Đường đẹp nhờ sức dân
Những ngày đầu tháng 8/2023, chạy xe bon bon trên quốc lộ 38B qua huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, PV Báo Giao thông ghi nhận cuộc sống nhộn nhịp hai bên đường với những cửa hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng, xưởng sản xuất đồ gỗ…
Tuyến quốc lộ 38B giờ đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 8m, thảm bê tông nhựa cấp cao A1...
Ít ai biết rằng, khi chưa nâng cấp, con đường này là tỉnh lộ 12B nhỏ, hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà, chỉ là con đường cấp phối rải đá dăm, mặt đường rộng trên 3m.
"Quá trình triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã được các địa phương nơi tuyến đường đi qua thực hiện theo phương thức “xây dựng nông thôn mới”, có gần 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng tự nguyện tháo dỡ, giải tỏa hành lang đường bộ, góp và hiến đất, bàn giao mặt bằng trước ngày khởi công.
Vì vậy công trình được bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ 18 tháng và giảm chi phí cho nhà nước hơn 150 tỷ đồng. Dự án được đánh giá là dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định. Dự án khởi công ngày 8/3/2014, lễ thông xe ngày 27/1/2015".
Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở GTVT Nam Định
Trong khi đó, lưu lượng xe cộ tham gia giao thông cao, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc kinh doanh, sản xuất của các hộ dân khu vực cũng bị ảnh hưởng.
Ông Phùng Quốc Đồng, Chủ tịch UBND xã Đại An, huyện Vụ Bản cho biết, có được sự khang trang, an toàn của quốc lộ 38B như ngày nay, là công sức rất lớn của khoảng 1.600 hộ dân tình nguyện hiến đất làm đường.
“Khi có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 38B, chính quyền và người dân địa phương rất phấn khởi, chỉ mong sao con đường sớm hoàn thành để đi lại thuận tiện hơn, hàng hóa lưu thông nhanh hơn. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi”, ông Đồng chia sẻ.
Theo ông Đồng, xã Đại An có gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng tuyến đường đi qua, nhưng cán bộ xã không phải vất vả thuyết phục giải phóng mặt bằng.
Bởi sau khi phân tích chủ trương, những lợi ích của dự án, người dân đều đồng thuận. Đường thi công đến đâu mặt bằng được trả đến đó.
Trong gần 1.600 hộ hiến đất làm quốc lộ 38B, có nhiều trường hợp cảm động được nhắc mãi. Như ông Trần Hữu Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản) đã hiến hơn 20m2 đất sổ đỏ để làm đường.
Để bàn giao mặt bằng, đích thân ông đã tự cầm dao chặt cây si cổ thụ bao năm tỏa bóng mát trước nhà mà bản thân ông luôn coi như một kỷ vật thân thương của gia đình.
Chị Trần Thị Hiền (thị trấn Gôi) cũng tự nguyện lùi sâu phần đất sổ đỏ, là đất tổ tiên để lại nhiều đời nay để làm đường mà không lấy một đồng đền bù nào.
Bà Nguyễn Thị Hương (54 tuổi, trú xóm Thượng, thôn Đại Đê, xã Đại An, huyện Vụ Bản) cũng sẵn sàng phá tường bao, xây lùi lại để nhường đất cho con đường được mở rộng…
“Tấc đất tấc vàng, ai chả tiếc. Nhưng cứ suy tính, băn khoăn thì bao giờ mới có đường mới, con cái mình mới có thể đỡ khổ. Vì vậy, người dân chúng tôi họp lại hiến đất để cho thi công được nhanh hơn”, bà Hương cho biết.
Kỷ lục giải phóng mặt bằng
Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định chia sẻ, quốc lộ 38B qua Nam Định có tổng chiều dài tuyến là 38km, chạy qua địa bàn huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và TP Nam Định. Dự án đi qua có gần 1.600 hộ bị ảnh hưởng ở các huyện.
“Thời điểm đó, ai cũng lo lắng về công tác giải phóng mặt bằng. Có tới hơn 90% diện tích cần giải phóng cho dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 38B thuộc phần đất của các hộ dân. Thông thường, giải phóng mặt bằng qua nhà dân rất khó khăn, phức tạp. Nhưng thật bất ngờ, ở dự án này, mọi việc thông suốt với tốc độ thần tốc”, ông Thái chia sẻ.
Chỉ ít ngày sau khi chính quyền thông báo về dự án, tuyên truyền về sự cần thiết của việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường và bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng, các huyện đã bàn giao được 100% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, người dân tự hiến 14,646km (phần đi theo tuyến cũ, thuộc địa phận các huyện Vụ Bản, Ý Yên).
Theo ông Thái, để dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 38B với tổng mức đầu tư trên 1.379 tỷ đồng giải phóng mặt bằng thuận lợi như vậy, trước đó Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện góp đất, hiến đất, tháo dỡ lán trại để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.
Lý giải về việc giải phóng mặt bằng không tốn một đồng đền bù cho dân, Chủ tịch UBND xã Đại An, ông Phùng Quốc Đồng tâm sự: “Người dân, nhất là ở thôn quê có tâm lý công bằng, hay chia sẻ, thấy người khác làm thì họ cũng sẽ làm, nên khi những người đầu tiên gương mẫu hiến đất, thì cả làng, cả xã sẽ làm theo”.
Được dân ủng hộ rồi thì mình càng phải làm tốt, làm đường to đẹp trả dân, công khai, minh bạch. Đó là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của dự án, ông Đồng nhìn nhận.