Aa

Chuyện mời cơm

Thứ Bảy, 28/04/2018 - 06:01

Tục mời cơm của người Bắc là cả một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Chính những lời mời tưởng chừng như vô thức ấy đã huấn tập cho con người ta hiểu lẽ biết ơn, biết nhận diện những hạnh phúc đơn thuần, bình dị, cũng là để biết trân quý sự có mặt cho nhau.

Trong bữa cơm của người miền Bắc, có một điều thuộc về văn hóa mà tôi rất thích, đó là lời mời.

Ngồi vào mâm cơm, trước khi cầm đũa để ăn, tôi thấy mọi người mời nhau. Quê tôi không vậy, nên tôi tò mò và để tâm quan sát.

Thường thì khi thấy một điều khác với cách hành xử vốn có của mình, của thói quen vùng miền nơi mình sinh ra, ta mỉa mai và chối bỏ điều đó dễ hơn là thừa nhận và hiểu.

Ở quê tôi, chỉ mời đến bàn ăn khi cơm đã được dọn tươm tất ra bàn. Còn khi ngồi vào ăn thì không mời nhau nữa. Tất nhiên, là con trẻ thì phải đợi bố mẹ và anh chị cầm đũa lên ăn, mới đến lượt mình.

Rất nhiều người ở quê miền Trung cho cái việc mời của người ngoài này là mời lơi, mời không thực lòng. Khi cả nhà đang ngồi ăn, thấy có một người vào, mọi người liền mời: “mời bác ăn cơm ạ”.

Ở quê tôi, lúc đang ăn, nếu có người vào thì người chủ nhà mở lời, ví dụ: “mời bác ngồi uống nước, xin lỗi là đang ăn.”

Về sau, sống lâu, hiểu, tôi rất quý trọng lời mời của người miền Bắc. Hễ đến nhà nào ngoài này, hay không phải trên đất Bắc, nhưng chủ nhà là người Bắc, ngồi vào mâm cơm mà con trẻ không mời khi ăn, tôi đều nhắc và khuyên bố mẹ nên nhắc con làm điều đó. Lời mời đó đã thuộc về văn hóa, để nhận diện ra quê hương mình.

Có lần tôi chia sẻ với một người làm truyền hình về vấn đề này. Tôi nói, "lời mời đó là sự nhận diện từ một thái độ tôn trọng. Mời là để nhớ trên mình có ai và bên mình có ai”.

Ở quê tôi người ta quan niệm thế này, khi một người đến, nếu mời ăn, là chủ nhà phải đem bát đũa ra. Mời mà không có bát đũa là mời lơi.

Thế đó, cùng là cách mời, nhưng giá trị lại phụ thuộc ở quan niệm. Một bên quan niệm, lời mời là biểu thị sự tôn trọng và nhận diện. Một bên quan niệm, mời ăn là phải ăn. Nên, gặp người miền Trung, nghe mời, nếu mời nghe trịnh trọng là người ta ngồi vào ăn ngay. Ngồi ăn là vì sợ mất lòng người mời.

Còn văn hóa ngoài này, mời, mà ngồi vào ăn ngay, thì lại không đúng.

Đó là lúc mời, là lời mời đưa, lời mời xã giao. Vì dụ, hồi tôi mới ra Bắc, đi thăm các chùa hay nhà Phật tử, khi tôi ra về, chủ nhà mở lời mời, mời bằng được tôi ở lại dùng cơm. Người đưa tôi đi bảo, họ mời mặc họ, rồi bảo với tôi, họ mời đưa đó thầy. Thầy đừng nhận lời ở lại. Mời là việc của họ.

Từ cái sự lạ ấy nên tôi để tâm quan sát.

Nhiều Phật tử về chùa tôi ở Hải Dương dự lễ, họ đi từ rất sớm. Thấy giờ họ về, tôi đoán biết thế nào họ cũng chưa ăn sáng. Nhưng khi mời, họ cứ quyết một là con ăn rồi. Ngày mới ra Bắc, nghe thế là tôi không mời nữa, và không dọn cho họ ăn. Về sau tôi hiểu ra, họ nói không, con ăn rồi, tôi vẫn dọn ra và mời họ ăn. Họ tự nhiên và ăn ngon lành.

Tôi giải thích với mọi người, họ từ chối, có từ chối vậy mới thấy sự thực tâm chu đáo của chủ với khách.

Giáo dục trên bàn ăn là việc không nên xem thường trong giáo dục gia đình. Nó luôn đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nếp sống và nhân cách con trẻ sau này.

Ứng xử sâu sắc là ở đó, phụ thuộc ở sự nhận diện. Con trẻ lớn lên trong nền văn hóa đó sẽ quen với việc biết nhận diện sẽ sớm trưởng thành. Nhận diện và biết ơn chính là nét đẹp ẩn sau mỗi lời mời.

Trong đạo Phật, trước khi ăn, các thầy và cư sĩ thường thực tập 5 lời quán nguyện, câu đầu tiên là: “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác, con xin nguyện ăn trong chánh niệm để xứng đáng thọ nhận thức ăn này”... Trong đạo thiên chúa, người ta làm dấu thánh và cầu nguyện trước khi ăn. Các nghi thức như vậy cũng chính là thực tập nhận diện và biết ơn. Tục mời cơm của người Bắc có tầm vóc như một nghi lễ vậy. Nó nhắc cho ta biết có ai bên mình, có ai trên mình, ai là người đã cho mình có được bữa cơm ngon lành, đầm ấm.

“Con mời bố mẹ xơi cơm, chị mời em xơi cơm”..

Lời mời cao hơn mâm cỗ. Quê tôi, người ta hay nói câu đó để nhắc nhở nhau, đừng quên mời nhau khi nhà có việc. Người ta đến với nhau vì lời mời, nghĩa là vì cái sự được tôn trọng, không phải đến vì cỗ bàn.

Tục mời cơm của người Bắc là cả một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Chính những lời mời tưởng chừng như vô thức ấy đã huấn tập cho con người ta hiểu lẽ biết ơn, biết nhận diện những hạnh phúc đơn thuần, bình dị, cũng là để biết trân quý sự có mặt cho nhau.

Mở lời, khi mở lời mời được người khác, dù là người trong nhà, con trẻ đã học được sự tôn trọng ngay ở đó, ở trên bàn ăn. Giáo dục trên bàn ăn là việc không nên xem thường trong giáo dục gia đình. Nó luôn đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành nếp sống và nhân cách con trẻ sau này.

Nói chuyện mời cơm là nói đến nét đẹp văn hóa, một nét đẹp cần được chúng ta ý thức và nhắc nhớ cho nhau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top