Aa

Chuyện nhà thằng Hải

Thứ Năm, 13/12/2018 - 07:00

Thằng Hải sau này nói, lễ cưới xong còn phải dọn thóc và đồ ra gian ngoài. Thằng Hải vô tư kể: Cô dâu mới dọn xong buồng cứ ngồi ngoài hiên mãi. Sau, có bà thím cầm tay dắt vào buồng. Khi thằng Hải bị đánh thức dậy để chào anh thì nó thấy chị mới của nó đã ngồi trong bếp nấu cơm. Khi anh nó khoác ba lô đi cũng vẫn ngồi trong bếp không ra vì ngượng...

Hồi là đứa trẻ đi sơ tán tránh ném bom, tôi có bạn là thằng Hải. Nhà nó đầu ngõ, gần ao. Hàng ngày nó phải nấu cơm, nấu cám, cuốc vườn… Tôi là con nhà sơ tán chỉ phải nấu cơm là hết. Tôi sang bên nhà nó phần lớn thời gian sau giờ học. Buổi trưa nó thái cây chuối rồi giã trong cối đá cùng với bèo trước khi nấu cám lợn. Cối đá đặt ngay ngoài ngõ nên cuộc giã bèo ấy thường kéo dài vì hai thằng ngồi tán khoét với nhau. Lợn nhà nó hay kêu ầm ĩ vì chậm bữa, cũng vì lẽ đó. Chỗ thứ hai chúng tôi tụ họp là cái cầu ao đá. Hai đứa bê cái rổ bát đĩa ra rửa và cuộc rửa bát kéo dài hàng giờ. Thường là cho đến khi trong ngõ xuất hiện bóng bố nó dắt trâu hay vác cuốc đi ra, khi đó chúng tôi sợ rúm và giải tán. Thằng Hải chăm mọi việc, nhưng riêng rửa bát nó rất ngại. Nó hay ngâm rổ bát đó, rồi bê lên dìm xuống vài lần cho trôi cặn, bát nhìn có vẻ sạch, là vác về. Nó từng ăn đòn vì bát rửa rồi vẫn bẩn, nhưng không chừa.

Anh thằng Hải hơn chúng tôi chừng năm tuổi, vẫn tắm cầu ao và mày tao chi tớ với bọn tôi. Rồi tự nhiên tách ra đứng trên kẻ cả nhìn chúng tôi như thể là thuộc tầng cấp khác. Ra cái điều người lớn. Nhưng mà cũng là người lớn thật chứ còn gì nữa. Bởi vì đến một hôm thằng Hải đi khắp xóm mời tối sang nhà nó liên hoan tiễn anh nó đi bộ đội.

Trong hình dung của chúng tôi hồi đó, đi bộ đội thích lắm, như là được “lên tỉnh” chơi. Mà với người lớn cũng không ai nói về chuyện đi bộ đội là chiến đấu sống chết gì. Đương nhiên trai lớn thì đi bộ đội, mà đi là thắng lợi trở về. Gọi là liên hoan, nhưng có nồi chè xanh to để giữa sân và cả mẹt bát. Khác là có đèn hơi sáng trắng. Người ta đến lũ lượt uống nước chè, tán chuyện ầm ĩ. Lúc đầu bọn trẻ con chúng tôi háo hức lắm, cứ như hội vậy. Nhưng thấy người lớn rồi lại nói chuyện ruộng, lúa má, lợn... là chán, tụ tập ra ngoài cối đá tán phét. Rồi bị bố mẹ gọi về khi đã khuya.

Từ hôm sau, không còn bóng ông anh kẻ cả nhìn trên bờ ao khi chúng tôi trần truồng tắm nữa. Lần đầu anh thằng Hải về phép, chúng tôi không nhận ra. Ối giời ơi, mặc quân phục, như là cao hơn gấp rưỡi trước. Cứ như trong phim bước ra. Nhìn chúng tôi còn kẻ cả gấp đôi trước. Nhưng giờ chúng tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

Tôi nhớ cũng vài lần nhìn thấy anh thằng Hải về phép, thường hôm sau đã đi rồi. Cũng không oai vệ như lúc đầu vì quân phục không mới nữa. Còn bị ghẻ nước đầy người. Cho đến một hôm anh lại về. Mẹ thằng Hải đang cùng các tổ đội cấy ruộng ngay đầu làng, chỗ đường sắt đi qua. Anh ấy lội ngay xuống ruộng lôi mẹ lên rồi nói hối nói hả. Mẹ thằng Hải nói với qua ruộng với mọi người là phải về đây, rồi chạy theo con trai.

Thanh niên vào quân đội thời chống Mỹ.

Thanh niên vào quân đội thời chống Mỹ.

