Aa

Chuyển nhượng BĐS phải nộp thuế: Không thấu tình, chẳng đạt lý

Thứ Sáu, 29/09/2017 - 06:31

Đề xuất bỏ quy định “chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT” sang mức thuế suất thông thường 10% của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Là người theo sát các doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, ông Trần Nam Trung - Đồng Tổng Giám đốc APAVE Châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra bất ngờ trước đề xuất đánh thuế chuyển nhượng bất động sản của Bộ Tài chính, và theo ông đề xuất này là không hợp lý.

DN, người tiêu dùng đều thiệt

Ông Trung lý giải, giao dịch nhà đất hiện phải chịu phí trước bạ 0,5%, thuế thu nhập cá nhân 2%, tổng cộng thuế và lệ phí trước bạ là 2,5% giá trị giao dịch. Nếu đánh thuế GTGT chuyển quyền sử dụng đất như đề xuất thì phải chịu thêm thuế 10% nữa, tức là tăng gần 7 lần so với thuế, phí hiện hành.

"Một căn hộ trung bình giá 2 tỷ đồng mà phải nộp thuế 15% là rất cao, rất nguy hiểm cho thị trường bất động sản vì thị trường này có quan hệ với thị trường lao động, sản xuất vật liệu xây dựng và đặc biệt là tín dụng. Đề xuất này thiệt hại vẫn thuộc về người cuối cùng tức người mua nhà” – ông Trung nhấn mạnh.

Nếu đề xuất được thông qua thiệt hại thuộc về người mua nhà.

Nếu đề xuất được thông qua thiệt hại thuộc về người mua nhà.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tài – Chủ tịch HĐQT P.H Group cho rằng, cơ cấu một sản phẩm bất động sản đã bao gồm nhiều loại thuế và phí. Các loại vật liệu, vật tư đầu ra đều đã chịu thuế GTGT vào cấu thành giá sản phẩm.

“Nếu áp cả VAT khi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi giao dịch bán nhà sẽ đội thêm 10-15% chi phí và đánh thẳng vào người tiêu dùng. Đề xuất này cũng dễ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, từ đó đẩy giá bán BĐS tăng lên, làm ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua, khiến thị trường bất động sản ảnh hưởng trầm trọng” – ông Tài khẳng định.

Đại diện cho phía các doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) từng lên tiếng khẳng định tại khoản 6 Điều 5 Luật thuế VAT hiện hành quy định: “Chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn, và có lý có tình. Nay, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm.

Do vậy, HoREA kiến nghị không áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất thì hợp tình hợp lý hơn.

Dễ Bộ, khó thị trường

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội thừa nhận đề xuất của Bộ Tài chính là đơn giản, dễ thu, dễ quản lý nhưng lại có tác động tiêu cực, tác động nhiều đến các lĩnh vực khác.

Cụ thể, đối với các ngân hàng đang nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nếu thu theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ phải điều chỉnh lại hết giá trị các BĐS của khách hàng, ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng của khách hàng, thêm nhiều công việc phải chuyển đổi cho phù hợp với quy định thuế GTGT mới. Chưa kể, hiện nay việc ngân hàng cho cá nhân, tổ chức vay tín dụng để mua nhà đất là phổ biến. Đặc biệt là đối với những dự án nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc phải được tổ chức tín dụng, ngân hàng đứng ra bảo lãnh thì mới được phép chào bán đến người mua.

“Nếu áp thuế GTGT vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sức mua kém đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các Ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho dự án nhà ở hình thành trong tương lai” - luật sư Tú cho biết. 

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế lên thị trường bất động sản bởi cách đó không lâu, Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế nhà ở thứ 2 để tăng nguồn thu.

Là một trong những người chắp bút cho dự thảo đề xuất thuế trên của Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản. Và ông khẳng định, về lâu dài vẫn cần có 1 đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được. 

Tuy nhiên, từng là một nhà quản lý thị trường bất động sản trong gần 1 thập kỷ, ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan quản lý cần hết sức cẩn thận khi ban hành một chính sách mới. 

Ông Hà đưa ra dẫn chứng năm 2009, nhà nước có chính sách coi bất động sản không phải là ngành sản xuất và giảm các khoản vay vốn, ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này gặp khó khăn và kéo theo nợ xấu, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải phá sản, hệ luỵ là ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lao động, vật liệu xây dựng. Mãi đến năm 2013 khi Chính phủ đưa ra những chính sách để phù hợp và nâng đỡ thị trường thì bất động sản mới bắt đầu phục hồi và hướng tới phát triển như hiện nay.

“Bộ Tài chính trước khi đưa ra dự thảo luật thuế cần đánh giá tác động của nó đối với thị trường. Bởi thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi sau một thời gian khủng hoảng dài nên rất nhạy cảm với chính sách” – ông Hà khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top