Có nhiều điểm mới và thay đổi đáng chú ý trong Nghị định 65 sửa đổi một số nội dung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành gần đây, có thể kể tới như: Yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch về mục đích sử dụng vốn; Nâng cao khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp; hay bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp...
Bên cạnh đó, theo quy định mới từ Nghị định 65, doanh nghiệp được phép phát hành trái phiếu để đảo nợ nhưng mục đích sử dụng vốn sẽ phải cần kiểm toán. Đây là động thái chấn chỉnh tình trạng phát hành trái phiếu không rõ mục đích thời gian qua, loại bỏ tâm lý "cứ huy động tiền về đã rồi tính sau" của doanh nghiệp. Yêu cầu kiểm toán sẽ buộc doanh nghiệp phải có một kế hoạch rõ ràng công khai minh bạch với cộng đồng đầu tư về mục đích huy động vốn và sử dụng vốn của trái chủ.
Hoạt động mua lại 9 tháng năm nay của khối doanh nghiệp phi ngân hàng tăng 2,34 lần sao với cùng kỳ năm 2021 và đạt 75.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang thẩm thấu chính sách, xây dựng lại kế hoạch huy động vốn, hướng tới các đối tượng đầu tư phù hợp hơn trong giai đoạn tới.
"Khi mà thị trường trở nên ngày một minh bạch hơn, các quy định cũng rõ ràng hơn thì sẽ có bộ phận nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là mục tiêu mà chúng ta hướng đến", ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết.
Khi có thêm các nhà đâu tư chuyên nghiệp sẽ thu hút thêm các định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí như thông lệ quốc tế... Bởi các nhà đầu tư tổ chức sẽ có những quy trình đánh giá sức khỏe doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn và tầm nhìn dài hạn hơn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo thống kê, vai trò nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam vẫn còn chưa lớn khi lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam do tổ chức nắm giữ vào khoảng 67%. Trong khi tỷ lệ này ở một số quốc gia châu Á như Ấn Độ là 95% hay ở Hàn Quốc thậm chí là hơn 99%.
Đẩy mạnh vai trò xếp hạng tín nhiệm
Xếp hạng tín nhiệm là một công cụ đánh giá phổ biến và không thể thiếu trước khi nhà đầu tư tại các quốc gia trên thế giới ra quyết định nên mua trái phiếu doanh nghiệp hay không.
"Khả năng trả nợ của doanh nghiệp không chỉ là các con số mà còn là sự sẵn sàng trả nợ của doanh nghiệp với trái chủ. Vì vậy tôi tin thị trường vẫn cần cơ sở xếp hạng tín nhiệm đầy đủ", ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng, FiinRatings nhận định.
Theo ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Kinh tế khu vực tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nghị định 65 đã yêu cầu một số trường hợp phát hành riêng lẻ có quy mô lớn phải định hạng tín nhiệm, đây là bước tiến quan trọng. Thời gian tới, khi năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tốt hơn, Việt Nam hãy mạnh dạn mở rộng phạm vi trái phiếu doanh nghiệp phát hành bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, giúp trái chủ có bức tranh đầy đủ về cơ hội và rủi ro.
Các doanh nghiệp định hạng nội địa cũng đang tăng cường hợp tác với các tổ chức lớn trên thế giới như S&P, Moodys. Đây được đánh giá là động thái cấp tiến tăng cường sự quan tâm của doanh nghiệp với văn hóa xếp hạng tín nhiệm.
"Điểm khó của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm khi bắt đầu là sự chấp nhận của doanh nghiệp và nhà đầu tư vì họ lo ngại chất lượng không được như kỳ vọng", ông Paul Coughlin - Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings cho biết.
Nhưng để thu hút thêm sự tham giả của các tổ chức uy tín vào thị trường trái phiếu Việt Nam, một con số quan trọng cần có sự thay đổi. Đó là tỷ lệ phát hành ra công chúng, tức là trái phiếu được niêm yết mà mọi nhà đầu tư đều có thể tiếp cận giờ vẫn chỉ loanh quanh 3 - 4%. Trong khi đó lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn cao đột biến.
Có lẽ đã đến lúc kênh phát hành trái phiếu ra công chúng cần một sự quan tâm đúng mức hơn. Vì đây mới là nơi thể hiện có hay không sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam./.