Lần ấy anh thằng Hải nghỉ phép trước khi vào Nam. Chắc đám lính già xui nên quyết về lấy vợ trước khi vào chiến trường. Hạn phép hai ngày. Vấn đề là anh thằng Hải chưa hề có đám nào dấm sẵn. Nói ngôn ngữ sau này là chưa có mảnh tình vắt vai nào cả. Thế là mất cả ngày đầu cho chuyện thế thì hỏi ai. Ủy ban xã, đoàn thanh niên xã... ngồi bậc hè nhà thằng Hải đợi. Quầy mậu dịch của xã bê bánh kẹo và thuốc lá xuống đặt sẵn. Đây là nghĩa vụ địa phương với anh bộ đội đi đánh Mỹ. Chỉ cần gia đình có dâu là tổ chức ngay. Đến chiều dân quân xuống dựng rạp, cả nhà vẫn nháo nhào tìm dâu. Bố thằng Hải cứ ngồi đực ra. Mẹ nó thì lúc cười lúc mếu. Ồn ào to miệng nhất là các bà cô, bà thím. Chạy loạn các xóm chọn dâu, tranh cãi với nhau. Anh thằng Hải ra ngồi cầu ao xem chúng tôi tắm, không vẻ kẻ cả mà bồn chồn sốt ruột. Hình như đến đêm thì hỏi được dâu.

Cô dâu này thì tôi và thằng Hải biết. Vì đôi lần ăn trộm mía ruộng nhà chị ấy. Nhà khá xa, theo hình dung của thời đó. Vì bọn tôi trộm mía hay ổi phải chọn chỗ xa, sợ bị mách. Cùng xã nhưng tận thôn giáp bờ đê. Cũng theo hình dung của chúng tôi khi đó thì chị này đẹp lắm. Da trắng như dân tỉnh.

Cả ngày hôm sau, nhà thằng Hải đông như chợ vỡ. Tối thì lễ cưới. Lần này nhiều đèn măng sông lắm, sáng hết ngõ đến cầu ao. Kết thúc chú rể mặc quân phục hát, chúng tôi phục lăn. Tôi ngồi gần, thấy dưới ánh đèn tay chú rể vẫn mẩn mụn, chắc chưa hết ghẻ. Nhưng mặt mũi rất đẹp trai.

Rất muộn, lễ cưới tan. Tôi phấn khích lắm nên ngủ không ngon. Đèn măng sông tắt rồi chưa rạng sáng đã thấy thắp lên, có tiếng người lao xao gọi nhau dậy. Khói bếp nhà Hải bay sang, tôi ngửi được mùi cơm nếp thơm phức. Rồi tôi ngủ thiếp đi. Sáng đi ra ngõ thấy Hải đã giã bèo nấu cám sáng. Nhà im ắng, còn mỗi cái khẩu hiệu vải đỏ căng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” còn treo là gợi sự kiện hôm qua. Tôi với thằng Hải ngáp sái quai hàm thì thấy chị ấy bê nồi nấu cám ra để cho bèo vào. Mà nhìn hai đứa, chị ấy còn luống cuống hơn cả chúng tôi. Anh thằng Hải đã đi rồi, sau vài giờ hai vợ chồng mới được ngủ riêng trong cái buồng chái nhà. Cái buồng ấy có cả bồ thóc và nhiều thúng mủng. Thằng Hải, sau này nói lễ cưới xong còn phải dọn thóc và đồ ra gian ngoài. Thằng Hải vô tư kể: Cô dâu mới dọn xong buồng cứ ngồi ngoài hiên mãi. Sau, có bà thím cầm tay dắt vào buồng. Khi thằng Hải bị đánh thức dậy để chào anh thì nó thấy chị mới của nó đã ngồi trong bếp nấu cơm. Khi anh nó khoác ba lô đi cũng vẫn ngồi trong bếp không ra vì ngượng. Cũng không ai cho rằng phải đưa tiễn lưu luyến. Hồi đó bộ đội đi B cũng là chuyện bình thường. Mỹ thì tất nhiên phải đánh, mà đánh là thắng. Mỹ nó buồn cười lắm, có biết đánh nhau đâu. Các thầy cô kể chúng là bọn lính cậu, chỉ có máy bay tàu bò nhiều chứ không đánh đấm gì nên hồn. Ra trận sau đít mỗi thằng đeo cái ghế con để mỏi thì ngồi xuống. Bắn nhau đến giờ ăn thì chúng nó nghỉ đợi máy bay chở cơm đến. Rồi máy bay trực thăng có vòi nước phun xuống cho chúng nó tắm như thể tắm lợn ấy. Quân ta thì đánh từ sáng đến đêm. Mà quân ta toàn bắn xuyên táo. Không có chuyện một viên đạn một thằng Mỹ, mà phải hai ba thằng! Chuyện Mỹ thua đến nơi rồi là đương nhiên. Riêng trẻ con phải học cho giỏi để bộ đội giải phóng Miền Nam về mới được dự mừng thắng lợi.

