Lần đạp xe xuyên Việt vừa rồi, chúng tôi quyết định đạp qua đèo Hải Vân chứ không đi xe trung chuyển qua hầm. Tới Lăng Cô lúc xế chiều, ăn tối xong, vợ chồng người bạn từ Đà Nẵng chạy ô tô sang mời chúng tôi lên xe chạy lên đỉnh đèo. Anh nói, là để chúng tôi "Lường trước thử thách của ngày mai".
Chạy lên đèo được một lúc, đèn pha ô tô soi thấy phía trước có hai người nước ngoài đang leo bộ. Đó là một cặp rất trẻ. Anh con trai gò mình đẩy chiếc xe máy hỏng, cô gái lưng trĩu xuống bởi chiếc ba lô dài và nặng. Đi không lên dốc đã rất mệt, mà một người đẩy xe, một người gồng nặng thế kia thì quả thật khó hình dung họ sẽ vất vả thế nào. Đã vượt lên cặp đôi không may nọ, chúng tôi thấy băn khoăn nên dừng lại, quay xuống hỏi. Thì ra, họ xuất phát từ Hà Nội bằng chiếc xe máy mua lại giá rẻ. Các thanh niên phượt người nước ngoài thường mua một chiếc xe máy cũ, giá vài trăm đô, đi dọc Việt Nam, rồi họ bán lại với giá thấp hơn chút. Như vậy là giải quyết khá tốt vấn đề phương tiện. Chắc chiếc xe này quá cũ, nên khi đi trên đường bằng, hoặc dốc ngắn, nó vẫn chở được hai bạn trẻ cùng ba lô. Nhưng vượt qua đèo Hải Vân, thì chiếc xe này không kham nổi. Máy xe vẫn nổ, nếu đi một người vẫn được, nhưng không thể chở cô bạn cùng hành lý. Và họ quyết định leo bộ. Thực ra có thể có giải pháp tốt hơn, là họ đi xuống dốc, quay lại Lăng Cô, sáng hôm sau đi trung chuyển qua hầm. Nhưng họ lại chọn cách vượt đèo này trong đêm. Cũng có thể họ không biết là có xe trung chuyển qua hầm. Hoặc họ nghĩ đèo Hải Vân không dài đến vậy.
Khi đến gần hai bạn này, chúng tôi thấy họ đã rất mệt. Nhưng khi chúng tôi hỏi, có cần giúp đỡ gì không, anh bạn trẻ vẫn khẳng định: "Không có vấn đề gì. Xe không chở được hai người, chúng tôi sẽ đi bộ đến chỗ bằng hơn thì lại đi xe".
Chúng tôi rời đi, nhưng vẫn thấy băn khoăn.
Với ô tô, chỉ ít phút, chúng tôi lên đến đỉnh Hải Vân, ngắm phía Đà Nẵng một chút rồi quay về. Chúng tôi tự hỏi không hiểu hai người kia đã đi được bằng xe máy chưa. Xuống đến gần chân đèo vẫn không thấy hai người. Chúng tôi đã nghĩ rằng cuối cùng con ngựa sắt kia đã không dở chứng nữa, và họ đã đi qua chúng tôi lúc nào đó rồi. Nhưng rồi lại hiện ra trong ánh đèn pha hai người đó, gò người từng bước một giữa tối tăm âm u của đêm trên đèo. Thì ra từ lúc đó, họ cũng chưa leo được bao nhiêu đường đèo.
Lần này chúng tôi dừng lại và quyết định nhất định sẽ phải giúp họ. Nếu không, cả đêm nay họ cũng không lên được đỉnh đèo. Bây giờ thì hai người mệt đến mức chàng trai khó khăn lắm mới nói được những câu đứt quãng. Chúng tôi đề xuất anh bạn đi một mình với chiếc xe lên đỉnh đèo. Còn cô gái ngồi vào xe ô tô của chúng tôi đi ngược lại. Đến đỉnh đèo họ sẽ gặp nhau. Xuống dốc thì không có vấn đề gì. Họ sẽ đi trên xe máy. Lần này họ đồng ý. Đúng hơn là chàng trai đồng ý. Còn cô gái, thật tội, kiệt sức đến mức suốt lúc đó chẳng thể nói lên một câu nào, chỉ yên lặng làm theo lời của chàng trai là chui vào ô tô. Thực ra, tôi hiểu sự e ngại của họ. Chàng trai không thể vô tư để bạn gái vào chiếc ô tô của người lạ đi trong đêm. Chính vì thế anh ta khăng khăng tự đi được lúc chúng tôi gặp lần đầu. Nhưng giờ họ đồng ý vì hai lý do. Một là quá mệt. Và cái chính là nỗi ngại của họ tan biến khi từ trong xe ô tô xuất hiện vợ của anh bạn Đà Nẵng. Hai người chúng tôi thì ở lại trên đường, nhường chỗ cho cô gái nước ngoài trên ô tô cùng vợ người bạn.
Rồi thì mọi cái đều ổn. Hai bạn, người Luân Đôn thì phải, qua đèo Hải Vân. Có lẽ khi đó họ mới biết đèo còn dài và hiểm trở đến thế. Khó diễn tả họ vui và cảm động thế nào khi chia tay. Về Lăng Cô, chúng tôi vẫn thấy khó tưởng tượng, nếu còn từ chối sự hỗ trợ của chúng tôi, họ sẽ khốn khổ đến đâu với 9 km dốc đến đỉnh đèo trong đêm như vậy. Nếu khi đi về, chúng tôi tặc lưỡi ái ngại rồi vẫn đi qua, chắc sẽ không yên lòng, thấy cắn rứt vì biết chắc cả đêm họ vẫn hì hục một cách tuyệt vọng trên đèo vắng. Sức người có hạn. Chúng tôi thấy họ thật sự kiệt sức rồi...
