Cô chủ quán phở Bắc Hà vừa làm bát phở cho tôi, vừa hỏi chuyện một thanh niên chắc chưa đầy 18 tuổi từ công trường chạy sang xin nước uống. Cô gặng hỏi mãi cậu ta, giờ bà X. bán nhà rồi, thì ngủ ở đâu? Cậu nói, em có chỗ ngủ. Cô không tin, hỏi lại, tối nay ngủ chỗ nào? Cậu ấp úng rồi nói: "Không sao, đến tối cháu sẽ tìm được chỗ mà". Rồi cậu chạy về chỗ đang xây nhà.
Cậu này không biết quê đâu (nói giọng Bắc), một mình tới Phú Quốc, thấy chỗ nào người ta làm nhà thì tới xin phụ hồ. Những người bán quán ở đó thương cậu và hay quan tâm hỗ trợ. Cậu ngủ ở ngay chỗ làm, hoặc là chỗ bạn thợ. Lần cuối có bà già cho ngủ nhờ. Cậu ổn định nơi ngủ được một thời gian khá dài. Phú Quốc giờ đây giá nhà đất mỗi giờ mỗi khác. Bà già bán nhà, và cậu thanh niên nghĩ rằng không có gì phải lo, rồi cũng sẽ có chỗ người ta cho ngủ nhờ.
Phú Quốc giờ là công trường lớn. Người ta đổ tiền vào đây để xây nhà cửa, khách sạn, resort... Rồi bao nhiêu dịch vụ khác cho người du lịch. Giá cả khá đắt nếu ghé vào quán xá. Mọi cái cứ bừng bừng cả lên. Người bản địa vốn ít, không đủ nhân lực đáp ứng tại chỗ cho sự phát triển chóng mặt. Cho nên bên cạnh những người giàu, rất giàu, đến đây để chọn cơ hội giàu thêm, thì có vô vàn những người không giàu đến đây để kiếm việc. Và Phú Quốc có việc cho tất cả.
Khác với cậu trai trẻ nọ, người phụ nữ trung niên phụ bán quán bún Hải Phòng này không phải là tay trắng đến Phú Quốc. Chị nói quê ở Quảng Ngãi, có thời gian lên Đăk Nông bán quán. Rồi có những hoàn cảnh gia đình sao đó khiến chị muốn đi xa. Nghe Phú Quốc giờ làm dịch vụ ăn uống dễ, nên chị gom tiền vào đây. Nhưng giữa cảnh trăm người bán mua nhộn nhịp, nhất thời chị chưa biết nên thuê đất mở quán bán gì. Vậy là chị quyết định đi làm công cho các quán ăn, để rồi nhìn và đoán người ta thích ăn gì, ưa cách gì. Điểm giống nhau giữa chị và cậu phụ hồ là không người thân thích. Và suy nghĩ cũng giống: Không ngại thiếu việc, không sợ chuyện không tự nuôi được mình ở hòn đảo đang nhộn nhịp này.
Buổi tối, tôi gặp một cặp đi rong các quán đông khách để "diễn xiếc". Các màn khá ghê. Đút lửa vào miệng. Ghê nhất là cho những con rắn lục nhỏ xíu chui vào miệng, thò đầu ra đằng mũi. Rồi ngược lại, chui vào mũi rồi lôi ra khỏi miệng. Giữa các màn diễn ấy, người nữ trẻ đi phụ mang các thanh kẹo đi bán ở mấy bàn gần nhất. Xong, họ cho rắn vào chiếc lọ, xách loa đài ngồi lên xe Honda tiếp tục chạy đến quán khác. Anh bạn người ở đảo nói với tôi, mỗi quán họ bán sẽ có lãi một vài trăm ngàn. Một buổi tối có thể có 1 đến 2 triệu đồng.
Phú Quốc giờ chưa vào mùa du lịch chính. Cuối tháng 11 trở đi, khách Tây sẽ rất đông, đến tận sau Noel và năm mới dương lịch. Vào thời điểm này, người Tây Âu còn thưa thớt, nhưng người Nga thì rất nhiều. Chủ yếu là những gia đình, nhiều cặp vợ chồng già, còn gia đình trẻ thì khá nhiều chỉ có mẹ và các con nhỏ. Chắc các ông chồng chưa đến lúc được nghỉ để đi. Người Nga không thực sự vô tư, hồn nhiên như khách đi nghỉ từ Tây Âu. Họ vẫn muốn có bối cảnh quen thuộc. Chính vì thế rất nhiều phòng tour ở Phú Quốc có người Nga làm thuê. Tôi thấy chủ yếu khách Nga ghé vào những chỗ có người Nga tiếp chuyện để đặt tour.
Nhưng có lẽ thú vị nhất là một chàng trai Nga. Cậu này đi du lịch. Rồi cứ muốn ở lại tắm biển quanh năm, không chịu về nữa. Không có tiền, nhưng rồi rất nhanh, cậu ta tìm được phương cách sống từ một khả năng mà ở nhà mình, cậu ấy không có dịp nào dùng đến. Cậu ta hát tiếng Nga, tiếng Anh, và biết chơi đàn ghita tự đệm cho mình. Có đến cả chục quán cafe mời cậu ấy cộng tác. Ban ngày chắc cậu này chỉ lang thang ngoài bãi biển. Tối đến, cậu đến một vài quán cafe, ngồi lầm lì uống vodka. Rồi đến lúc nào đó, khi rượu đã ngấm, cậu lôi ghita ra chơi, không nói không rằng. Lại nhấp vodka. Thường đến đêm thì bốc, hát như trút gan ruột. Say thì về. Hôm sau có thể lại đến quán khác. Các quán ấy bao tiền đủ để cậu ta sống, có chỗ ở...
Tôi rời Phú Quốc mà vẫn nhớ một chuyện nhỏ. Tại quán ăn, một em gái nhỏ bán bánh đa đến bàn chúng tôi mời mua, 15 ngàn mỗi chiếc bánh đa lớn. Bạn tôi xoa đầu bé, rồi nói: "Chú tặng cháu 10 ngàn, không lấy bánh". Cô bé nhận, cầm 10 ngàn, rồi hỏi: "Chú có 5 ngàn nữa không?". Anh bạn hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn đưa thêm 5 ngàn. Cô bé nhận tiền xong, trao cho bàn chiếc bánh đa, rồi khoanh tay cám ơn, bước đi.
Ở Phú Quốc, cuộc sống tăng tốc khác hẳn trước đây.
Trong sự sôi sục này, người làm giàu ào ạt, kẻ lặng lẽ mưu sinh...