Quốc hội tổ chức giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Chiều 4/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát dự và chỉ đạo cuộc họp Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ giúp việc cho biết, hiện Tổ giúp việc đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 61/63 UBND tỉnh/thành phố, 63/63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, 03/03 tập đoàn kinh tế. Các báo cáo về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.
Hiện Tổ giúp việc đang chuẩn bị các nội dung phục vụ Đoàn công tác số 2 của Đoàn giám sát đi làm việc tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tổ giúp việc của Đoàn công tác số 3 cũng đi tiền trạm tại tỉnh Sơn La, Gia Lai chuẩn bị cho Đoàn công tác số 3 làm việc chính thức. Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 1 của Đoàn giám sát sẽ tiến hành đi giám sát tại TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau sau ngày 15/7/2023; làm việc với một số Bộ ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để làm rõ một số nội dung vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát đánh giá cao việc chuẩn bị và quá trình soạn thảo các văn bản dự thảo Kế hoạch của Đoàn Giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Tổ giúp việc chuẩn bị.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Đoàn Giám sát tập trung vào các vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm như tình trạng thiếu điện, giá điện, cơ sở hạ tầng điện lực; việc Việt Nam tích cực triển khai các nhiệm của của COP26, thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, giá cả năng lượng…
Thông qua các đợt giám sát, Đoàn Giám sát có thể nhận biết các hoạt động đã triển khai, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Đoàn Giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề dự kiến tại phiên họp tháng 9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ách tắc giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư xin tạm dừng dự án năng lượng tại Sơn La
Trước đó, ngày 3/7, Tổ công tác của Đoàn Giám sát Chuyên đề (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dẫn đầu, đã làm việc với tỉnh Sơn La về việc thực hiện Chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Tại Báo cáo gửi Tổ công tác, tỉnh Sơn La đã thông tin, một số dự án đầu tư thuỷ điện triển khai chậm so với tiến độ, còn phải điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật công trình. Hai thủy điện Quang Huy và thủy điện Nậm Trai 3 đang phải giải quyết theo hướng chấm dứt thực hiện dự án. Nhiều công trình đầu tư truyền tải và phân phối điện được quy hoạch nhưng triển khai chậm hoặc chưa có nguồn lực đầu tư. Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch năng lượng còn có tình trạng trùng với quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp.
Làm việc với Đoàn Giám sát, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, đã có nhiều văn bản cụ thể hóa chính sách phát triển năng lượng, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Song, vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến việc lập, rà soát, bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng (thủy điện nhỏ, điện gió), hay trong quá trình lập quy hoạch, vẫn có sự không tương khớp với một số quy hoạch khác, nhất là quy hoạch đất đai, có một số địa điểm trùng quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp.
Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Thành Công, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên buộc phải thực hiện xã hội hóa điều chỉnh, bổ sung cục bộ các dự án năng lượng. Trong khi đó, để tránh tình trạng quy hoạch treo nên đa phần các dự án do doanh nghiệp đề xuất bổ sung quy hoạch và tiếp tục đầu tư dự án nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Mặt khác, còn có sự chồng lấn quy định giữa Quy hoạch khoáng sản và Quy hoạch 3 loại rừng.
Kiến nghị với Tổ công tác của Đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La mong muốn sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; ban hành quy định về nguồn vốn thực hiện lập quy hoạch phát triển năng lượng địa phương theo hướng chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước; ban hành quy định cụ thể về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án năng lượng…
Tiếp nhận thông tin, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị tỉnh Sơn La báo cáo rõ hơn thực trạng đầu tư của các dự án thủy điện Nậm Trai 3, Quang Huy, điện mặt trời Mai Sơn, như về khối lượng công việc triển khai, nguồn vốn đầu tư, diện tích đất. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chậm tiến độ và đề xuất xử lý cụ thể.
Riêng dự án điện mặt trời khu công nghiệp Mai Sơn chưa khởi công do gặp vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án đã có văn bản xin chấm dứt dự án, Tổ công tác đề nghị tỉnh Sơn La cần đánh giá rõ hơn về các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có hướng rút kinh nghiệm trong khâu thẩm định.
Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị tỉnh Sơn La báo cáo rõ hơn về 11 dự án mới được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch. Cụ thể về tiến độ đầu tư, đánh giá các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ, dự kiến thời điểm đưa vào vận hành phát điện. Đặc biệt đối với các dự án mới được bổ sung quy hoạch, cần đánh giá rõ về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo không để xảy ra các vướng mắc về chồng lấn mực nước giữa các bậc thang thủy điện đến mức phải dừng dự án hoặc đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch như đối với dự án điện mặt trời tại khu công nghiệp Mai Sơn.
Tổ Công tác cũng đề nghị tỉnh Sơn La làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh các mục, bổ sung dữ liệu về rừng, quy hoạch, quản lý đất đai, lòng hồ thủy điện./.