp phần tái tạo hệ sinh thái!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top