Những tháng sau đó, nhà thằng Hải chú tâm nhất là bụng chị dâu nó có to ra không. Nhưng chưa thấy. Người lớn nhà nó đi làm đồng suốt ngày, nên tôi cũng ít gặp chị dâu nó. Hay gặp chị ở chỗ cầu ao. Thằng Hải sướng vì không phải rửa bát nữa. Tôi thì vẫn phải ngày hai lần vác rổ bát đi rửa. Mọi người đùa là chồng lính chưa kịp để lại nhóc tì, mới kịp để lại cho vợ trẻ cái bệnh ghẻ nước. Chị ấy bị lây ghẻ thật, sau mấy giờ trong buồng với chồng mới. Nhiều ngày gặp ai tại cầu ao, mặt chị đỏ nhừ vì ngượng. Dù là chị lành khỏi cái đó nhanh lắm, không như bọn chúng tôi đã bị là rất lâu. Chúng tôi chả ngượng vì ít đứa không bị ghẻ.

Chị dâu thằng Hải mất chỉ sau đó nửa năm, nhanh đến mức không ai hiểu tại sao. Sau khi lành ghẻ nước, da dẻ lại trắng hồng được ít lâu rồi cứ sạm đi. Lúc đầu tưởng chăm ra đồng nên cháy nắng, nhưng không phải. Gặp tại cầu ao, tôi thấy chị ấy gầy, người chỉ còn hai con mắt. Rồi bố mẹ đẻ sang xin đón về chăm chữa bệnh. Một buổi sáng, tôi ra ao thấy rất nhiều người tụ tập bàn tán. Thì ra chị ấy chết rồi. Khi ấy chẳng như bây giờ. Không ai biết bệnh gì thì nói là bệnh máu. Sau này tôi nghĩ, có thể hồi đó mới bắt đầu có phong trào dùng thuốc trừ sâu. Người ta dùng nó khi đó ngờ nghệch vô tư lắm. Rửa bình trắng cả cầu ao. Rồi trên đồng đùa nhau còn phun vào nhau... Chị dâu thằng Hải trẻ nên tham gia đội phun thuốc. Nhưng đó là sau này tôi nghĩ thế.

Hồi đó không có chuyện báo tin cho chồng đang chiến đấu. Mà có lẽ cũng chẳng nhà nào nhận thư từ trong B. Sau hai năm, thằng Hải kể là còn có một lần anh nó về nhà ban đêm. Anh nó ra Bắc để đào tạo gấp chuyển binh chủng rồi hành quân luôn vào B. Chạy vội về làng đập cửa ngõ. Vào nhà rồi thì chạy ngay vào buồng nhưng không thấy vợ. Bố mẹ Hải bảo là con dâu về nhà ngoại ăn giỗ mấy hôm. Anh nó định chạy sang bên ngoại. Mẹ thằng Hải cuống lên không biết làm thế nào, mới giữ anh nó, bảo đợi thằng Hải chạy báo cho chị về. Rồi lôi Hải ra ngõ nói cứ chạy đi một lúc rồi về nói chị dâu đi học dân quân trên huyện rồi. Thằng Hải ra cầu ao ngồi lúc lâu lắm, định quay về thì thấy bóng anh nó khoác ba lô chạy ra. Hải sợ anh nó sốt ruột chạy về nhà bên vợ, nhưng rồi trông thấy anh nó đi ngược về phía đường sắt. Anh nó không đủ thời gian đợi vợ.

Ít lâu sau, tạm ngừng ném bom, nhà tôi lại về thành phố. Rồi lại ném bom và lại sơ tán, nhưng khi đó chúng tôi sơ tán về miền khác. Tôi chỉ gặp Hải khi đã hết thời ném bom. Nó đã lớn lắm. Mà tôi cũng thế. Nó giống anh nó nhưng cao to hơn. Nó cho biết bạn bè cũ đi bộ đội nhiều rồi. Nó thì người ta không nhận vì nhà chỉ có hai con trai, thì một đã là liệt sỹ. Có nghĩa là anh nó đã hy sinh. Mà vẫn nghĩ ở nhà có người vợ đợi. Người vợ bén hơi vẻn vẹn mấy giờ đồng hồ gần sáng sau cưới...

Tôi và Hải, khi đó ngồi bên dãy phố tan hoang của Nam Định sau ném bom. Chiến tranh chưa chấm dứt. Chúng tôi khi ấy vẫn nghĩ sẽ đến lúc nào đó không xa rồi mình cũng sẽ “Đi B” như chuyện đương nhiên. Vâng, khi đó hai đứa vẫn chỉ là những đứa học sinh cấp 3. Nhưng đã đủ lớn, đã bắt đầu cảm nhận được thế nào là chiến tranh, là mất mát…

 Nhà báo TRẦN ĐĂNG TUẤN

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top