Chúng tôi cũng có chút vui vì đã làm được việc, với chúng tôi là không đáng công sức gì, nhưng với hai vị khách du lịch, là quá cần thiết.
Không nói về sự hỗ trợ của chúng tôi – nó quá đơn giản. Nhưng tin rằng có lẽ đó sẽ là kỷ niệm không thể quên của đôi bạn nước ngoài khi rời Việt Nam. Cho dù họ có thể chưa vừa lòng về vài chuyện gì đó liên quan đến dịch vụ, nhưng họ sẽ nhớ về Việt Nam qua sự giúp đỡ của chúng tôi trong cái đêm khó khăn đó với họ.
Chúng ta cũng thế thôi, nếu ở nơi xa lạ, có sự giúp đỡ nào, chúng ta sẽ không quên. Trong những lần gặp người nước ngoài sang Việt Nam, tất cả họ đều nói cái ấn tượng nhất ở Việt Nam là sự thân thiện. Có lẽ tất cả người nước ngoài sang Việt Nam đều với hình dung đó. Và nói chung thì họ không nhầm. Nhưng cũng chính vì thế mà mỗi cư xử xấu, nếu vẫn có mà họ gặp, sẽ gây sốc cho họ, phá vỡ niềm tin ban đầu đó của họ.
Tiếc thay, điều này vẫn xảy ra. Và chúng ta đều biết. Chuyện cô gái nước ngoài đạp xe xuyên Việt đến TP. Hồ Chí Minh thì bị mất cắp chính cái xe đạp đó. May là sau đó cảnh sát đã tìm được xe trả lại cho cô. Chuyện ở ngay Hồ Gươm, có những kẻ đã chèn ép khách nước ngoài trả tiền "sửa giày cưỡng bức". Rồi lái xe taxi lừa ép trả tiền gấp bội… Những chuyện đó tàn phá ghê gớm thiện cảm của khách du lịch
Đúng là ai ra nước ngoài, kể cả chúng ta, đều rất nhạy cảm với mỗi hành vi xấu xí đối với mình. Nhất là nếu lần đầu đến xứ lạ. Cho nên có thể hiểu, nếu như người khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, bị vấp phải sự xấu xí đó, thì về lý trí, họ vẫn hiểu đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, nhưng về tình cảm thì họ tổn thương, và chắc chuyện quay lại lần nữa là điều họ sẽ không nghĩ đến.
Rất may, những xấu xí kiểu trên không phải là phổ biến ở nước ta. Nhưng cũng không ít đến mức có thể bỏ qua. Nếu người nước ngoài sống lâu ở Việt Nam, vài hành vi cư xử xấu không gây cho họ quá nhiều ấn tượng, bởi họ đã nhận thấy sự thân thiện của số đông người Việt. Sống lâu, họ sẽ sàng lọc được các ấn tượng Đúng là ở đâu chẳng có vài lúc bị khó chịu, kể cả ở nơi có cộng đồng thân thiện nhất. Nhưng với người chỉ đến Việt nam một ít ngày, thì một chuyện lừa gạt xấu xí sẽ gây cho họ ấn tượng rất tiêu cực, không thể quên được và không thể bỏ qua. Nhất là những người du lịch. Đi du lịch là muốn có một thời gian yên bình thú vị và thanh thoát. Nếu lại có một trải nghiệm khó chịu thì cái làm họ bực không phải là mất tiền, mà là mất cả sự yên bình mà họ muốn hưởng sau những ngày căng thẳng vì công việc.
Cho nên, tôi rất ủng hộ những địa phương có quy định nghiêm khắc với mọi hành vi quấy rầy, chèn ép khách du lịch. Chỉ một số nhóm người làm điều đó là phá hỏng những nỗ lực lớn khuyếch trương Du lịch Việt. Khi đến Ai Cập, tôi thấy nước này cho khách du lịch những "đặc quyền" riêng. Ví dụ: Nếu khách du lịch muốn qua đường, cảnh sát dừng dòng xe cho họ đi qua. Ở các cửa hàng, quán xá, khách du lịch được ưu tiên phục vụ trước, và đó là quy định, nên người dân rất vui vẻ thực hiện. Những hành vi lừa đảo khách du lịch bị trừng trị rất nặng.
So với Việt Nam, nhiều nước trong khu vực không thể đọ được về cảnh quan kỳ thú. Cơ sở ăn nghỉ cho khách của Việt Nam giờ đây cũng không còn ở thời thiếu thốn. Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối về thiên nhiên, về cảnh quan, sự đặc sắc văn hoá. Cái chúng ta cần là sao cho phát huy hết "Vẻ đẹp tiềm ẩn" vốn có: Sự thân thiện. Không để số ít người vì trục lợi hay vô ý thức, thiếu văn hoá, phá đi vẻ đẹp đó của Việt Nam.
Xét cho cùng, cái gây ấn tượng nhất cho người nước ngoài là gì? Họ đến có thể vì muốn chiêm ngưỡng cảnh quan, nhưng họ gắn bó hay không thì là vì cách chúng ta đối xử với họ. Cũng như người ta làm quen nhau trước tiên theo vẻ bề ngoài, nhưng thành bạn bè thì do đồng điệu tâm hồn. Sự thân thiện – Đó là sức hút lớn nhất để người ta đến với chúng ta!